Chỉ tính riêng lượng tro, xỉ tích lũy của các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) năm 2016 là 23 triệu tấn và ngày càng tăng mạnh trong tương lai, dự kiến đến năm 2018 là 61 triệu tấn, năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn. Nếu không có các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy xử lý, sử dụng tro, xỉ kịp thời, tình trạng ô nhiễm và nguy cơ đóng cửa các nhà máy do không có đủ bãi chứa là khá cao.
Những bước chuyển biến ban đầu
NMNĐ Vĩnh Tân 2 thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) gồm hai tổ máy, tổng công suất là 1.244 MW, mỗi năm thải ra khoảng 1,3 triệu tấn tro xỉ (khoảng 4.000 tấn/ngày), trong đó khoảng 90% là tro bay, còn lại là xỉ đáy lò. Phó Giám đốc Công ty Vĩnh Tân 2 Thiên Thanh Sơn cho biết, bãi xỉ thải của nhà máy hiện có diện tích khoảng 38,37 ha, khối lượng chứa theo tính toán trong thiết kế là khoảng 9,3 triệu tấn. Với tốc độ thải tro, xỉ như hiện nay của NMNĐ Vĩnh Tân 2, bãi xỉ này có thể đáp ứng trong khoảng bảy năm. Theo quy hoạch đến năm 2018, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ có thêm bốn nhà máy được xây dựng mới với tổng công suất lên đến 5.600MW, nâng lượng tro bay và xỉ than thải ra môi trường mỗi năm lên hơn 7 triệu tấn. Do đó, việc tìm kiếm giải pháp xử lý rốt ráo lượng tro, xỉ khổng lồ này đang là nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với NMNĐ Vĩnh Tân 2 cũng như tỉnh Bình Thuận. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã chủ động tìm kiếm các đối tác có nhu cầu tiêu thụ tro, xỉ. Sau thời gian dài làm việc với các đối tác có tiềm năng, hiện đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư Mãi Xanh tiêu thụ toàn bộ tro, xỉ của nhà máy để sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) với thời gian thực hiện hợp đồng là 28 năm và thời gian thực hiện từ ngày 1-1-2017. NMNĐ Vĩnh Tân 2 sẽ hỗ trợ Công ty Mãi Xanh 10 năm đầu gần như cho không lượng tro xỉ, thải, trong đó ba năm đầu hỗ trợ chi phí, trong 5 năm tiếp theo sẽ giảm dần mức hỗ trợ và hai năm cuối ngừng hỗ trợ. Các năm tiếp theo, công ty mới tính toán việc thu tiền bán tro, xỉ.
Tương tự như vậy, để kiểm soát vấn đề môi trường tại bãi xỉ và tìm hướng xử lý lượng thải đang ngày một dồn ứ, NMNĐ Duyên Hải 1, Trà Vinh cũng đã và đang tích cực triển khai các hoạt động tìm kiếm khả năng tái sử dụng tro xỉ. Theo Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải 1 Âu Nguyễn Đình Thảo, nhà máy đã ký hợp đồng mua bán tro, xỉ với ba doanh nghiệp (DN) về tiêu thụ tro, xỉ của nhà máy với số lượng khoảng 1,6 triệu tấn/năm, đồng thời ký hợp đồng nguyên tắc và các văn bản tương đương với sáu đối tác khác về việc mua bán tro, xỉ và tiếp cận 19 DN, đơn vị để đến lấy mẫu tro, xỉ phục vụ mục đích thử nghiệm. Do vậy, tổng lượng tro, xỉ được tiêu thụ đến tháng 8-2016 của nhà máy đã đạt khoảng 37 nghìn tấn. Hiện nay, mô hình thành công nhất trong việc tiêu thụ tro, xỉ NMNĐ chạy than là giữa NMNĐ Phả Lại và Công ty CP Sông Đà - Cao Cường với công suất 500 nghìn tấn/năm với giá bán là 81 nghìn đồng/tấn tro, xỉ. Việc vận chuyển, tiêu thụ tro, xỉ không phát tán bụi, đồng thời góp thêm những loại sản phẩm mới thân thiện môi trường.
