Thứ ba 05/11/2024 05:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Về Hà Nam Anh nhé - Bài ca về quê hương người vẽ cờ Tổ quốc

22:31 | 28/01/2021

(Xây dựng) - Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng đã sáng tác một ca khúc về quê hương người vẽ cờ Tổ quốc. Ca khúc có tựa đề “Về Hà Nam anh nhé !”. Đó là quê hương của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến, ông sinh ngày 5/3/1901 tại xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên (nay là phường Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

ve ha nam anh nhe bai ca ve que huong nguoi ve co to quoc
Lá Quốc kỳ Việt Nam nguyên mẫu năm 1940.

PV: Thưa nhà báo Tào Khánh Hưng, cơ duyên nào đưa ông đến với lĩnh vực mới mẻ sáng tác ca khúc?

Nhà báo Tào Khánh Hưng: Tôi biết ơn nghề báo đã cho tôi đi nhiều nơi, đến mọi miền đất nước, được trải nghiệm cuộc sống, hiểu thêm về nét độc đáo văn hóa vùng miền của bà con các dân tộc. Những hình ảnh, tin tức sự kiện được tôi chuyển tải một cách nhanh nhất bằng tin, bài báo trên báo giấy và báo điện tử. Nhưng để lan tỏa hơn, dễ đi vào lòng người bằng ca từ thông qua giai điệu, với sự thể hiện truyền cảm của ca sĩ thì nội dung mình định nói nhanh đi vào cuộc sống hơn, diễn tả được ý đồ của tác giả. Chính hiểu được chức năng và thế mạnh của âm nhạc, nên tôi luôn chắt chiu ghi lại những hình ảnh cuộc sống bằng những ca khúc trữ tình về con người, quê hương, đất nước.

Các tác phẩm âm nhạc những đứa con tinh thần của tôi sau một thời gian thai nghén đã xuất hiện, lan tỏa được bạn nghe đài, người thân yêu thích như: Tự hào cô giáo trẻ, Trường Sa yêu thương, Mường Tè quê em, Tình quê, Cô giáo quê hương, Nhà báo chúng tôi... Trong số đó ca khúc “Tự hào cô giáo trẻ” đã đoạt giải Ba trong cuộc thi sáng tác ca khúc nhân dịp Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (cuộc thi không có giải Nhất)… Và ca khúc “Về Hà Nam anh nhé” là bài ca về quê hương người vẽ cờ Tổ quốc tôi sáng tác đúng trong dịp cả đất nước đang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

PV: Ý tưởng của ông về bài ca này như thế nào? Tại sao lại chọn Hà Nam để cho ra đời ca khúc mà không phải địa phương khác?

Nhà báo Tào Khánh Hưng: Trước tiên giới thiệu với bạn là bà Nội tôi ở huyện Bình Lục (Hà Nam), tuổi thơ tôi cũng nhiều lần được bố mẹ đưa về thăm quê bà. Hơn nữa, những 80 của thế kỷ trước còn là tỉnh Hà Nam Ninh tôi đã có hai năm (1983 - 1985) sống và học tập tại Hà Nam nên ký ức trong tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp về con người, cảnh vật vùng quê này.

Người bạn tôi quê ở Hà Nam đã nhiều lần mời về quê chơi nhưng tôi bận quá, công việc bếp núc trong tòa soạn cứ cuốn tôi theo, ra hết số báo này lại đến số báo khác. Nên ít có dịp trở lại Hà Nam, mặc dù có những chuyến công tác đi qua tỉnh, nhưng chưa dừng chân lại đúng nghĩa là về chơi. Tôi có nói với bạn là trước khi về thăm sẽ có một món quà tặng bạn, tặng bà con quê hương Hà Nam – món quà “đặc biệt” ấy có tiền cũng không mua được. Bạn tôi tò mò và háo hức, chờ… Còn tôi thì đã có ý tưởng cho món quà trước rồi.

