(Xây dựng) - Từ ngôi trường Trung học Xây dựng được thành lập ban đầu tại tỉnh Hậu Giang, trải qua bao thăng trầm và phát triển qua 3 lần đổi tên và “thay máu”, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đang ngày càng phát huy vai trò và sứ mạng của mình - Đạo tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng cho các tỉnh ĐBSCL.
Quang cảnh trường Đại học Xây dựng miền Tây.
Lịch sử hình thành
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, do nhu cầu cấp bách về đội ngũ cán bộ kỹ thuật xây dựng của ĐBSCL, ngày 14/02/1976 Bộ Xây dựng ký Quyết định số 87/BXD-TC thành lập Trường Trung học Xây dựng Số 8. Những ngày đầu thành lập đóng ở TX Vị Thanh tỉnh Hậu Giang, do điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên nên đến cuối năm 1977 nhà trường mới tổ chức khai giảng khóa đầu tiên. Được sự chấp thuận của Bộ Xây dựng và tỉnh Vĩnh Long, đến tháng 02/1979 Trường được chuyển về P.3, TX Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long nay là TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Nhằm mục đích gắn kết tên trường với khu vực tuyển sinh đào tạo, ngày 06/7/1995 Bộ Xây dựng cho phép trường đổi tên thành Trường Trung học Xây dựng Miền Tây. Trường tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo, xây dựng chương trình đào tạo, vì vậy đến ngày 09/01/2003 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 72/QĐ-BGD&ĐT/TCCB nâng cấp trường thành Trường Cao đẳng Xây dựng Miền Tây. Sau đó gần 34 năm phấn đấu và nỗ lực không ngừng, đến ngày 06/9/2011, Trường Cao đẳng Xây dựng Miền Tây đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1528/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, đây là trường đại học công lập đầu tiên đóng trên tỉnh Vĩnh Long và là trường đại học đầu tiên chuyên đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng cho khu vực ĐBSCL.
Thành tựu đạt được trong 40 năm qua
Hơn 40 năm qua được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH và sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long, TP Vĩnh Long, của Đảng bộ, nhân dân P.3 và các ban ngành đoàn thể trong tỉnh, được tạo điều kiện hỗ trợ của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các tỉnh thành trong khu vực và các trường bạn; Tập thể các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên của Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách nỗ lực phấn đấu đưa nhà trường đi lên ngày càng lớn mạnh, đạt được những thành tựu quan trọng.
Về công tác đào tạo: Từ chỗ chỉ đào tạo cán bộ kỹ thuật xây dựng, trường đã phấn đầu đầu tư cơ sở vật chất và con người để tổ chức đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng gồm các ngành kỹ thuật xây dựng, giao thông, kỹ thuật công nghệ kiến trúc, cấp thoát nước và kế toán. Ngoài ra trường còn đào tạo các nghề nề, điện - nước, kế toán;... Đến năm 2012 nhà trường được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo trình độ đại học với 2 chuyên ngành: Kiến trúc và Xây dựng DD&CN, giờ đây đã có 8 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học là kiến trúc, xây dựng DD&CN, giao thông, cấp thoát nước, môi trường, quy hoạch, quản lý đô thị và kế toán. Về trình độ cao đẳng có 4 chuyên ngành đào tạo là xây dựng DD&CN, giao thông, cấp thoát nước và kế toán. Ngoài ra trường còn liên kết với Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đào tạo thạc sĩ chuyên ngành xây dựng, quản lý đô thị, liên kết với Học viện Tài chính Hà Nội đào tạo thạc sĩ chuyên ngành kế toán, tài chính ngân hàng và quản lý kinh tế cho khu vực ĐBSCL.
40 năm qua Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đã tổ chức đào tạo và liên kết đào tạo được gần 300 thạc sĩ, 450 KTS, 2.420 kỹ sư xây dựng, 4.850 cử nhân cao đẳng, hơn 9.400 trung cấp chuyên nghiệp. Đào tạo và bồi dưỡng gần 6.000 công nhân kỹ thuật… Hiện nay, trường có gần 4.000 học sinh, sinh viên học tập tại trường và các đơn vị liên kết. Nhiều học sinh, sinh viên ra trường đã trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, một số là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc các Cty, cán bộ lãnh đạo quản lý ngành Xây dựng của các huyện và các sở của các tỉnh, thành, đóng góp tích cực trong xây dựng đô thị và hạ tầng của vùng ĐBSCL.
Về tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ: Từ những buổi đầu tiên đầy khó khăn thiếu thốn, ngày 22/11/1977, tại TX Vị Thanh tỉnh Hậu Giang trường đã làm lễ khai giảng năm học đầu tiên với sự có mặt của 35 cán bộ, giáo viên, công nhân viên và 238 học sinh. Đến nay trường đã có 8 Phòng chức năng, 7 khoa, 1 bộ môn trực thuộc, 15 bộ môn chuyên môn và 4 trung tâm, với tổng số 250 cán bộ, viên chức trong đó có 185 giảng viên và 19 tiến sĩ, 143 thạc sĩ, trong đó có 20 nghiên cứu sinh, có 20 giảng viên đang học cao học. Tổng số giảng viên có trình độ sau đại học và đang học cao học chiếm gần 99%, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy các môn học theo cơ cấu hợp lý.
