(Xây dựng) - Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2017 (VITM), chiều 07/4 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm “Triển khai Nghị quyết 08/NQ-TW đối với các doanh nghiệp du lịch” để thảo luận, kiến nghị Nhà nước ban hành chính sách, giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của ngành du lịch, luôn quan tâm và tạo điều kiện để ngành phát triển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng đã chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế hiệu quả. Trong xu thế chung đó, ngành du lịch cũng đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển nhanh chóng, đang chứng minh là một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành Du lịch.
Theo công bố của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2016, ngành du lịch đã đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm, lần đầu tiên đạt 10 triệu lượt khách quốc tế/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 6,1% và gián tiếp, lan tỏa đạt 14%.
Nhằm định hướng để ngành du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, phát triển mạnh mẽ và vượt bậc trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Nghị quyết khẳng định quan điểm của Đảng trong việc định hướng, tạo mọi điều kiện để ngành du lịch phát triẻn mạnh mẽ.
Buổi tọa đàm là cơ hội để các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch trao đổi, thảo luận, liên hệ các nhận định của Nghị quyết đối với trường hợp cụ thể, cùng nhau thống nhất nhận thức đối với 05 quan điểm mới mà Nghị quyết đã đề ra. Đồng thời, trên cơ sở các mục tiêu chung và 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết 08, các đại biểu tham dự cùng trao đổi, liên hệ, cụ thể hóa thành mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của mình, xác định trách nhiệm trong liên kết, phối hợp để nâng tầm du lịch Việt Nam; thảo luận, kiến nghị Nhà nước ban hành chính sách, giải pháp cụ thể, tạo điều kiện cho ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nghị quyết 08/NQ-TW hướng tới mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực; Thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp; Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Muốn đạt được mục tiêu đó, phải thực hiện 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách trực tiếp liên quan đến phát triển du lịch; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, Nghị quyết 08 ra đời đã đem lại cảm xúc mạnh mẽ cho những người làm du lịch. Đây là điều ngành du lịch đã mong đợi từ lâu và là dấu ấn đặc biệt quan trọng trong lịch sử ngành du lịch Việt Nam. Nghị quyết 08 bao gồm 4 phần, 7 trang, được trình bày súc tích, ngắn gọn nhưng hết sức toàn diện về những vấn đề của du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc thực hiện mục tiêu tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm... như Nghị quyết đề ra đòi hỏi toàn ngành du lịch và doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn. Ông Vũ Thế Bình đặc biệt quan tâm đến yếu tố đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Các doanh nghiệp phải nỗ lực tăng doanh thu nhưng không phải bằng mọi giá mà quan trọng nhất là phải có nhận thức rõ ràng về du lịch, có trách nhiệm, có văn hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Cần nhận thức du lịch đòi hỏi tính liên ngành, liên vùng, do đó cần có sự phối hợp tạo ra chuỗi sản phẩm cũng như bảo đảm lợi ích của cộng đồng dân cư ở các điểm du lịch.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Hiệp hội du lịch các tỉnh thu hút lượng khách du lịch lớn như Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa,.. các tổ chức, doanh nghiệp du lịch đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận, liên hệ các nhận định của Nghị quyết 08 đối với trường hợp cụ thể của đơn vị mình như vấn đề thu hút du lịch tâm linh; vấn đề thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý hay việc ban hành các quyết định phải đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng; vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, nơi lưu trú;....
Theo ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội, Nghị quyết đã chỉ đạo rất cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp hữu ích mà nếu các Bộ, ngành triển khai sớm sẽ là những cú hích lớn cho du lịch phát triển. Với các doanh nghiệp du lịch, bên cạnh sự phấn khởi, tự hào với những chỉ đạo trong Nghị quyết là trách nhiệm vô cùng lớn lao mà Đảng và dân tộc đặt trên vai. Qua đó, ông Nguyễn Quang Lân bày tỏ mong muốn các Bộ, ngành sớm thực hiện hóa các chủ trương, Chỉ thị của Bộ Chính trị, sớm đưa ra những quy định cụ thể để đất nước, để ngành du lịch có đủ điều kiện phát triển như các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Kết luận buổi Tọa đàm, ông Ngô Đông Hải ghi nhận những ý kiến từ Hiệp hội du lịch các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp du lịch đã chia sẻ thực trạng, phân tích, góp ý cho Nghị quyết, giải quyết những trăn trở của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong ngành Du lịch để hiện thực hóa các mục tiêu đưa ngành trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch là vừa ngành dịch vụ vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa Việt Nam. Các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng ngành Du lịch Việt Nam ngày càng tiếp cận gần hơn các chuẩn mực quốc tế, nâng cao vị thế trên thế giới. Ông Hải khẳng định Ban Kinh tế Trung ương sẽ luôn luôn đồng hành cùng các Hiệp hội và doanh nghiệp vì một mục tiêu chung để ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Phương Liên
Theo