(Xây dựng) – Tuyển sinh năm 2024, chuyên ngành Logistics đô thị là một trong những chuyên ngành mới của trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE). Đây là một ngành mới, lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam, có sự kết hợp giữa kiến thức về quản lý chuỗi cung ứng và quy hoạch đô thị. Ngành Logistics đô thị mang đến cho sinh viên cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp hấp dẫn và đầy triển vọng trong xu thế hội nhập của thế giới.
Sinh viên khoa Cầu đường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội tốt nghiệp năm 2024. |
Hiểu về Logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa
Trước hết cần phải nhấn mạnh rằng, ngành Logistics là một ngành kinh tế dịch vụ quan trọng có tính hệ thống, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội khác nhau. Dưới góc độ học thuật thì Logistics là ngành khoa học dịch vụ, bởi vậy kiến thức dịch vụ công, tư đều được coi trọng. Đồng thời, ngành Logistics liên quan trực tiếp đến nhiều hoạt động gồm: Quy hoạch không gian vị trí đầu mối hạ tầng nhà ga, bến cảng, kho bãi, trung tâm thương mại, giao thông vận tải…; tìm nguồn cung, quá trình sản xuất, phân phối, buôn bán sản phẩm. Do vậy, có thể xem Logistics như ngành tổng hợp của kinh tế - kỹ thuật - xã hội.
Toàn bộ hoạt động trong chuỗi Logistics cần được sự hỗ trợ của các thủ tục dịch vụ hành chính, dịch vụ tư vấn: Hải quan, thuế, nền tảng công nghệ… Đặc biệt, Logistics cũng liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều Bộ, ngành (Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính, Công nghệ thông tin…). Với xu thế mới, giá trị của ngành Logistics và tiềm năng phát triển của nó sẽ mang đến nhiều cơ hội trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đặc thù quan trọng này.
Hiện nay, nhiều người quen thuộc với một Logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa nhưng chưa quen với một loại hình cung cấp dịch vụ đi lại của con người. Thực tế dịch vụ này có phân khúc không nhỏ đang hoạt động nhiều ở nước ta có tên: Grab, Bee, Vinfast, MiniBus… vừa để đáp ứng đi lại hàng ngày và chuyển giao hàng hóa đến tay người dùng trong đô thị hoặc từ đô thị đi các nơi với mục đích khác nhau.
Việc nghiên cứu dịch vụ đi lại như là một chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh Logistics chỉ mới hơn chục năm trở lại đây nhờ đòn bẩy từ các ứng dụng công nghệ mới, thay đổi tư duy phục vụ con người và những thách thức từ môi trường đô thị. Như vậy, có thể hiểu Logistics đô thị bao gồm 2 hoạt động: Dịch vụ cung cấp hàng hóa và và dịch vụ cung cấp đi lại trong đô thị.
Hai loại hình dịch vụ cung cấp trên đều có tất cả những điểm chung của chuỗi dịch vụ cung cầu, mà khách hàng được là người tiêu dùng hoặc sử dụng. Các tiêu chí dịch vụ hầu như không khác nhau; sự khác biệt đến từ sản phẩm: Dịch vụ vận chuyển hàng hóa; dịch vụ chuyến đi (sự di chuyển con người).
Theo các chuyên gia, giáo sư đầu ngành của khoa Cầu đường (HUCE), phương diện logistics hành khách là một hoạt động độc lập có thể hiểu theo hướng như sau: Thị trường cung ứng nhu cầu đi lại của đô thị vô cùng lớn, khách hàng được cung cấp là người sử dụng chuyến đi. Bên cạnh đó, nhu cầu dịch vụ là hành vi của người dân đô thị, nguồn sản sinh nhu cầu (ví như sản xuất sản phẩm trong chuỗi cung cấp hàng hóa) được phân bố rộng khắp – nơi có hoạt động của con người, nguồn nhu cầu cao sẽ tập trung ở các nơi có mật độ dân cư cao.
Mặt khác, dịch vụ di chuyển cũng được đáp ứng từ cửa đến cửa thanh toán một lần bằng các doanh nghiệp công hay tư, cấu trúc thành phần được tổ chức tương tự như logistics hàng hóa. Phương tiện để di chuyển trong Logistics là chuỗi đa phương thức để người dân tự chọn tổ hợp phù hợp với họ. Mô hình hoạt động này đang được nghiên cứu và sử dụng nhiều tại EU, Singapore, Nhật với tên gọi di chuyển là một dịch vụ (MaaS). Dẫn hướng cho hoạt động này là sự chuyển đổi chiến lược và mô hình từ Nhà nước; điển hình là chuyển đổi số, chuyển đổi chiến lược quy hoạch giao thông truyền thống sang mô hình chiến lược quy hoạch di chuyển.
