Nằm trên thế đất rộng và đẹp của phường Toán Viên thời Lý (nay là phường Láng Thượng quận Ðống Ða, Hà Nội), chùa Láng có tên là Chiêu thiền tự, thờ thiền sư Từ Ðạo Hạnh và Vua Lý Thần Tông. Theo sách "Thiền uyển tập anh", Từ Ðạo Hạnh là vị Thánh tổ thứ 12 của dòng thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi (dòng này vào Việt Nam từ thế kỷ VI ở chùa Dâu). Ông đã sang Ấn Ðộ tu luyện học được nhiều phép lạ, sau về tu tại chùa Thiên Phúc núi Sài Sơn và hóa tại đó. Vì vậy, chùa Láng và chùa Thầy có mối quan hệ mật thiết, thể hiện trên các câu đối trong chùa và cả trong ca dao dân gian về lễ hội ở hai vùng:
Nhớ ngày mồng bảy tháng Ba
Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy.
Tương truyền, Vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), đã cho xây chùa Láng để thờ vua cha là Lý Thần Tông và tiền thân của ông - thiền sư Từ Ðạo Hạnh.
Ðến thời Lê, tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc theo lệnh vua soạn văn bia năm 1656 . Ông ca ngợi chùa Láng là "danh lam bậc nhất thế gian, không chùa nào sánh nổi.Khí tốt phượng thành bên hữu tỏa khắp, dòng Tô Lịch bên tả lượn vòng". Trải mười thế kỷ, bao nắng mưa và khói lửa, giặc phương Bắc đốt cháy kinh thành Thăng Long, đến nay, chùa Láng vẫn giữ được những hiện vật quý giá thế kỷ XVIII, 13 tấm bia đá, 30 bức hoành phi, 31 câu đối, gần 200 pho tượng, 11 đạo sắc phong của các triều Lê - Tây Sơn - Nguyễn phong thần cho Từ Ðạo Hạnh.
Rời phố chùa Láng nhộn nhịp, bước chân qua Tam quan, hai hàng muỗm cổ thụ sum suê đưa khách hành hương vào miền tâm linh. Mỹ cảm hướng thiện hài hòa với kiến trúc nghệ thuật thời hậu Lê trong tổng thể đăng đối mà vẫn thoáng đãng của nhà bát giác, phương đình, tiền đường, trung đường, nhà bia, lầu treo chuông khánh và 100 gian chùa chính được xây theo kiểu "nội công ngoại quốc". Ðặc biệt hậu điện, ngoài tượng Phật còn có tượng Từ Ðạo Hạnh tạc bằng gỗ ở phía trước, phía sau là tượng Vua Lý Thần Tông bằng mây đan ngự ở trong kiệu.
Hằng năm, dân lấy ngày Từ Ðạo Hạnh hóa ở chùa Thầy, mồng 7 tháng ba để mở hội. Người dân 9 làng ở phía tây kinh thành Thăng Long đổ về chùa Láng dự lễ hội . Ðại Việt sử ký toàn thư đã ghi: "Hàng năm, mùa xuân, cứ đến ngày 7 tháng ba, dân chúng tụ tập ở chùa, là hội vui nhất vùng". Từ sáng sớm mồng 6-3, dân làng Láng đã làm lễ mộc dục. Mồng 7-3 vào chính hội, đám rước của 7 làng thuộc Tổng Hạ, phủ Phụng Thiên (nay thuộc quận Ðống Ða) và 2 làng Thượng Ðình (nay thuộc quận Thanh Xuân) làng Thượng Yên Quyết (nay thuộc quận Cầu Giấy) dài đến một cây số đến cầu Yên Quyết thì dừng lại- "độ hà"- không được đi trên cầu mà phải lội qua sông Tô * nhưng trai tráng khênh kiệu vẫn phải giữ kiệu cho thăng bằng.Lên bờ bên kia, kiệu Thánh được múa rồng chào đón rồi rước tiếp lên chùa Hoa Lăng ở làng Thượng Yên Quyết (Cầu Giấy), nơi thờ Thánh Mẫu Tằng Thị Loan - mẫu thân của Từ Ðạo Hạnh. Theo lời các cụ kể lại, đám rước xưa đông vui lắm, cờ phướn rợp trời, lọng tía, tàn vàng rực rỡ, một dải sông Tô rộn rã tiếng trống, tiếng nhạc thanh la, tiếng trống của phường bát âm, người đi hội và xem hội chật như nêm. Ðến trước chùa Hoa Lăng, chỉ kiệu Thánh và kiệu long đình mới được vào sân hạ trước bái đường. Dân các làng lần lượt vào bái lễ. Sau đó, ông lệnh đưa chuỗi tràng hạt từ kiệu đình vào hậu cung cáo Phật rồi quàng vào kiệu Thánh, biểu hiện Từ Ðạo Hạnh đã đắc đạo. Ðến giờ ngọ, đoàn rước trở về chùa Láng... Sau các nghi lễ là hội chơi các trò vui dân gian: chọi gà, cờ bỏi, thổi cơm thi.
Sau bao năm chiến tranh gian khổ và đời sống gieo neo, lễ hội chùa Láng đã được khôi phục từ năm 1995; bản sắc văn hóa dân tộc như mạch nguồn không bao giờ cạn, mãi thăng hoa trong lễ hội dân gian.
..............................................
* Theo thần tích, cha của Từ Ðạo Hạnh là Từ Vinh bị pháp sư Ðại Diên đánh chết , vứt xác xuống sông Tô, trôi đến cầu Yên Quyết thì dừng lại. Vì vậy, khi rước qua sông Tô, không được khiêng kiệu đi trên cầu mà phải lội dưới sông, nên gọi là "độ hà".
NGUYỄN QUANG DŨNG
Theo baoxaydung.com.vn