Về công tác nghiên cứu khoa học: Từ năm 2011 trường được nâng cấp thành trường đại học thì công tác nghiên cứu khoa học được đầu tư mạnh mẽ. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, khoa đã phục vụ cho đào tạo và gắn với thực tiễn sản xuất, trong đó có những đề tài phục vụ thực tiễn vùng ĐBSCL. Trong những năm gần đây, có nhiều đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh đã giải quyết được một số vấn đề xã hội quan tâm như: Công trình trên nền đất yếu khu vực ĐBSCL. Đặc biệt từ 2012 đến nay, trường đã có 6 đề tài cấp Bộ được nghiệm thu, 2 đề tài cấp Bộ và 1 đề tài cấp tỉnh đang trong giai đoạn chuẩn bị nghiệm thu, 70 đề tài cấp trường, 26 đề tài cấp khoa.
Về xây dựng cơ sở vật chất và đời sống: Từ những ngày đầu thành lập trên một vùng đất rộng gần 5ha sình lầy cỏ lác, cơ sở ban đầu của Trường chỉ là những ngôi nhà tạm bằng tranh tre, nứa lá, những dãy nhà cấp 4 do công sức của thầy và trò dựng lên, chỉ đủ 400 - 500 học sinh học tập và sinh hoạt. Hiện nay Trường đã được tỉnh Vĩnh Long cấp thêm 7ha,tạo thành một quần thể 2 khu với 11ha, đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động đào tạo và phục vụ đào tạo. Được sự quan tâm của lãnh đạo trường và các đoàn thể, đời sống của cán bộ, viên chức ngày càng được nâng cao về vật chất cũng như tinh thần; Các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ luôn sôi động với vai trò nòng cốt là Công đoàn và Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên. Tổ chức tốt các đợt tham quan nghỉ mát, khám sức khỏe định kỳ.
Trường luôn làm tốt công tác hoạt động xã hội. Tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng suốt đời bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đã hỗ trợ kinh phí và tổ chức xây dựng 24 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Tặng 60 xe đạp cho học sinh nghèo ở trường phổ thông vượt khó học tập. Tổ chức nhiều đợt ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo, xây dựng nhà tình thương... Công đoàn trường nhiều năm liền là đơn vị được tặng cờ thi đua của Công đoàn ngành Xây dựng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đoàn Thanh niên của trường đã có nhiều hoạt động xã hội tốt như phong trào thanh niên tình nguyện mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi, tiếp sức đến trường,... Với sự nỗ lực phấn đấu hơn 40 năm qua trường đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất.
Định hướng để phát triển
Với định hướng chiến lược phát triển trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong giai đoạn tới nhà trường ra sức tập trung mọi nguồn lực để thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định về tổ chức các hoạt động đào tạo, nhằm tổ chức thực hiện tốt đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Đặc biệt xây dựng quy chế tự chủ Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, đây là cơ sở quan trọng để nhà trường hoạch định chiến lược phát triển trường một cách đúng hướng và bền vững.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ hoặc đang học cao học, 15% trở lên có trình độ tiến sĩ và đang làm nghiên cứu sinh; Tổ chức kiểm định 1 chương trình đào tạo và đăng ký đánh giá ngoài. Hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD&ĐT, phù hợp với đặc điểm ngành học và phù hợp với đặc thù của khu vực ĐBSCL. Xây dựng chương trình đào tạo để mở thêm ngành nghề đào tạo như địa kỹ thuật, kinh tế xây dựng, xây dựng chương trình đào tạo cao học ngành Xây dựng.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng bám sát nhiệm vụ đào tạo, gắn với thực tiễn sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL. Đặc biệt quan tâm đến các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn, ngập lụt và xói lở. Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để nâng cao vị thế của trường; Xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ theo tiêu chí của trường đại học, đảm bảo phục vụ kịp thời, hiệu quả cho quy mô đào tạo của trường trong từng giai đoạn phát triển. Đảm bảo ổn định ở mức cao và tăng thu nhập cho đời sống cán bộ, viên chức, tổ chức tốt các hoạt động xã hội, văn hóa, thể dục thể thao, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần trong toàn trường, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể góp phần tích cực trong sự phát triển đi lên của nhà trường. Phấn đấu đến năm 2020 nhà trường tự chủ chi thường xuyên.
Thực hiện những nhiệm vụ đề ra cho những năm tiếp theo nhà trường sẽ quyết tâm phấn đấu giữ vững truyền thống, vượt qua mọi khó khăn thử thách, phát huy nội lực của mình, nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên ngành Xây dựng, phục vụ cho các tỉnh ĐBSCL ngày càng trù phú và giàu đẹp; góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh.
TS Lê Ngọc Cẩn
Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây
Theo