Thứ bảy 07/12/2024 16:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh thực phẩm chức năng, phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích

21:12 | 12/11/2024

(Xây dựng) – Tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực y tế, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung chất vấn với các nhóm vấn đề: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Đáng chú ý, thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích… là những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất.

Xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh thực phẩm chức năng, phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên chất vấn. (Ảnh: Quốc hội)

Quản lý và xử lý các vi phạm liên quan đến kinh doanh thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình về quản lý dược và chính sách thu hút phát triển ngành Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện toàn quốc đã có 180 cơ sở nhập khẩu dược, khoảng trên 5 nghìn cơ sở bán buôn và 65 nghìn cơ sở bán lẻ. Tuy nhiên, để sản xuất thuốc mới và để đảm bảo thu hút đầu tư cho ngành Dược, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, các chính sách trong thời gian qua chưa có gì đặc biệt, và việc ưu tiên cho ngành Dược thực tiễn thời gian qua cũng chưa thu hút được các doanh nghiệp phát triển đầu tư cho ngành Dược.

Vì vậy, thực hiện theo kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ, tại kỳ họp này, Bộ Y tế đã trình Quốc hội và Chính phủ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó có các chính sách thu hút đầu tư, phát triển ngành Dược. Và các chính sách này đã nhận sự quan tâm của đông đảo ĐBQH. Bên cạnh việc tham mưu xây dựng Luật, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp dược cũng như Chương trình phát triển ngành Dược liệu. Hai chương trình này cùng với các chính sách đầu tư ưu đãi trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Hồng Lan tin tưởng rằng, đây sẽ là cơ hội cho ngành Dược phát triển.

Hiện nay trong quy hoạch phát triển ngành Y tế cũng đã đưa ra các vùng quy hoạch để phát triển ưu tiên thu hút đầu tư liên quan tới công nghiệp dược. Vì vậy, Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong muốn các ĐBQH sẽ ủng hộ cho chính sách này khi mà bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Liên quan tới câu hỏi của đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái về các bác sĩ hoặc nhân viên y tế quảng cáo thuốc hoặc thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay quảng cáo liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm đã có đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan tới nội dung này. Và trong Luật Quảng cáo hiện nay đang sửa đổi cũng như các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện đã quy định rất rõ việc sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, y sĩ, của các cơ sở y tế để quảng cáo là không được phép. Bộ Luật Hình sự cũng đã quy định rất rõ các mức độ liên quan tới xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh thực phẩm chức năng, phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn của ĐBQH những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế. (Ảnh: Quốc hội)

Do đó, Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng này các hình ảnh này là sai quy định. Về phía Bộ Y tế đã có văn bản gửi tới tất cả các Sở Y tế cũng như các cơ sở y tế trên toàn quốc để nhắc nhở và đề nghị mỗi cán bộ, nhân viên ngành Y tế không tham gia quảng cáo sai quy định.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk về vấn đề thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng đến nay cơ bản đáp ứng. Chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra, Bộ Luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan đến thực phẩm chức năng…

Tuy nhiên, bên cạnh các quy định về xử phạt về sản xuất, tiêu thụ, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng đã quy định rõ trong Bộ Luật Hình sự thì thời gian qua, vẫn có vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. Bởi sản xuất thực phẩm chức năng, sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận cao và họ lợi dụng, thổi phồng các giá trị của mặt hàng được sản xuất ra để thu lợi…

Để giải quyết các vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện Bộ Y tế đã có trang web của Cục An toàn thực phẩm để cấp giấy chứng nhận để cho các doanh nghiệp sản xuất đúng quy định để các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tra cứu các mặt hàng sản xuất đúng theo quy định. Còn đối với những người vi phạm, Bộ Y tế cũng có cảnh báo như gửi công văn đến đến các Bộ, ngành liên quan để kịp thời xử lý, nhưng trên thực tế quảng cáo trên các trang mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Do đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các doanh nghiệp vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc để làm gương như biện pháp cấm xuất cảnh…

Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích

Trả lời câu hỏi của đại biểu về hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho người dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá với 9 nhóm nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian vừa qua.

Trong các nhóm nhiệm vụ của Quỹ, có nhóm nhiệm vụ về thành lập, tổ chức mạng lưới cai nghiện thuốc lá để thiết lập việc hỗ trợ người dân thực hiện cai nghiện thuốc lá.

Về phía Bộ Y tế, Bộ đã tổ chức được 24 điểm tham gia vào mạng lưới cai nghiện thuốc lá. Đó là các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Trong đó có rất nhiều bệnh viện chuyên khoa có số lượng bệnh nhân lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế… Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức một Trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước về vấn đề này.

Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tác hại đến sức khỏe người dân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh thực phẩm chức năng, phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích
Ảnh minh họa.

Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành Y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, qua lấy ý kiến của các Bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học; đã tổ chức công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử ra công chúng. Các giải pháp này là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về triển khai Công điện 47 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đã hoàn thành báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến và ban hành Nghị quyết.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình tại Kỳ họp thứ 8 đã đề xuất đến nội dung tính thuế đối với thuốc lá mới trong phần tổ chức thực hiện. Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã có 03 văn bản gửi Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bởi trên cơ sở đánh giá của Hiệp hội kinh tế y tế, nếu thu được một đồng thuế liên quan tới các loại thuế này, chúng ta phải mất 5 đồng để giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe của người dân, chưa kể các hệ lụy gây ra đối với sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân…

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Công tác quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội còn gặp khó khăn...

Do đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, các Bộ liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để hiểu đúng khi dùng thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, khẩn trương đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội việc sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghiên cứu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load