(Xây dựng) - Gần đây, nhiều hộ dân ở thôn Điền Lộc, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, TT-Huế phát hiện các khu ruộng bỗng nhiên sụt lún có độ sâu từ 1-6 mét, nhiều hố rộng vài mét khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Nhà máy ximăng và mỏ đá vôi chỉ cách khu vực sụt lún khoảng 1.000 mét.
Những cái bẫy nguy hiểm
Tiếp xúc với PV ông Trần Thanh Điện ở thôn Điền Lộc (xã Phong Xuân) cho biết, ở địa bàn xã hàng trăm năm qua chưa bao giờ xẩy ra tình trạng sụt lún đất như hiện nay. Ở vụ Đông Xuân vừa rồi ông Trần Văn Nam, ở thôn Điền Lộc đi điều tiết nước vào ruộng, khi quay lưng đi nước đã khô sạch. Nhiều hộ dân có ruộng bị sụt lún không biết nên đã nghi ngờ người điều tiết nước không đưa nước vào ruộng mình, khiến đã từng xẩy ra nhiều lần cải vã. Qua theo dõi, ông Trần Văn Nam đã phát hiện một số khu ruộng có nhiều hố sâu, khi đưa nước vào ruộng đã theo hố sầu đi vào lòng đất. Phát hiện sự việc người dân đã báo chính quyền địa phương, kiểm tra, xử lý. Trước mắt người dân chỉ ngăn bờ giữ nước để sản xuất.
Những cánh đồng ruộng bị sụt lún nhiều nhất tập trung ở thôn Điền Lộc (xã Phong Xuân), khu vực bị sụt lún cách mỏ đá vôi của Nhà máy ximăng Đồng Lâm do Cty CP Ximăng Đồng Lâm làm chủ đầu tư không xa. Một hố lớn đã bị sụt lún lớn có đường kính 2-4 mét, sâu 1-3m, ở thửa ruộng ông Trần Văn Ngần, cận đó nhiều thửa ruộng cũng xuất hiên nhiều điểm sụt lún nhỏ.
Ông Trần Văn Ngần cho biết, ruộng ở khu vực này đều bằng phẳng, chưa bao giờ xẩy ra sụt lún. Khi mỏ đá vôi đi vào nổ mìn, các thửa ruộng gần mỏ đá bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sụt lún tạo thành các hố nước lớn, nhỏ. Đất sụt lún thành hố sâu không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất còn gây nguy hiểm cho người dân, trâu bò vô tình bị sập xuống các hố rất dẽ chết người.
Ngay sau khi xác thấy hiện tượng sụt lún đất, UBND tỉnh đã chỉ đạo xã Phong Xuân, huyện Phong Điền thông báo hiện tượng sụt lún đến người dân và tiến hành cắm các biển báo tại các hố sụt lún có nguy cơ không an toàn. Đối với các hố sụt lún lớn gây mất nước, khô hạn ruộng lúa, người dân trong vùng được hướng dẫn khẩn trương dùng đất sét dẻo đổ lấp để ngăn chặn tình trạng thẩm thấu, mất nước.
Ảnh hưởng do khai thác đá vôi?
Nhận được phản ánh của người dân và chính quyền địa phương về tình trạng sụt lún mặt ruộng bất thường tại xã Phong Xuân, Sở TN&MT tỉnh TT-Huế phối hợp với UBND huyện Phong Điền thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá mức độ nghiêm trọng và thiệt hại. Báo cáo của Sở TN&MT gửi UBND tỉnh TT-Huế, các điểm sụt lún trên mặt ruộng ở xã Phong Xuân chỉ cách khu vực mỏ đá vôi của Nhà máy xi măng Đồng Lâm khai thác từ 300 - 1.800m, nằm rải rác ở các ruộng lúa, có đường kính dao động 2-3m, sâu 1-3m. Ở một số hố sụt lún, nước mặt chảy liên tục vào lòng đất, gây tình trạng mất nước tại các ruộng lúa lân cận khiến đất sản xuất không canh tác được. Quan sát mắt thường, hiện tượng sụt lún tại khu vực trên là do sụt trần các hang và các ổ Các-Xtơ (Karst) trong tầng đá vôi, nơi có chiều dày đất phủ mỏng và có khả năng khi bơm nước tháo khô mỏ đá vôi có phần ảnh hưởng đến sự sụt lún trên.
Sở TN&MT tỉnh yêu cầu Cty CP Ximăng Đồng Lâm có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện và xem xét hỗ trợ một phần kinh phí để kịp thời khắc phục thiệt hại do mất nước trong sản xuất tại khu vực nêu trên, đồng thời cắm biển cảnh báo tại các hố sụt lún để đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng. Về lâu dài Cty CP Ximăng Đồng Lâm tiếp tục thực hiện đề án khảo sát, nghiên cứu sầu về địa chất, thủy văn nhằm khắc phục giảm thiểu sụt lún và mất nước trong khu vực mỏ, xử lý hạn chế tối đa nguồn nước ngầm vào khu mỏ trong quá trình khai thác.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Cân - Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, tình trạng sụt lún xẩy ra từ cuối năm 2013, hiện đã có 36 vị trí sụt lún khác nhau trên diện tích 6 ha, ảnh hưởng đến đất lúa của 23 hộ dân ở thôn Điền Lộc. Thời gian gần đây, mỏ đá vôi ngừng nổ mìn tình trạng sụt lún có giảm. Nếu mỏ đá vôi tiếp tục nổ mìn phá đá, tình trạng sụt lún không chỉ diễn ra trên mặt ruộng, mà sẽ lan rộng đến nhà của người dân và hậu quả rất khó lường.
Trong khi chưa tìm ra nguyên nhân sụt lún, xã cũng kiến nghị các ngành chức năng cần mời nhà khoa học về để khảo sát, đánh giá sụt lún trên để có hướng xử lý và trấn an cho người dân yên tâm sản xuất, sinh sống.
Hiện trạng mỏ đá vôi của Nhà máy ximăng Đồng Lâm được UBND tỉnh cấp phép trên diện tích 90 ha ở xã Phong Xuân (huyện Phong Điền). Công tác mở moong khai thác được triển khai từ tháng 6/2012 đến nay, trên diện tích khoảng 5ha, độ sâu -10m, khối lượng xúc, bốc đất, đá trong mỏ khoảng 300.000m3. |
Trí Đức
Theo