(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao (nguồn: Internet). |
Theo đó, phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng
Theo đó, phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng theo trình tự như sau: UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, tổ chức việc lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng; Tổ chức lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; Tổ chức thẩm định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung;
Quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; Cập nhật, công bố nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung theo quy định; Báo cáo kết quả thực hiện điều chỉnh cục bộ theo hình thức gửi Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, HĐND thành phố.
Về lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, cần phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc phải điều chỉnh quy hoạch chung; xác định phạm vi, mức độ, nội dung điều chỉnh, các chỉ tiêu quy hoạch về: sử dụng đất; tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan; mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình hạ tầng xã hội dựa trên cơ sở: phân tích, đánh giá hiện trạng; yêu cầu phát triển; các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang của khu vực dự kiến điều chỉnh.
Phân tích, đánh giá các nội dung dự kiến điều chỉnh cục bộ bảo đảm: không làm thay đổi tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị; không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch; tính liên tục, đồng bộ của quy hoạch chung hiện có.
Phân tích, đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội của việc điều chỉnh cục bộ; kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; xác định các giải pháp khắc phục những phát sinh do điều chỉnh quy hoạch.
Quyết định cũng nêu cụ thể việc lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung. Theo đó, phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ (nếu cần thiết).
Các ý kiến đóng góp của đại diện cộng đồng dân cư và các cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có) phải được tổng hợp, giải trình bằng văn bản. Các nội dung góp ý phải được phân tích, giải trình đầy đủ, làm cơ sở hoàn chỉnh các phương án quy hoạch theo hướng đảm bảo sự phù hợp, có tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng. Văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến là một thành phần của hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng.
Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có) được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 30 ngày đối với cộng đồng dân cư; 15 ngày đối với cơ quan, tổ chức.
Tuyết Hạnh
Theo