Thứ sáu 26/04/2024 22:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi)

08:41 | 18/03/2023

(Xây dựng) - Như tin đã đưa, chiều 17/3, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Hồ sơ dự án Luật bảo đảm theo yêu cầu

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó, về bố cục và nội dung, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 7 Điều, giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều.

So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh; quy định cụ thể các nội dung sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.

Riêng các giao dịch liên quan đến nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì chuyển sang điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bất động sản để tránh trùng lắp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi)
Ban soạn thảo dự án luật lắng nghe các ý kiến đóng góp của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều ý kiến khác nhau liên quan tới quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở theo tờ trình của Chính phủ. Các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng Chính phủ và Ban soạn thảo cần hoàn thiện Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế về nhà ở gắn với các chính sách mới trong dự thảo Luật...

Về nội dung dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giải trình làm rõ quy định liên quan đến sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn bởi chính sách này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật.

Liên quan đến chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với các quy định này nhưng đề nghị chỉnh lý chặt chẽ, phù hợp hơn.

Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị quy định tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chính sách.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhận thấy, dự thảo Luật còn có một số quy định xung đột, chưa thống nhất với các luật hiện hành và các dự thảo Luật đã và chuẩn bị trình Quốc hội, cụ thể là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp thu, giải trình một số vấn đề các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) kỹ lưỡng, công phu và đảm bảo đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan soạn thảo cũng trình hai nghị định ban hành kèm theo khá chi tiết. Dự án Luật đủ điều kiện trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội.

Về nội dung dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đồng tình với quy định liên quan đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Quy định này góp phần rất quan trọng vào việc tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, vướng mắc trong mấy năm vừa qua về giải quyết nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Đây cũng là giải pháp để công nhân gắn bó với tổ chức công đoàn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị cơ quan soạn thảo luật đánh giá kỹ tác động về chính sách liên quan đến chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư; cân nhắc thời hạn hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu…

Bày tỏ sự quan tâm tới sự thống nhất của hệ thống pháp luật nói chung, đặc biệt là 3 Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến đủ điều kiện sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 6 năm nay, gồm Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng: Vẫn còn khá nhiều Điều, điểm trong 3 luật trên còn giao thoa, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất. Do đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cùng các cơ quan của Quốc hội sớm thống nhất, xử lý vấn đề này...

Góp ý cho dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu lại quy định quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng mà phải phá dỡ theo quy định; Rà soát lại tính tương đồng của dự án luật với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Giá trong các quy định cơ chế ưu đãi được thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; không xác định giá nhà ở xã hội do tư nhân đầu tư…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng: Nhà ở xã hội phải xác định giá bán cho người dân, nếu Nhà nước không can thiệp vào thì giá đó không còn nhà ở xã hội nữa mà là nhà ở thương mại quá cao và người dân không đủ khả năng mua được.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực cố gắng của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị hồ sơ dự án một luật khó, phức tạp, nhạy cảm được nhiều đối tượng quan tâm, từ người mua nhà, muốn có nhà đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các giới các cấp các ngành, trong nước và nước ngoài.

Đề cập một số nội dung của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vấn đề quyền sở hữu nhà chung cư. Theo đó, đây là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm được Nhân dân, cử tri đặc biệt quan tâm và hiện còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tại dự thảo Luật, Chính phủ trình phương án quy định quyền sở hữu chung cư có thời hạn nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, vì sức khỏe tính mạng người dân chứ không vì mục đích nào khác, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng thận trọng, với các căn cứ cơ sở chính trị vững chắc, căn cứ của Hiến pháp và các pháp luật có liên quan. Hiện nay, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, ý kiến phản biện chính sách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ băn khoăn và không tán thành quy định này.

Chủ tịch cũng cho rằng quy định như điều 25 dự thảo Luật vô hình chung gây ra sự nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và thời hạn sử dụng.

Phân tích khác theo góc độ quản lý Nhà nước và quyền lợi của người dân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư là can thiệp đến quyền sở hữu và tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân, tâm tư tình cảm, nguyện vọng của người dân và tác động đến cả thị trường bất động sản nói chung. Do vậy, Chủ tịch đề nghị Chính phủ và ban soạn thảo đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có yếu tố là kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư. Đây là yếu tố rất quan trọng để có những quyết định hành chính. Dự thảo Luật hàm ý giao cho chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định thêm về việc được sử dụng các tổ chức tư vấn độc lập trong kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư…

Chính sách về nhà ở xã hội được quan tâm

Cơ bản tán thành phương án chính sách Chính phủ trình về nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nghiên cứu phương án thay cho việc là mỗi dự án phải dành ra 20% quỹ đất để làm ở nhà xã hội như trước đây thì bây giờ có thể là quy ra bằng tiền để các địa phương có điều kiện quy hoạch đầu tư những dự án, những khu nhà ở xã hội riêng biệt, đồng bộ đầy đủ, khang trang.

