Sau hơn 5 tháng tập huấn, 16 học viên là những người khuyết tật sống ở thành phố và nông thôn tại tỉnh Thanh Hóa đã sử dụng 8 máy ảnh kỹ thuật số và chụp hơn 8000 bức ảnh về đời sống tại cộng đồng. Thay vì dạy lý thuyết về kỹ thuật chụp ảnh đơn thuần, phương pháp học ở đây chủ yếu dựa nhiều hơn vào chụp thử nghiệm. Vì vậy, những học viên được khuyến khích thử nghiệm với máy ảnh cùng với những ý tưởng của mình. Tại các buổi thảo luận, trong khi xem các bức ảnh, các học viên kể lại những câu chuyện có liên quan đến các chủ đề được chụp hoặc trao đổi xem làm thế nào để ảnh chụp lột tả được một góc sâu thẳm trong tâm hồn hay thể hiện phần nào cá tính, hoặc làm thế nào để các bức ảnh là tấm gương phản chiếu rõ nét hơn nhân sinh quan của người cầm máy, hay nó là cửa sổ nhìn ra một viễn cảnh mới như chúng ta quan niệm là “cộng đồng”. Trọng tâm là tạo sự tự tin và tăng cường tham gia của những người khuyết tật vào cuộc sống cộng đồng, sử dụng máy ảnh như là một chất xúc tác cho việc điều tra, thăm dò, khám phá và sau đó là sự phản ánh cuộc sống.
Phạm Bùi
Theo baoxaydung.com.vn