Thứ năm 19/12/2024 17:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Vẫn còn khoảng trống, lỗ hổng trong quản lý đất khu vực bãi sông, ngoài đê

14:16 | 19/12/2024

Số vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra tại khu vực bãi sông, ngoài đê tại Hà Nội còn nhiều, việc xử lý chưa dứt điểm.

Nguyên nhân của các vi phạm là vẫn còn khoảng trống, lỗ hổng được Thường trực HĐND thành phố Hà Nội nêu tại phiên họp giải trình về công tác quản lý đất đai quy hoạch, trật tự xây dựng khu vực bãi bồi ven sông, sáng 19-12.

Vẫn còn khoảng trống, lỗ hổng trong quản lý đất khu vực bãi sông, ngoài đê
Quang cảnh phiên họp giải trình. Ảnh: Viết Thành

Đã quan tâm khu vực đất ven sông Hồng, sông Đuống…

Theo ghi nhận của Thường trực HĐND thành phố, công tác quản lý đất đai quy hoạch, trật tự xây dựng khu vực bãi bồi ven sông luôn được Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm. Thành ủy đã ban hành 2 chỉ thị, 2 chương trình công tác, HĐND thành phố đã ban hành 3 nghị quyết, UBND thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, kế hoạch về quản lý, sử dụng bãi sông, tăng cường chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm tuân thủ các quy định của Quy hoạch phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Đuống.

Các quận, huyện, thị xã cơ bản đã ban hành văn bản cụ thể hóa Chỉ thị số 13/CT-TU ngày 2-3-2022 của Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố. Trong đó, một số quận, huyện đã chủ động ban hành các chỉ thị, đề án, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo thực hiện khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất công, đất nông nghiệp, bao gồm các khu vực đất ven sông Hồng, sông Đuống.

Đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo lập và hoàn thành phê duyệt 9 quy hoạch chung xây dựng huyện, thị xã, thị trấn, đô thị vệ tinh liên quan đến khu vực hai bên sông Hồng, sông Đuống. UBND cấp huyện đã triển khai tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch chung xã, trong đó bao gồm 40 xã liên quan khu vực hai bên sông Hồng, sông Đuống (chưa tính đến các xã tại huyện Từ Liêm giai đoạn trước) theo hướng dẫn, góp ý của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Giai đoạn 2021-2024, dự kiến có 17/18 dự án kè chống sạt lở hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, hoàn thành khoảng 14km kè chống sạt lở bờ sông các vị trí xung yếu trên các tuyến bờ sông Hồng, sông Đuống. Đoàn thanh tra liên ngành thành phố đã ban hành 30 kết luận thanh tra đối với 30 quận, huyện, thị xã và tham mưu UBND thành phố đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy về thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn, chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã (bao gồm cả trong và ngoài đê).

Vẫn còn khoảng trống, lỗ hổng trong quản lý đất khu vực bãi sông, ngoài đê
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên điều hành phần hỏi, trả lời. Ảnh: Viết Thành

… Nhưng quy hoạch chi tiết còn chậm tiến độ

Tổng hợp những tồn tại, hạn chế tại phiên giải trình, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân cho biết, qua thực tế giám sát ở các quận, huyện, thị xã, Thường trực HĐND thành phố nhận định, vẫn có tình trạng việc ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, đê điều, thoát lũ, cũng như sự vào cuộc của quận, huyện, thị ủy, của HĐND, UBND các đơn vị còn khác nhau. Có quận ủy, huyện ủy tích cực và chủ động bằng việc tổ chức các chương trình giám sát, ban hành các văn bản chỉ đạo đầy đủ; tuy nhiên cũng có nhiều đơn vị chưa chủ động, thiếu quyết liệt.

Bên cạnh đó, việc thực hiện lập một số quy hoạch, như: Quy hoạch chung Thủ đô, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch ngành và Quy hoạch chi tiết còn chậm tiến độ.

Việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lập bản vẽ ranh giới tỷ lệ 1/500 các khu dân cư của 13 quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm tại Điều 2, khoản 3 Quyết định số 1045/QĐ-UBND, số 1046/QĐ-UBND ngày 25-3-2022 của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống đến nay hoàn thành, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng.

“Qua công tác giám sát, về cơ bản, các quận, huyện đều chưa hoàn thành kế hoạch được UBND thành phố giao tại Quyết định số 837/QĐ-UBND ngày 4-3-2022, như UBND huyện Đông Anh phê duyệt được 66/81 đồ án; huyện Mê Linh 0/3 đồ án; quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm 1/8 đồ án, Ba Đình 1/9 đồ án”, ông Đàm Văn Huân nêu.

Cũng tại các Quyết định số 1045, 1046/QĐ-UBND ngày 25-3-2022 của UBND thành phố về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống tỷ lệ 1/5000 giao cho UBND 13 quận, huyện có nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ, xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng theo quy định. Kiểm tra quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp sai quy hoạch.

Đến nay, quyết định đã ban hành được gần 3 năm, nhưng qua công tác giám sát của Thường trực HĐND thành phố, nhận thấy cơ bản các quận, huyện đều chưa hoàn thành nội dung nêu trên.

