Thứ tư 27/11/2024 23:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Kim chỉ nam cho báo chí cách mạng Việt Nam

10:20 | 09/11/2024

(Xây dựng) - Hội thảo khoa học “Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức vào sáng 8/11 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, người làm báo, cùng trao đổi về những thách thức, cơ hội và giải pháp cho báo chí Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Kim chỉ nam cho báo chí cách mạng Việt Nam
Ban Chủ trì Hội thảo khoa học.

Hội thảo khoa học nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới” do PGS.TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm Chủ nhiệm.

Đồng Chủ trì Hội thảo khoa học có GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Kim chỉ nam cho báo chí cách mạng Việt Nam
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, Hội thảo là một hoạt động khoa học rất có ý nghĩa, nhằm góp phần cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cho việc xác định quan điểm chỉ đạo, đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam từ nay đến giữa thế kỷ XXI, để báo chí - truyền thông nước nhà phát huy tối đa những thành tựu lịch sử đã đạt được trong gần 100 năm qua. Qua đó, tiếp tục có những đóng góp thiết thực khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm của đề tài cho biết, Hội thảo khoa học hôm nay là kết tinh những giá trị quan trọng nhất mà đề tài có được sau nhiều lần tổ chức Hội thảo và nhiều Tọa đàm khoa học tại các thành phố và các tỉnh miền Bắc. Từ đó gợi mở ra những định hướng, giải pháp đối với vấn đề nghiên cứu trong thời gian tới, góp phần quan trọng cung cấp luận cứ khoa học cả về lý luận và thực tiễn của đề tài.

PGS.TS Mai Đức Ngọc nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân loại. Tư tưởng của Người là di sản vô giá, soi đường cho cách mạng Việt Nam, là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội; là kim chỉ nam cho báo chí Việt Nam hoàn thành sứ mệnh tiên phong.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Việt Nam không ngừng phát triển, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước, đồng thời sản sinh ra thế hệ những người làm báo ưu tú, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc", xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới từ bối cảnh quốc tế và trong nước.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong bối cảnh đó, cần phải khẳng định những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là bất biến và tiếp tục là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của báo chí - truyền thông trong nước, nhưng cần phải được hiểu, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Kim chỉ nam cho báo chí cách mạng Việt Nam
PGS.TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề tài KX.02.31/21-25.

PGS.TS Mai Đức Ngọc cho rằng, cần đánh giá khách quan, toàn diện việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông thời gian qua, từ đó xác định rõ những vấn đề đặt ra, quan điểm chỉ đạo và định hướng giải pháp để tiếp tục phát triển báo chí - truyền thông trong bối cảnh mới.

Đặc biệt, cần tập trung vào những tư tưởng của Người về sứ mệnh, nhiệm vụ, phẩm chất, năng lực người làm báo chí hiện đại, yêu cầu đối với sản phẩm báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, chủ trương, chính sách, pháp luật về báo chí đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Xuất phát từ thực tế đó, với chủ đề: “Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sẽ là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý các Ban, Bộ, ngành, các cơ quan báo chí - truyền thông ở Trung ương và địa phương trao đổi, thảo luận tập trung vào quan điểm chỉ đạo, định hướng giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ mới.

PGS.TS Mai Đức Ngọc cho biết, Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận chất lượng từ các đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các trường đại học, cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Kim chỉ nam cho báo chí cách mạng Việt Nam
TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Trong đó, TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản mở đầu Hội thảo với bài tham luận “Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn phát triển báo chí - truyền thông hiện nay”. Đề cập đến lực lượng làm báo hùng hậu, TS. Nhị Lê cho biết, hiện cả nước có 798 cơ quan báo chí, gồm 127 báo và 671 tạp chí, với 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có 20.508 người được cấp thẻ nhà báo.