Sinh viên khoa Cầu đường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn với ngành Logistics đô thị. |
Theo PGS.TS Bùi Phú Doanh, Trưởng khoa Cầu đường (HUCE), dịch vụ này khi đặt trong môi trường đô thị sẽ có tên gọi dịch vụ Logistics đô thị và diễn giải như sau:
Thứ nhất, cần có thêm nhiều kiến thức về quy hoạch và thiết kế không gian logistics như: Nơi sản xuất, trung tâm logistics, nhà kho, trung tâm thương mại, chuỗi bán hàng… được bố trí ở vị trí nào, tích hợp hoạt động, khai thác như thế nào để hiệu quả… đòi hỏi không chỉ là nỗ lực của khối doanh nghiệp tư nhân chủ yếu tập trung vào dịch vụ thương mại và giao thông đã ấn định mà còn rất cần đến các dịch vụ có khả năng tối ưu hóa về bài toán không gian vị trí hạ tầng đô thị, tối ưu hóa đường đi xét đủ các chi phí. Nếu không có sự dẫn hướng của các cơ quan quản lý công trong xây dựng chính sách, quy hoạch và chiến lược trong đô thị thì Logistics đô thị không thể phát triển được.
Thứ hai, tăng cường cung cấp khối kiến thức của cách mạng công nghệ 4.0 cho người học gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… Nếu thiếu khối kiến thức này thì sẽ không thể mang lại những kết quả mong muốn cho các doanh nghiệp trong chuỗi logistics và mục tiêu chuyển đổi số mà Chính phủ đặt ra.
Thứ ba, xu hướng đô thị hóa tại Việt Nam đặt ra không ít thách thức cho các nhà quản lý, đó là mật độ dân số gia tăng,nhu cầu người dân đô thị rất lớn, nguồn tài nguyên không thể tái tạo như đất đai, nhiên liệu từ hóa thạch sẽ dần cạn kiệt, thiên tai luôn đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Giải quyết những thách thức này là vấn đề của toàn xã hội, từ cá thể đến khu vực, từ quốc gia đến toàn cầu. Trong đó, những hoạt động của Logistics đô thị liên quan trực tiếp đến yếu tố nói trên như sử dụng đất đai hạ tầng, sử dụng phương tiện sản xuất và giao thông, sử dụng nhiên liệu và tiêu dùng ăn uống… đều có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho hiện tại và tương lai. Vì vậy, ngoài các hoạt động về kinh tế kỹ thuật thì vai trò của quản lý rất quan trọng. Các chính sách định hướng chuyển đổi mô hình kinh tế, công nghệ, chuyển đổi mô hình văn hóa mới, nền tảng giáo dục mới…
Thứ tư, thực tế hiện nay ở nước ta, dù một số hoạt động Logistics đô thị đã và đang tồn tại nhưng lại chưa được biết đến như là ngành, một lĩnh vực hoạt động dưới mô hình khoa học và bài bản. Một số hoạt động cung cấp dịch vụ chỉ có ở khối tư nhân tự phát (như: Sàn giao dịch điện tử, các doanh nghiệp dịch vụ giao thông vận tải công nghệ…). Do vậy, khó có thể đòi hỏi để Logistics đô thị hoạt động đa dạng và đủ khả năng giải quyết các yêu cầu mong muốn. Tuy nhiên, khi suy nghĩ tích cực, đây lại là thị trường, lĩnh vực đầy tiềm năng và cơ hội để phát triển Logistics đô thị và đặt ra yêu cầu cần sớm đào tạo một ngành học riêng biệt, đặc thù quan trọng như Logistics đô thị.
Vai trò của Logistics đô thị
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng, dù cho đã có khá nhiều khái niệm hay định nghĩa được đề xuất về Logicstics nói chung và Logistics đô thị nói riêng nhưng không có định nghĩa nào đầy đủ bản chất. Điều này dễ hiểu bởi thuật ngữ này có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo bối cảnh mà nó được sử dụng.
Trong bối cảnh sử dụng và xu thế phát triển, các giáo sư của khoa Cầu đường (HUCE) chọn và dẫn ra 3 định nghĩa về Logistics đô thị để đưa vào chương trình đào tạo ngành.
Định nghĩa thứ nhất, “Logistics đô thị là quá trình tối ưu hóa hoàn toàn các hoạt động logistics và vận tải của các công ty tư nhân ở khu vực thành thị, đồng thời xem xét giao thông về tắc nghẽn, tiêu thụ năng lượng và ảnh hưởng môi trường trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường tự do”. Với khái niệm này cho thấy logistics đô thị khác với logistics thông thường ở phạm vi địa lý, mức độ “tối ưu hóa” quá trình logistics được yêu cầu rất cao và thêm vào đó là nhấn mạnh đến quan hệ với giao thông đô thị và chưa nhận ra hoạt động của Logistics đô thị có bao gồm phương diện cung cấp dịch vụ đi lại không.
