Tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên diễn ra tràn lan và không được ngăn chặn triệt để.
Hồ sơ tùy tiện, thiếu chặt chẽ
Võ Nhai là một huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên có địa bàn tương đối rộng, mật độ dân thưa, kinh tế phát triển chậm nên nguồn thu ngân sách thấp. Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã đến năm 2010 được triển khai tại Phòng TN&MT và UBND các xã, thị trấn theo quy định. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch- kế hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2006 - 2010 không thực hiện được do thiếu kinh phí. Huyện cũng còn 9/15 xã chưa được đo đạc bản đồ địa chính 5/15 xã đang tiến hành các thủ tục kê khai cấp đổi, cấp mới GCNQSDĐ. Chỉ tiêu các loại đất chủ yếu thực hiện đạt tỷ lệ rất thấp hoặc chênh lệch khá lớn so với kế hoạch như chỉ tiêu nhóm đất phi nông nghiệp đạt 80,33% nhưng đất ở chỉ đạt 11,95%; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp chỉ đạt 8,13%...
Kiểm tra tại 4 xã, thị trấn: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Đình Cả, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên phát hiện việc tiếp nhận chứng thực hồ sơ khá tùy tiện, thiếu chặt chẽ. Một số trường hợp, UBND xã lập tờ trình đề nghị cấp GCNQSDĐ cho chủ hộ đồng thời cùng ngày cũng chứng thực luôn hợp đồng chuyển nhượng thửa đất đó. Một số hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, hợp pháp nhưng UBND các xã, thị trấn vẫn chứng thực và chuyển Phòng TN&MT giải quyết. Đặc biệt, tình trạng nhiều hộ gia đình làm nhà trái phép trên đất trồng lúa diễn ra tràn lan, kéo dài trong nhiều năm. Hình thức vi phạm chủ yếu là đổ đất làm nhà hoặc trồng cây trên đất trồng lúa. Vi phạm diễn ra tập trung tại các thửa đất bám trục đường QL1B và trung tâm các xã, thị trấn.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2005 - 2010 tại xã La Hiên có 109 trường hợp vi phạm với diện tích 26.963m2, UBND xã đã ra quyết định xử phạt 67 trường hợp với số tiền 31,65 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, xã Lâu Thượng có 114 trường hợp vi phạm với diện tích 19.831m2. UBND xã Lâu Thượng cũng đã ra quyết định xử phạt với số tiền là 39,1 triệu đồng. Thị trấn Đình Cả có 14 trường hợp vi phạm với diện tích 2.124,5m2, xử phạt 10 trường hợp thu 3,85 triệu đồng, 5 trường hợp đã làm nhà hoặc đổ đất xuống ruộng từ năm 2007 - 2009 nhưng không bị xử phạt. Tại xã Phú Thượng, trong 2 năm 2009 - 2010 có 11 trường hợp vi phạm với diện tích 2.074m2; UBND xã đã ra quyết định xử phạt thu hồi số tiền 13,7 triệu đồng.
Theo ông Nông Văn En - Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng, việc người dân lấp ruộng làm nhà đã và đang là nhu cầu tất yếu ở địa phương. “Nhà có 6, 7 người con đều đã trưởng thành, lấy vợ, thậm chí có con rồi, họ không làm nhà ở đấy (ruộng- PV) thì làm ở đâu?!”- ông En nói.
Có lẽ xuất phát từ cách suy nghĩ ấy, nên việc xử phạt cũng chỉ “được” các xã làm qua loa. Vì thế những vi phạm này đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm và chưa có trường hợp nào thực hiện được việc khôi phục lại hiện trạng thửa đất như ban đầu. Không những thế, ngay trong thời điểm đi thực địa, chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều mảnh ruộng đang bị lấp dần từng ngày; nhiều ngôi nhà cũng đang được xây dựng khá “hoành tráng” trên đất lúa. Mang thực tế này phản ánh với ông Nông Văn En kèm câu hỏi: Lấp ruộng đã là trái phép, chắc chắn xây dựng nhà trên đất ruộng cũng không có giấy phép xây dựng, tại sao địa phương không ngăn chặn, xử lý? Chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời “khó lắm!” từ ông Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng.
Biện pháp xử lý chưa đủ mạnh
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nương - Phó chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cũng thừa nhận: “Tình trạng các hộ gia đình cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, làm nhà và xây dựng các công trình trên đất sản xuất nông nghiệp khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép có chiều hướng gia tăng, tuy chính quyền đã có biện pháp xử lý nhưng chưa đủ mạnh, thiếu kiên quyết”. Theo ông Nương, để xảy ra tình trạng trên có phần buông lỏng quản lý của cấp ủy và chính quyền cơ sở chưa có các giải pháp tích cực để tăng cường công tác quản lý đất đai, chưa kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời; “Một phần cũng do công tác quy hoạch còn chậm chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của xã hội”- ông Nương nói.
Kết luận thanh tra số 231/KL-TTR do Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên Phạm Bình Định ký, nêu rõ: “UBND huyện (Võ Nhai-PV) chưa có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai như sử dụng đất sai mục đích nhất là đối với loại đất chuyên trồng lúa nước, chuyển nhượng QSDĐ sai đối tượng, một số quyết định xử phạt không được thực hiện nghiêm túc. UBND huyện không tổ chức việc kiểm tra giám sát, thanh tra nội dung này nhằm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, chưa tổ chức duy trì chế độ thông tin về quản lý đất đai giữa cấp huyện và cấp xã một cách thường xuyên; sự nhận thức đối với công tác quản lý và sử dụng đất của cấp xã, thị trấn còn hạn chế… Khi có vướng mắc trong việc xử lý các vi phạm UBND huyện cũng không báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo và có hướng xử lý các sai phạm trên”.
Được biết, mới đây, UBND huyện Võ Nhai đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo hợp thức đất cho các hộ gia đình, cá nhân xây nhà ở vi phạm trên đất nông nghiệp. Sở TN&MT Thái Nguyên cũng đã có công văn hướng dẫn địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 27, Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ. Tuy nhiên, với cách làm “chạy theo hậu quả” như vậy, sẽ rất khó để không tái diễn vi phạm!
Thái Nguyên Nhân
Theo baoxaydung.com.vn