Tiếp tục tháo gỡ rào cản đầu ra
Giám đốc Công ty sản xuất thương mại Nguyễn Trình (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) Nguyễn Văn Trình cho biết, theo kế hoạch ký cùng NMNĐ Duyên Hải 1, công ty sẽ tiêu thụ lượng tro, xỉ khoảng 100 nghìn tấn/năm để làm gạch không nung. Tuy nhiên do yếu tố tâm lý và thói quen của người tiêu dùng cho nên khách hàng chủ yếu là cơ quan nhà nước, chưa có nhiều công trình dân sinh sử dụng loại gạch này. Hơn nữa, công ty chưa nhận được hỗ trợ nào từ phía nhà máy và tỉnh về việc tiêu thụ tro, xỉ cho nên phải tự mày mò phát triển và tình hình tiêu thụ vẫn còn khó khăn.
Xét trên phương diện cơ chế, Viện trưởng VLXD Lương Đức Long cho rằng, hiện nay, cơ chế chính sách đã có, nhưng mới ở tầm vĩ mô, chưa cụ thể chi tiết để cho nhà đầu tư được hưởng lợi nhiều hơn. DN phải được ưu đãi bằng tiền, hay được ưu đãi về thuế, đất đai. Các cơ sở phát thải phải trả một phần phí cho người sử dụng, đầu tư xử lý vật liệu đó. Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục phổ biến kiến thức, cách sử dụng tro bay cho nhà sản xuất, có chế tài để hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên khi đã có phế thải công nghiệp có thể thay thế được… Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới đều coi phế thải công nghiệp là một nguồn nguyên liệu có thể dùng được. Đặc biệt, việc sử dụng xỉ thải làm VLXD đem lại nhiều lợi ích cho DN, được trả thêm tiền nếu tái sử dụng các phế thải. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, cứ dùng một tấn tro bay để tái chế sản xuất bất cứ sản phẩm VLXD nào, DN đều được nhận hơn 30 USD/tấn. Ngoài ra vật liệu tái chế sẽ được dán nhãn xanh, giúp DN dễ bán hàng hơn và được Nhà nước vinh danh.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp xử lý tro xỉ, thạch cao tại các NMNĐ, hóa chất, tuy nhiên thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Lê Thế Ngọc nhận định, trước đây, chủ đầu tư các NMNĐ chạy than, nhà máy phân bón, hóa chất chỉ chú ý đến khâu sản xuất sản phẩm, trong khi phế thải của nhà máy chưa được quan tâm đúng mức. Quyết định 1696 đã “cột” trách nhiệm bên phát thải, phải sơ chế bảo đảm đủ tiêu chuẩn sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Theo quy định, NMNĐ mới đầu tư chỉ được sử dụng bãi chứa chất thải trong vòng hai năm. Các nhà máy được đầu tư trước đó, từ nay đến năm 2020 sẽ phải rà soát lại diện tích sử dụng bãi phế thải thừa và cũng chỉ được sử dụng trong hai năm... Tuy nhiên, lượng tro, xỉ, thạch cao được xử lý và đưa vào sử dụng còn hạn chế, khoảng hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn) so với tổng lượng thải ra hằng năm. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng việc xử lý, sử dụng tro xỉ thạch cao. Trên cơ sở đó xây dựng Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng, sớm trình Chính phủ phê duyệt với nhiều ưu đãi tốt hơn cho các nhà đầu tư, đồng thời siết chặt hơn công tác phát thải và quy định về việc sử dụng phế thải trong các ngành công nghiệp, xây dựng. Nếu được thông qua, đây sẽ là định hướng quan trọng trong phát triển ổn định, bền vững không chỉ đối với các NMNĐ, phân bón mà còn của cả ngành VLXD thân thiện môi trường.
Theo Minh Thành, Việt Hải/Nhandan.com.vn
Theo