PV: Ông có thể nói rõ hơn ý tưởng nội dung của ca khúc?

Nhà báo Tào Khánh Hưng: Làm báo đó là nghề làm chính trị nên tôi nghĩ phải đưa vào ca khúc cái người ta chưa đưa, cái mới, cái độc đáo. Tìm hiểu tôi biết Hà Nam đang “sở hữu” rất riêng, khác biệt. Đó là quê hương của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (quê ở làng Lũng Xuyên - Duy Tiên) người đã vẽ lá cờ tổ quốc và địa danh nổi tiếng núi Đọi Sơn - Sông Châu với Lễ hội Tịch điền vào những ngày đầu Xuân thì không ở địa phương nào có. “Anh có về Lũng Xuyên quê em/Nhớ ngọn cờ thời Nam kỳ khởi nghĩa/Thành phố, miền quê cờ bay phất phới/Phủ Lý yêu thương Lam Hạ anh hùng”.

Giờ đây, tại làng Lũng Xuyên ấy có một nhà truyền thống mang tên Nguyễn Hữu Tiến – người dân quê hương Hà Nam tự hào đã sinh ra ông, nhà cách mạng kiên trung, tấm gương sáng ngời giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp thế hệ trẻ Lũng Xuyên nói riêng và người Hà Nam nói chung. Câu chuyện về ông thật xúc động, đó là vào năm 1927, ông tham gia tổ chức “Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”. Năm 1931, ông bị bắt và bị đày ra nhà tù Côn Đảo biệt giam. Năm 1935, ông cùng một số tù chính trị khác vượt ngục, trở về đất liền, hoạt động cách mạng tại Nam bộ; sau đó được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, in ấn tài liệu cách mạng. Chính trong thời gian này, ông được được Xứ ủy Nam Kỳ giao nhiệm vụ vẽ cờ hiệu để sử dụng trong các cuộc đấu tranh. Ông đã vẽ lá cờ nền đỏ sao vàng năm cánh, thể hiện ý tưởng máu đỏ da vàng, tượng trưng cho dân tộc và sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm “Sỹ - nông – công - thương - binh” trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Mẫu cờ đã được Xứ ủy Nam kỳ nhất trí sử dụng và đã được xuất hiện lần đầu tiên trong khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23/11/1940. Ngày 30/7/1940, ông bị thực dân Pháp bắt tra tấn dã man và bị đưa ra pháp trường xử bắn ngày 28/8/1941. Sau đó lá cờ của Nguyễn Hữu Tiến đã lan rộng ra các cuộc đấu tranh và trở thành cờ hiệụ của phong trào Việt Minh.Tại hội nghi Tân trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Quốc dân Đại hội đã nhất trí chọn lá cờ của Nguyễn Hữu Tiến làm quốc kỳ của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Quốc kỳ của Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Mời anh về Hà Nam quê em/Lề hội Tịch điền giữa trời xuân trong mát”; “Mời anh về Núi Đọi – sông Châu/Giữa trời xuân hội cày, hội cấy”.

Đây là câu chuyện lịch sử, vào mùa Xuân năm Đinh Hợi – 987, có một vị vua đi theo con trâu cày ruộng đó là vua Lê Đại Hành lần đầu tiên cày tịch điền ở dưới chân núi Đọi (Duy Tiên, Hà Nam) được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc nhân đấy đặt tên là ruộng Kim Ngân - đó là lễ Hội Tịch điền đầu tiên ở Việt Nam. Sau này nghi lễ cày ruộng được tiếp tục và trở thành truyền thống khuyến khích, động viên bà con nông dân trồng trọt sản xuất ước vọng một mùa màng bội thu.

ve ha nam anh nhe bai ca ve que huong nguoi ve co to quoc
Chân dung nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến do Văn Cao tác giả bài Quốc ca Việt Nam vẽ.

PV: Trong ca khúc của ông cũng nhắc đến nét văn hóa tâm linh đó là Chùa Tiên, chùa Tam Chúc và hình ảnh ba con sông là sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ. Ông có thể nói rõ hơn về chi tiết này được không?