Vẫn còn khoảng trống, lỗ hổng trong quản lý đất khu vực bãi sông, ngoài đê
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình trao đổi tại phiên họp giải trình. Ảnh: Viết Thành

Kiểm tra, xử lý còn “mờ nhạt”

Ngoài ra, số lượng vi phạm thuộc lĩnh vực đất đai (đất nông nghiệp và đất công ích, đất công trên địa bàn các quận, huyện) qua công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường còn nhiều. Cụ thể, tổng số vi phạm đối với đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công tại 30 quận, huyện, thị xã đến thời điểm thanh tra (30-6-2018) là 62.624 trường hợp, với diện tích vi phạm là 1.895,12ha. Tính đến 31-12-2022, vi phạm còn phải xử lý là 26.696 trường hợp, với diện tích hơn 675ha. Kết quả xử lý, khắc phục từ 1-1-2023 đến 31-12-2023 được 2.596 trường hợp, với diện tích gần 74,3ha, đạt 9,7% so với kỳ báo cáo năm 2022; nâng kết quả xử lý được 38.524 trường hợp với diện tích đất vi phạm đã khắc phục là 1.294,24ha, đạt 61,52% số trường hợp vi phạm phải được xử lý, khắc phục theo kết luận thanh tra.

Cũng qua khảo sát thực tế của Thường trực HĐND thành phố, hiện nay, có một số khu vực đất xâm canh bị lấn chiếm, sử dụng không phép, các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, phối hợp quản lý.

Ví dụ, khu khu sản xuất gạch xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên (giáp ranh với tỉnh Hưng Yên); khu bãi giữa sông Hồng phía nội thành (hai quận Ba Đình, Tây Hồ) hiện nay có một phần diện tích xâm canh của phường Ngọc Thụy, quận Long Biên tồn tại một số công trình nhà ở do người dân xây dựng. Khu vực ngoài bãi sông Đuống tại phường Giang Biên (thuộc quận Long Biên) hiện trạng cũng có một phần đất đang sử dụng làm trạm trộn bê tông và tập kết vật liệu xây dựng được phản ánh là khó xử lý do đất xâm canh thuộc địa bàn của huyện Gia Lâm. Khu vực bãi sông phía huyện Mê Linh có phần đất xâm canh bị lấn chiếm nhưng lại thuộc địa bàn của huyện Đan Phượng.

Đặc biệt, số vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra tại khu vực bãi sông, ngoài đê còn nhiều; việc xử lý chưa dứt điểm. Tổng số liệu vi phạm của các quận, huyện theo báo cáo là 390 trường hợp (bao gồm cả vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đê điều, hành lang thoát lũ) đã xử lý được 252 trường hợp, còn tồn 148 trường hợp.

Vẫn còn khoảng trống, lỗ hổng trong quản lý đất khu vực bãi sông, ngoài đê
Đại biểu Duy Hoàng Dương nêu vấn đề quan tâm. Ảnh: Viết Thành

Qua công tác giám sát, hiện nay có một số quận, huyện chưa cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân (bao gồm cả một phần diện tích trong đê và toàn bộ phần đất ngoài đê) với lý do là các đối tượng này được miễn cấp phép, như huyện Phúc Thọ phát sinh 851 công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ từ năm 2021 đến nay (bao gồm cả trong và ngoài đê) nhưng không cấp phép, vấn đề này cần được xác định rõ.

Cũng qua công tác thực tế thu thập thông tin, Ban Đô thị HĐND thành phố phát hiện, vẫn còn tồn tại một số điểm các hộ dân lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, thậm chí xây nhà trên cơ đê, như tại xã Phong Vân, huyện Ba Vì; xã Trung Châu, huyện Đan Phượng; 240 hộ ven đê phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng; khu vực ven sông thuộc phường Phúc Xá quận Ba Đình….

Công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm của Thanh tra Sở NN&PTNT còn hạn chế. Cụ thể, năm 2021, Thanh tra Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các bến bãi, xử phạt 23 vụ; từ năm 2021 đến 2023 đã kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính (đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền xử phạt của chi cục trưởng) 17 tổ chức, cá nhân; năm 2024 chưa kiểm tra, xử lý trường hợp nào.

Đối với công tác bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ đê là rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay, UBND các quận, huyện, thị xã còn lúng túng trong việc thực hiện.

Qua khảo sát thực tế khu vực ngoài bãi sông, tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng với diện tích, chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Hồng, sông Đuống (tập trung ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thường Tín…), tiềm ẩn nguy cơ lở bờ, bãi sông công trình bảo vệ bờ sông và gây ô nhiễm. Ngoài ra, có hiện tượng đổ thải, san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, thoát lũ.

Trước những tồn tại, hạn chế trên, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng thành phố tập trung giải trình về: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý; triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng; quản lý đất đai, chống lấn chiếm, các hoạt động xây dựng khu vực ngoài đê; quản lý trật tự xây dựng; cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; quản lý đê điều, hành lang thoát lũ.

Thường trực HĐND thành phố yêu cầu, các nội dung trao đổi, thảo luận đi thẳng vào các tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm, các kiến nghị và giải pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn Hà Nội.

Theo Vũ Thủy/hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load