Thứ tư 13/11/2024 13:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm

20:08 | 01/06/2022

(Xây dựng) - Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022… Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là giải ngân vốn đầu tư công.

trien khai dau tu cong co trong tam trong diem
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường ngày 1/6.

Linh hoạt cho phép chỉ định thầu

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhận định: Thời gian qua, đầu tư công luôn tồn tại nghịch lý. Đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh nhức nhối không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do các Bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công. Khi được phân bổ từ Trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc dẫn đến chậm trong phân bổ vốn cho dự án. Công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường trước những khó khăn và việc lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực.

Nhấn mạnh hiện nay có nhiều chiêu thức để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu quen biết, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị phải minh bạch trong lựa chọn nhà thầu để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Đại biểu cũng kiến nghị: Đối với các dự án đầu tư công cần linh hoạt cho phép chỉ định thầu, rút ngắn thời gian, lựa chọn nhà thầu có năng lực, có uy tín theo từng dự án.

Đối với quy định trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Quốc hội cần xem xét, sửa hoặc ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2002 của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khơi thông các dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Có đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công để không còn điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng: Đến nay, vốn đầu tư để thực hiện một số dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phân bổ và giải ngân còn chậm, có chương trình phân bổ còn thấp, nhiều khó khăn trong thực hiện đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ phục hồi kinh tế.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm phân bổ vốn đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để các địa phương triển khai thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra; cần phân cấp, phân quyền mạnh cho các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.

Đặc biệt, đại biểu kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được giao tập trung xây dựng dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua; sớm hoàn thiện đường Hồ Chí Minh tạo kết nối, thúc đẩy phát triển nhất là những địa phương có đường cao tốc đi qua…

Không đầu tư công dàn trải

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tập trung thời gian tới, đảm bảo đạt mục tiêu về tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước.

Đại biểu cho rằng cần có biện pháp cụ thể điều chỉnh giá vật tư, vật liệu… để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, bởi giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá vật tư, vật liệu tăng đột biến dẫn đến tình trạng nhiều dự án, công trình sẽ bị giãn tiến độ hoặc ngừng thi công; Có giải pháp kiềm chế tăng giá xăng, dầu ở mức thấp nhất có thể nhằm hạn chế tác động xấu đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân.

Tương tự, Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng cho rằng cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Việc giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội bên cạnh điểm nghẽn về cơ chế chính sách. Hiện nay, nhu cầu vốn cho nền kinh tế khá lớn, nhu cầu phục hồi rất cấp bách, xong việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 còn rất thấp. Đây là vấn đề tồn tại bấy lâu nay mà cử tri và doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm.

Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6 đến 6,5%, kiểm soát lạm phát 4% trong năm 2022, một trong những giải pháp đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị là Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực.

Đối với công tác đầu tư công, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị: Triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải tiếp tục cắt giảm các khoản chi chưa cấp thiết, phối hợp hài hòa, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Chính sách tiền tệ phải theo hướng thận trọng, điều hành lãi suất theo lạm phát cơ bản, lạm phát mục tiêu, ưu tiên dòng vốn tín vụng cho sản xuất kinh doanh, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; Đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ, không để lãi suất tăng cao, cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load