“Có thể nói, chưa bao giờ như hiện nay, báo chí lại hùng hậu và rộng khắp về quy mô, sâu sắc và phong phú về tính chất, mạnh mẽ về tốc độ phát triển và đa dạng về hình thức đến như vậy”. Nhưng, thực tiễn cũng đã và đang bộc lộ không ít vấn đề nan giải, cấp bách phải giải quyết tổng thể, nếu muốn phát triển đồng bộ, thống nhất, mạnh mẽ và ngang tầm sứ mệnh. TS. Nhị Lê đã đề cập đến những thách thức đặt ra ở tầm vĩ mô về thể chế và hệ điều kiện đối với hoạt động báo chí. Ông đưa ra những thực tế đau lòng trước hàng loạt vụ “bắt bớ” các “nhà báo” vừa qua. Đặc biệt là nguyên cả một tòa soạn vướng vào vòng lao lý…

Với những trăn trở của mình, TS. Nhị Lê nêu: “Làm gì để ngăn chặn được việc thực hiện không nghiêm quy hoạch…” và “Những ai ở trong diện quy hoạch báo chí cần nhận thức một cách đầy đủ việc phải thực hiện quy hoạch và thực hiện một cách tự giác thì việc quy hoạch, chuyển đổi này mới thực chất. Nếu không nó sẽ là một sự chống chế, đối phó và khó có thể tránh được tình trạng “bình mới rượu cũ” tràn lan như hiện nay”.

Đề cập đến cả những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn: “Bài dự thi xuất hiện dấu hiệu của “bình mới rượu cũ”, tới đây các cơ quan quản lý, các cơ quan báo chí chắc chắn phải có sự chấn chỉnh để đảm bảo cho việc chuyển đổi theo quy hoạch đó diễn ra đúng hướng và thực chất”.

TS. Nhị Lê cho rằng: “Báo chí khó có thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin nhưng chắc chắn sẽ vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo… vì thế, thay vì chạy đua để trở thành người đưa tin số 1, báo chí cần có những bài chuyên sâu, bài nghiên cứu, bài phân tích, kiến giải để người đọc thấy được sức thuyết phục, độ tin cậy của báo chí”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Kim chỉ nam cho báo chí cách mạng Việt Nam
PGS.TS Hà Huy Phượng, Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Với tham luận “Học Bác Hồ làm báo cách mạng chuyên nghiệp”, PGS.TS Hà Huy Phượng, Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tái hiện lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam – một nhà báo cách mạng vĩ đại, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo PGS.TS Hà Huy Phượng, “học Người làm báo là chúng ta học Người làm cách mạng. Mỗi nhà báo phải luôn ý thức được báo chí phục vụ lợi ích của xã hội, phục vụ nhân dân. Mỗi sản phẩm báo chí đến được với mỗi công chúng, đáp ứng được nhu cầu của họ; đồng thời làm thế nào để công chúng tự nguyện, tự giác đến với báo chí, đó là nguyên lý của báo chí cách mạng. Và học Bác là học làm nghề báo chuyên nghiệp”.

PGS.TS Hà Huy Phượng đưa ra quan điểm, có 5 vấn đề mà người làm báo cần phải quan tâm và nếu thực hiện tốt thì hoạt động báo chí sẽ đem lại hiệu quả, chuyên nghiệp. Một là, người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Hai là, người làm báo phải có kiến thức, am hiểu sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội. 4 câu hỏi đặt ra cho người làm báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy rất thiết thực, bổ ích và luôn mang tính thời sự, đó là: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Ba là, báo chí phải thông tin chân thật, khách quan. Bốn là, báo chí sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Năm là, cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm báo chí. Nghề báo hiện đại đặt ra nhiều yêu cầu, kỹ năng tác nghiệp mới, nhưng những gì mà chúng ta học được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về nghề báo thực sự là hành trang quý giá để các nhà báo ngày càng vững bước trên con đường tới đích chuyên nghiệp.

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Kim chỉ nam cho báo chí cách mạng Việt Nam
Nhà báo, TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản.

Để báo chí thực sự là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, với góc nhìn của một người đứng đầu Cơ quan báo chí, nhà báo, TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản đã gửi tới Hội thảo tham luận “Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành”.