Trong các định nghĩa tiếp theo, cụ thể: “Logistics đô thị là giải pháp cho phép phân phối hàng hóa trong khu vực đô thị, là chiến lược có thể cải thiện hiệu quả của nó đồng thời giảm thiểu các tác động bên ngoài như tắc nghẽn và khí thải. Nó liên quan đến việc quản lý sự di chuyển của hàng hóa đô thị và cung cấp những phản ứng sáng tạo cho nhu cầu của khách hàng” và “Logistics đô thị là khái niệm hoặc quá trình quản lý và tối ưu hóa vận tải hàng hóa, hành khách và tất cả các hoạt động vận tải đô thị khác có tính đến tác động của những hoạt động đó đối với môi trường, xã hội và hoạt động kinh tế của thành phố cụ thể đó”.
Với khái niệm trên, Logistics đô thị đã mở rộng hơn về nội hàm, đề cập đến giải pháp quản lý vào quá trình logistics, được hiểu không chỉ là quản lý của tư nhân mà còn là quản lý công của Nhà nước. Đồng thời xác nhận vận chuyển hành khách là một dịch vụ trong Logistics đô thị. Về tổng thể, nội hàm của Logistics đô thị không phải là phân phúc của chuỗi logisctics thông thường như chúng ta đang biết, nhưng khi xét bối cảnh địa kinh tế, giao thông toàn cầu thì xem Logistics đô thị là chặng cuối. Bởi vị trí địa lý, quy mô của thành phố cũng chỉ là một điểm cuối, một trung tâm đầu mối đa chức năng mà thôi.
Vai trò và chức năng của Logistics đô thị gồm 2 chức năng của dịch vụ logistics thông thường như đã là: Hỗ trợ quá trình sản xuất và phân phối lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đến tận tay người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng trong khu vực đô thị. Và gắn hoạt động sản xuất với thị trường đô thị, và gắn nền kinh tế nội địa với nền kinh tế quốc tế mà thành phố là một trung tâm đầu mối đa chức năng.
Logistics đô thị còn hai chức năng khác là: Hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đi lại theo sự lựa chọn của người dân trong nội đô, từ đô thị ra ngoài hoặc từ ngoài vào đô thị để họ có khả năng tiếp cận nhiều mục đích khác nhau. Đặc biệt, dịch vụ này có thể đáp ứng với mọi người dân từ cửa đến cửa, chỉ thanh toán một lần bằng mạng lưới hạ tầng giao thông đa phương thức và nền tảng dịch vụ công nghệ số, thời gian thực; góp phần thực hiện mục tiêu đô thị thông minh, đô thị đáng sống và đô thị bền vững.
Để thực hiện vai trò và chức năng thì Logistics đô thị hình thành các nhóm dịch vụ chính. Nhóm dịch vụ di chuyển người và hàng hóa: Mục tiêu đạt được là tối ưu hóa di chuyển người và hàng hóa dưới điều kiện bảo đảm cân bằng đa mục tiêu và chia sẻ lợi ích bằng hệ thống đa phương thức, liên phương thức từ cửa đến cửa.
Nhóm dịch vụ tại các trạm đầu mối, trạm cuối và hệ thống kho bãi: Tại nơi này bảo đảm cung cấp để hành khách có tiện ích khách hàng tốt nhất khi chuyển tiếp, còn hàng hóa được phân loại lưu kho bảo quản tốt nhất, lấy hàng vào, ra được tự động hóa nhiều nhất, thủ tục đơn giản nhất.
Nhóm dịch vụ tư vấn và công nghệ ICT: Để quản lý dòng hàng hóa, dòng hành khách và tối ưu mạng lưới cung - cầu cần có tư vấn về quy hoạch không gian và Quy hoạch thiết kế vận hành; để quản lý dòng thông tin trong quá trình lưu thông cần có công ty dịch vụ phần mềm và nền tảng hạ tầng công nghệ ICT. Lĩnh vực ứng dụng công nghệ này không chỉ là tất yếu đối với ngành Logistics đô thị mà yêu cầu ngày càng cao trong việc chăm sóc khách hàng, chẳng hạn, khách hàng phải được biết lúc thời gian thực hàng của họ, hành khách của họ đang ở đâu? Trạng thái nào?...
