(Xây dựng) - Quần thể di tích lịch sử quốc gia Am Tiên, tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) gắn với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống quân xâm lược Ngô năm 248. Sau khi Bà Triệu mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ tại quần thể di tích Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên.
Rất đông lượng du khách hành hương lên Am Tiên. |
Mặc dù thời tiết khá lạnh, nhưng tại quần thể di tích lịch sử quốc gia Am Tiên, một địa danh nổi tiếng, nơi huyệt đạo linh thiêng vẫn thu hút hàng nghìn du khách bốn phương.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ngày mùng 7 Tết (27/01), bãi giữ xe luôn đông nghịt, hàng nghìn khách hành hương lên Am Tiên. Ai cũng muốn tìm về cõi thiêng để cầu một năm mưa thuận, gió hòa, bình an, thuận lợi trong kinh doanh, gia đình ấm êm…
Dòng người di chuyển theo con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi, nơi huyệt đạo thiêng, đây là địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi tới Am Tiêm du ngoạn. Dù đông đúc, nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy, cảnh chặt chém không xảy ra, mọi việc diễn ra trong trật tự.
Trên đỉnh Ngàn Nưa, bên cạnh những công trình tâm linh do con người xây dựng, tôn tạo, vẫn còn đó những dấu vết, truyền thuyết xưa kỳ ảo "nửa hư, nửa thực" như bàn cờ tiên, vườn thuốc nam, giếng Tiên, bãi luyện quân… nếu đến đây, du khách vẫn có thể tận mắt ngắm nhìn tảng đá lớn, dấu vết của bàn cờ tiên.
Khu di tích cấp quốc gia đền Nưa – Am Tiên, nơi giao thoa giữa đất và trời vẫn giữ được nét hoang sơ, cổ kính với rừng núi điệp trùng. Từ trên đỉnh núi, nơi trung tâm huyệt đạo linh thiêng, du khách có thể phóng tầm mắt xa khắp bốn phương, ngắm những con đường uốn lượn, những nếp nhà nép mình dưới bóng cây, những thửa ruộng, mảnh vườn xanh mướt cùng xóm, làng trù phú miên man bao quanh chân núi.
Ngay từ đêm giao thừa, mùng 1 Tết, du khách hành hương đã nườm nượp trảy về đây để chiêm bái, thắp hương cầu xin cho quốc thái dân an, nhà nhà may mắn... |
Lễ hội đền Nưa – Am Tiên chính thức được mở vào ngày mùng 9 Tết hàng năm, ngày "mở cổng trời" và kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng. Tuy nhiên, ngay từ đêm giao thừa, mùng 1 Tết, khách hành hương đã nườm nượp trảy về đây để chiêm bái, thắp hương cầu xin cho quốc thái dân an, nhà nhà may mắn...
Du khách Nguyễn Xuân Thanh, huyện Đông Sơn cho biết: Theo thông lệ, sau thời khắc giao thừa gia đình tôi thường tổ chức đi lễ đền Nưa – Am Tiên nhưng vì mấy năm qua dịch bệnh không đi lễ được, nay dịch bệnh được đẩy lùi gia đình tôi lại đi lễ cầu cho gia đình một năm mưa thuận gió hòa. Để đảm bảo an toàn chúng tôi cho xe vào bãi và đi xe dịch vụ lên đền chính. Ngay từ đầu điểm rẽ vào khu vực trung tâm, lực lượng giao thông đã bố trí phân làn, tránh xảy ra ùn tắc cục bộ. Công tác vận chuyển đưa đón người lên, xuống được tuân thủ theo quy định đảm bảo an toàn vì đường dốc, trơn trượt, sương mù dày hạn chế tầm quan sát.
Du khách Lò Thị Hậu, huyện Mường Lát chia sẻ: Nhiều năm trở về đây, năm nào chị cũng cùng gia đình tổ chức đi thắp hương, vãn cảnh để cầu cho một năm mới khỏe mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã làm rất tốt khâu tổ chức như đưa đón du khách, khu vực hành lễ, khu vực ghi công đức… Mọi người đến đây đều rất thành kính.
Ông Tào Quang Sơn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nưa cho biết: Đa số du khách đến đền, chùa đều có ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Đồng thời, Ban Quản lý di tích và chính quyền địa phương cũng tăng cường quản lý di tích nhất là vào dịp Tết. Để bảo đảm an toàn cho du khách, công ty đã sớm triển khai các phương án, trọng tâm là bố trí, sắp xếp khu vực bãi gửi xe, khu vực các hàng quán ăn, đồ lưu niệm... một cách hợp lý. Việc tổ chức đưa đón du khách thông qua dịch vụ vận tải bằng xe ôtô cũng được thực hiện chu đáo, an toàn, không xảy ra tình trạng xe chở quá số người quy định.
Tiến Anh
Theo