Ủng hộ chính sách xây dựng nhà ở xã hội là trách nhiệm của Nhà nước và của địa phương, song Chủ tịch Quốc hội cho rằng có thể quy định Tổng Liên đoàn Lao động có quỹ đất riêng và phù hợp với quy hoạch thì được quyền tham gia vào việc làm nhà ở xã hội cho công nhân với tư cách là một chủ đầu tư. Việc đầu tư nhà ở xã hội của công đoàn phải phù hợp với pháp luật về Công đoàn, đấu thầu và các pháp luật khác có liên quan.

Về sở hữu nhà chung cư của người nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và sự phù hợp của luật này với các quy định pháp luật có liên quan và Nghị quyết 18-NQ/TW.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm, xây dựng luật cố gắng thật sự khách quan, lắng nghe lẫn nhau vì mục tiêu chung, không gây ra những xáo trộn không cần thiết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi)
Toàn cảnh phiên họp chiều Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17/3.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng bày tỏ đồng tình cao khi Luật Nhà ở (sửa đổi) kế thừa nhiều quy định của Luật cũ, đồng thời, bổ sung nhiều quy định về quyền con người về nhà ở, quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Hiến pháp 2013.

Song Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng: Dự thảo Luật cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến nhà ở, đảm bảo đời sống dân sinh và đảm bảo thực hiện Luật Nhà ở khi được Quốc hội thông qua.

Cơ quan soạn thảo cầu thị lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thay mặt Chính phủ, Ban soạn thảo cảm ơn ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng như các ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là ý kiến chỉ đạo, gợi ý, định hướng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ liên quan đến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)…

Làm rõ thêm một số nội dung tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ: Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là một dự án Luật quan trọng, nhạy cảm, được Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm rất lớn. Nhận thức rõ điều này, Ban soạn thảo đã luôn thận trọng, cầu thị lắng nghe trong quá trình xây dựng các quy định của dự án Luật.

Mặc dù cố gắng nhưng trong quá trình soạn thảo với kết quả trình Ủy ban Thường vụ hôm nay cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục rà soát, tiếp thu để hoàn chỉnh dự án Luật.

Trực tiếp giải trình một số nội dung của dự án Luật mà các đại biểu đề cập, liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: Chung cư là công trình đặc thù, có nhiều người sử dụng, khi xuống cấp, hư hỏng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an toàn tài sản, tính mạng của cư dân. Từ thực tế như vậy, trên cơ sở kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế, Bộ Xây dựng mới đưa ra đề xuất quy định quyền sở hữu nhà chung cư chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ.

Tuy nhiên, qua ý kiến của Ủy ban Thẩm tra và qua các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định rõ hơn để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của của người dân, đồng thời cũng đảm bảo được mục tiêu cải tạo chung cư cũ, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân…

Trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5

Kết luận nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở. Hồ sơ, thủ tục, quy trình chuẩn bị dự án Luật đúng quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, qua đó Chính phủ tiếp thu, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến tại phiên họp, ý kiến các cơ quan tổ chức, nhân dân, trong đó lưu ý không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tuy nhiên cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định, có trách nhiệm trong việc tổ chức di dời, sửa chữa, cải tạo với các nhà chung cư không còn an toàn để đảm bảo sức khỏe, an toàn của người dân.

Nếu Chính phủ có phương án khác thì cần giải trình hai phương án, nêu rõ ưu điểm, nhược điểm, trình bày một cách toàn diện, lập luận rõ ràng làm cơ sở để các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đảm bảo quy định của dự án Luật này phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cả các luật đang được sửa cùng thời điểm, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi).

Các nội dung lớn của dự án Luật cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Nghị quyết 18 của Trung ương về đất đai, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quản lý phát triển đô thị, nhất là trong các vấn đề như quyền sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân…

Sau cùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện, trình lại hồ sơ để tiến hành thẩm tra đúng theo quy định.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load