Thời gian gần đây tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã tiếp nhận khám và phẫu thuật cho khá nhiều trẻ bị thoát vị bẹn.
Một ca mổ thoát vị bẹn cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Xanh Pôn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Từ 20/6 đến nay, tại bệnh viện đã có tới hơn 20 trẻ được phẫu thuật bằng phương pháp mới, phẫu thuật thoát vị bẹn nội soi 1 lỗ cho trẻ.
Bé trai Nguyễn Ngọc K (ở Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) được sinh ra khi chỉ mới 35 tuần thai, cân nặng 2,5 kg. Hơn một tháng sau, chị Loan - mẹ bé phát hiện mỗi lần bé K rướn vặn mình, hoặc lúc tè, vệ sinh, cháu quấy khóc nhiều hơn…
Có lần, chị Loan thay tã cho con thì thấy con sưng một bên bẹn. Ngày hôm sau, chị phát hiện, bên còn lại cũng bị sưng. Chị dùng tay ấn vào vùng sưng thì có cảm giác cứng. Sau khi bé hết khóc, hoặc không rướn vặn mình nữa, vùng sưng trở về bình thường.
Ngày 27/6, bé K. được mẹ đưa tới Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khám.
Phó giáo sư Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chẩn đoán bé K bị thoát vị bẹn 2 bên, chỉ định cho nhập viện và trong chiều 29/6, bé đã được mổ ngay.
Theo phó giáo sư Sơn, thoát vị bẹn là dị tật do ống bẹn và ống phúc tinh mạc không bịt kín ngay khi trẻ chào đời, biểu hiện bằng một khối phồng tại vùng bẹn-bìu ở trẻ trai và ở gần âm hộ của trẻ gái. Đây là bệnh lý phải phẫu thuật phổ biến nhất ở trẻ.
Có những trẻ biểu hiện bệnh từ rất sớm, ngay từ khi sau sinh, đặc biệt những trẻ như đẻ non, thiếu tháng như trường hợp bé K. Nhưng cũng có những trẻ phải 3-4 tuổi hoặc lớn hơn mới phát hiện bị thoát vị bẹn.
Phó giáo sư Sơn cho hay, trước đây, trẻ thoát vị bẹn thường được mổ muộn vì nhiều người vẫn cho rằng bệnh có thể tự khỏi hoặc trẻ nhỏ không được mổ. Trên thực tế, khi trẻ lớn, nguy cơ bệnh nguy hiểm càng cao hơn. Do đó, chỉ trừ trường hợp trẻ sơ sinh thiếu tháng, non yếu, cân nặng chỉ khoảng dưới 1,5-2kg thì sẽ được cân nhắc phẫu thuật, còn các bé khác kể cả sơ sinh, phát hiện lúc nào phải mổ lúc đó.
Theo các chuyên gia, thoát vị bẹn nếu không được điều trị kịp thời, các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng ở bé gái có thể chui vào ống phúc tinh mạc và bị nghẹt. Còn với trẻ trai, do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép bởi các nội tạng bị nghẹt, ruột ép vào bó mạch tinh hoàn, sẽ gây giảm lượng máu nuôi đến tinh hoàn.
Ở các trẻ có dị tật về thoát vị bẹn, nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến nghẹt ruột, hoại tử ruột rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Theo phó giáo sư Trần Ngọc Sơn, thời gian phẫu thuật cho mỗi ca thoát vị bẹn hai bên chỉ khoảng 45 phút. Sau mổ bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh, có thể ra viện vào ngày hôm sau.
Theo Thùy Giang/Vietnamplus.vn
Theo