TS. Nguyễn Công Dũng đã đề xuất 5 giải pháp chính: Tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh; các cơ quan báo chí phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao chất lượng nội dung; chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bám sát Nghị quyết của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phát huy vai trò trong hội nhập quốc tế; rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn, phấn đấu vì nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại; là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Là một người nghiên cứu và giảng dạy về báo chí - truyền thông, TS. Đỗ Anh Đức, Giảng viên Viện Đào tạo Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội mang tới Hội thảo góc nhìn về báo chí trong thời kỳ kỷ nguyên số với tham luận “Tư tưởng Hồ CHí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông thời kỳ chuyển đổi số”.

Theo TS. Đỗ Anh Đức, nhiều tòa soạn báo chí đang phải đối mặt với các thách thức không nhỏ về năng lực cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội và dịch vụ trực tuyến; các mô hình kinh doanh truyền thống đang bị thay thế bởi những mô hình kinh doanh mới; thách thức trong việc tìm kiếm cơ hội để tiếp cận và thu hút công chúng, duy trì niềm tin của độc giả…

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Kim chỉ nam cho báo chí cách mạng Việt Nam
TS. Đỗ Anh Đức, Giảng viên Viện Đào tạo Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Để học tập những bài học về quan điểm, lập trường, phương châm làm báo trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ chuyển đổi số báo chí, TS. Đỗ Anh Đức đã đưa ra ba vấn đề. Thứ nhất, phát huy tính chiến đấu, ý thức sâu sắc về chủ quyền số quốc gia, không để lệ thuộc vào các nền tảng nước ngoài, có chiến lược hành động để bảo vệ chủ quyền bảo vệ sở hữu tài nguyên, dữ liệu trên không gian số. Thứ hai, quán triệt và theo đuổi nhất quán phương châm phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của Đảng, đất nước và lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân để làm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển báo chí truyền thông trong thời đại số, theo đúng tư tưởng Viết cho ai, Viết để làm gì và Viết như thế nào của Người. Thứ ba, xây dựng chiến lược thông tin hấp dẫn - ngắn gọn, súc tích về nội dung; phong phú, đa dạng về hình thức thể hiện, phù hợp với thời đại số cần sự nhanh nhạy, hiệu quả và kịp thời; đảm bảo được vai trò, vị trí đi đầu trong định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, trong thời đại kỹ thuật số hiện nay…

Trong khuôn khổ Hội thảo, còn diễn ra sôi nổi phần hỏi đáp giữa các đại biểu tham dự và đại biểu trực tiếp tham gia tham luận, góp phần làm rõ hơn những vấn đề được nêu ra tại Hội thảo, đồng thời thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam trong thời kỳ mới.

Với tinh thần trách nhiệm, dân chủ và nghiêm túc của các nhà khoa học, Hội thảo khoa học "Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã thành công tốt đẹp.

Phát biểu tổng kết, PGS.TS Mai Đức Ngọc đã đánh giá cao những tham luận tâm huyết, ghi nhận việc các đại biểu đã đánh giá toàn diện những thành tựu; chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển báo chí - truyền thông hiện nay. Đồng thời, nhấn mạnh sự thống nhất quan điểm về việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này cho thấy sự quyết tâm của những người làm báo chí trong việc kế thừa và phát huy di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.

Các vấn đề gợi mở để thảo luận tại Hội thảo

Thứ nhất, đề xuất quan điểm chỉ đạo việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với các mục tiêu phát triển đất nước và kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thứ hai, định hướng giải pháp để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể là các giải pháp về: Nâng cao nhận thức của lãnh đạo, quản lý báo chí; Nâng cao năng lực lãnh đạo, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng; Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh thời kỳ mới.

Thứ ba, đề xuất các kiến nghị khoa học nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông. Các kiến nghị cần cụ thể, sâu sắc, hướng đến Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo ở Trung ương và địa phương.

Nguyên Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load