Nhà báo Tào Khánh Hưng: Thực ra Hà Nam có rất nhiều đền và chùa, nhưng tôi muốn nhắc đến ngôi chùa cổ nổi tiếng có hơn 350 năm tuổi là chùa Tiên và chùa Tam Chúc có một nghìn năm tuổi mới được Tập đoàn Xuân Trường xây dựng lại và giờ là ngôi chùa to lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, chùa Tiên, chùa Tam Chúc trở thành một khu du lịch tâm linh thu hút nhiều khách thập phương trên cả nước và quốc tế về thăm chiêm ngưỡng tạo đà cho ngành Du lịch Hà Nam phát triển góp phần vào sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Hình ảnh ba con sông chung về một dòng ấy thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, người lương cũng như người đạo thiên chúa giáo luôn chung sức, đồng lòng vì mục tiêu xây dựng một tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh. “Về Hà Nam thành phố ngã ba sông/Tiếng máy reo cùng công trường hối hả/Sông Nhuệ, sông Châu, sông Đáy chung dòng/Như người quê em chung sức, đồng lòng”.

PV: Thưa ông, ở đoạn kết của ca khúc như một lời mời gọi tình cảm rất da diết, thúc giục mong tác giả về Hà Nam? Ông có thể nói thêm về nội dung này?

Nhà báo Tào Khánh Hưng: Thực ra đó là một lời mời rất chân thành, thể hiện sự thân thiện mến khách mộc mạc như làn điệu dân ca trong bài hát mời nước mời trầu của người dân Hà Nam. Và câu hát “Anh có về Hà Nam quê em”, được lặp đi lặp lại nhiều lần như một điệp khúc thể hiện tình cảm chân thành, yêu thương, lòng mến khách của con người nơi đây. Với giai điệu trữ tình, chất dân ca sâu lắng vùng châu thổ sông Hồng; trong đó có nét chèo thanh tú, đằm thắm, điệu ca trù, nét dân ca của người dân quan họ “Người ơi, ngưởi ở đừng về”.

Về Hà Nam anh nhé là ca khúc mới nên cần một sự chuẩn chỉ trong thể hiện giai điệu và nốt nhạc; nên tôi đã mời ca sĩ Hoài Phương người có 10 năm học tập tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (giờ là giảng viên Khoa Thanh nhạc - Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) thể hiện và cô đã thể hiện rất thành công.

PV: Trong chương trình Âm nhạc và Cuộc sống của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam số đặc biệt chào mừng Khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII phát sóng trưa ngày 25/01/2021 ca khúc “Về Hà Nam anh nhé” đã được chọn phát sóng. Cảm giác của ông thế nào?

Nhà báo Tào Khánh Hưng: Tôi thật bất ngờ, rất vui và xúc động khi đứa con tinh thần của mình được lựa chọn phát sóng. Được vang lên trong một chương trình đặc biệt Chào mừng Khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - một sự kiện chính trị lớn của đất nước; là một niềm vui, hạnh phúc đối với tôi. Đây cũng là tấm lòng của tôi cũng như của những người làm việc ở Báo Xây dựng (Bộ Xây dựng) gửi tới nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Nam nói riêng và là món quà “ đặc biêt” chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

PV: Xin cảm ơn nhà báo Tào Khánh Hưng, nhân dịp tết Tân Sửu sắp đến chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp tục có những sáng tác hay cho thính giả bạn nghe đài, góp phần vào nền âm nhạc nước nhà.

Xuân Kỳ (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

  • Hội chợ Ấn Độ 2024 - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ

    (Xây dựng) – Ngày 2/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức "Hội chợ Ấn Độ - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ" tại khuôn viên Đại sứ quán. Lễ hội nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ văn hóa trong cộng đồng người Ấn Độ, quảng bá về Ấn Độ đến cộng đồng người Việt Nam và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load