Nhóm dịch vụ giao nhận: Trong chuỗi, loại dịch vụ này được thực hiện ở nơi cung ứng đầu tiên hoặc tiếp nhận cuối cùng - người sử dụng hoặc tiêu dùng. Lúc này, vận dụng những nguyên lý Logistics chặng cuối để kết thúc quá trình chuỗi như mong đợi. Tuy nhiên, trong chuỗi logistics phân phối đa tầng, giao thông đa phương thức thì trạm trung chuyển mới là phức tạp và dễ rủi ro, đặc biệt là các trạm có quy mô là trung tâm của một khu vực rộng. Quy trình hoạt động của các trạm này tùy thuộc vào chức năng và mô hình quản lý (công hay tư, mức độ tự động hóa…).
Nhóm dịch vụ công: Trong Logistics đô thị dịch vụ công được nhắc đến như một thành phần không thể thiếu được. Có thể nêu ra các hoạt động của dịch vụ công: Môi trường pháp lý, chuyển đổi mô hình xã hội, mô hình kinh tế vĩ mô, quản lý nền tảng hạ tầng vật lý, hạ tầng số… Từ đây sẽ nhận ra vai trò của dịch vụ công là dẫn hướng, là hỗ trợ là tích hợp nhiều bên là phối hợp hoạt động công-tư (PPP).
Ngành Logistics đô thị là một trong những chuyên ngành mới được HUCE tuyển sinh năm 2024. |
Cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên
Sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành Logistics đô thị của trường Đại học Xây dựng Hà Nội có thể đảm nhận những vị trí, công việc tiềm năng như: Là công chức, viên chức trong các dự án liên quan đến giao thông đô thị, quy hoạch đô thị, logistics đô thị và quy hoạch tỉnh, thành phố.
Công chức trong nhiều bộ phận của tỉnh và thành phố để: Xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển, chính sách... về đô thị nói chung và giao thông vận tải đô thị nói riêng. Nhân viên văn phòng trong nhiều doanh nghiệp liên quan đến giao thông vận tải, logistics, chuỗi cung ứng để độc lập quản lý, lập quy hoạch, thiết kế, vận hành... chuỗi cung ứng và chuỗi logistics.
Đặc biệt chuyên sâu vào lĩnh vực quản lý giao thông đô thị, xây dựng chính sách, thiết kế vận hành tuyến giao thông đa phương thức, đầu mối, có khả năng xây dựng mô hình mới thay thế trong giao thông vận tải và logistics trong đô thị, thiết kế tối ưu dịch vụ và tham gia xây dựng phần mềm quản lý, phần mềm thương mại. Hoặc có thể là giảng viên, nghiên cứu viên trong các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu có liên quan đến ngành học.
Để đào tạo một ngành Logistics đô thị đáp ứng cho nhu cầu thị trường kinh tế và quản lý, trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tập trung xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến. Đảm nhiệm giảng dạy các khối kiến thức đào tạo liên quan đến đô thị, giao thông và hạ tầng đô thị, kinh tế và quản lý là các Bộ môn, các Khoa có kinh nghiệm đào tạo ngành từ những năm1956-1958; ngành công nghệ thông tin trong trường cũng có từ gần 30 năm nay.
Ngành dịch vụ logistics nói chung và Logistics đô thị nói riêng có sức hấp dẫp bởi vì đây được ví như là cầu nối của các hoạt động trong xã hội và đích cuối cùng là cho con người. Mặt khác, dịch vụ Logistics kinh tế là một ngành non trẻ còn đầy tiềm năng và dư địa phát triển.
Logistics đô thị sẽ là ngành học mang tính hệ thống cao, đòi hỏi người tham gia trong chuỗi dịch vụ có tư duy logic và tư duy hệ thống nổi trội. Ngành này sẽ phù hợp với những sinh viên say mê, năng động, sáng tạo. Đặc biệt, sẽ mang lại lợi thế cho những người học có nền tảng kiến thức về công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 như: công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Trí tuệ nhân tạo (AI).
Khoa Cầu đường – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là đơn vị tiên phong trong đào tạo chuyên ngành Logistics đô thị của Việt Nam. Với bề dày lịch sử, khoa Cầu đường là một trong số ít những khoa đầu tiên của trường Đại học Xây Dựng được thành lập từ năm 1966. 100% giảng viên đạt chuẩn sau đại học. Đội ngũ nhân lực giảng viên, cán bộ tâm huyết với ngành nghề và trình độ cao. Đến với khoa Cầu đường các bạn sinh viên sẽ được sống trong một môi trường giáo dục thân thiện, hiện đại cùng với sự quan tâm từ Ban chủ nhiệm khoa và các cán bộ giảng viên, theo đúng tinh thần của một địa chỉ đào tạo tin cậy. Khoa Cầu đường Phòng 113 nhà A1 – Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội; Số 55 Giải Phóng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Điện thoại: (024) 3869 3575. |
Khánh Minh
Theo