Thứ ba 12/11/2024 14:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thúc đẩy mục tiêu Net Zero Carbon năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Vinamilk khởi động dự án trồng cây tại Mê Linh

19:07 | 26/02/2023

(Xây dựng) – Ngày 26/2, tại huyện Mê Linh (Hà Nội), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức trồng cây xanh đầu tiên, khởi động dự án trồng cây hướng tới Net Zero năm đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội.

Thúc đẩy mục tiêu Net Zero Carbon năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Vinamilk khởi động dự án trồng cây tại Mê Linh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động dự án trồng cây hướng tới Net Zero năm đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội trở thành điểm khởi đầu cho hành trình trồng cây trung hòa Carbon hướng đến Net Zero do Vinamilk và Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trong 5 năm từ 2023-2027 với tổng ngân sách 15 tỷ đồng. Đây là dự án nhằm hưởng ứng mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0” mà Chính phủ Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

Tại buổi lễ khởi động diễn ra ở Khu di tích quốc gia Đền thờ Hai Bà Trưng, đại diện Vinamilk và Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng hơn 1.000 cây xanh trưởng thành với giá trị gần 1,5 tỷ đồng trồng tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Các cây trồng được lựa chọn là những cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, kích thước từ 3 – 5m và có thể cao lên đến trên 15m khi trưởng thành. Những cây thân gỗ có quá trình sinh trưởng lâu dài, do đó lượng carbon tích lũy cũng sẽ tăng hàng năm cùng với tuổi thọ của cây; đồng thời còn có tác dụng cải tạo cảnh quan, tạo bóng mát, không khí trong lành cho Thủ đô Hà Nội.

Thúc đẩy mục tiêu Net Zero Carbon năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Vinamilk khởi động dự án trồng cây tại Mê Linh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các đại biểu cùng kéo dải lụa ra mắt trụ đá biểu tượng của dự án trồng cây hướng đến Net Zero tại sự kiện.

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ: Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt của con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Thực tại đáng lo ngại đó đã buộc các quốc gia phải có những hành động mạnh mẽ, cùng đoàn kết để giải quyết những thách thức chung của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26); “Cam kết đi đôi với Hành động” tại COP27; đồng thời Việt Nam là quốc gia điển hình, tích cực hưởng ứng “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái” do Liên hợp quốc phát động…

Trong quá trình thực hiện các cam kết, mục tiêu nói trên, cây và rừng đóng vai trò rất quan trọng: cây có thể lưu giữ và hấp thụ lượng lớn carbon khỏi khí quyển. Theo số liệu trích dẫn của Viện Tài nguyên Thế giới, mỗi năm rừng hấp thụ 7,6 tỷ tấn carbon, nhiều hơn gấp 1,5 lần lượng carbon mà Hoa Kỳ, quốc gia phát thải lớn thứ hai trên thế giới, thải vào khí quyển mỗi năm. Ở nước ta, theo thống kê, độ che phủ rừng đã tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022. Hệ thống cây xanh đã hấp thụ được trên 70 triệu tấn carbon. Đây là bằng chứng sinh động nhất cho thấy, Việt Nam là quốc gia tích cực, tham gia có trách nhiệm để góp phần thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp khởi xướng và tham gia tích cực nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, như: trồng cây, phát triển hệ thống cây xanh, hỗ trợ sinh kế cho người dân; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… các hoạt động này đã đạt hiệu quả và tạo sức lan tỏa trên phạm vi cả nước. Trong đó, Công ty Vinamilk là một trong các đơn vị tích cực triển khai.

Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động của doanh nghiệp đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Báo Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với Công ty Vinamilk xây dựng và triển khai Dự án trồng cây hướng đến Net Zero - với mục tiêu gia tăng độ che phủ của cây xanh và rừng trên cả nước góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu và hấp thụ khí CO2. Đây là sáng kiến thiết thực tạo sự lan tỏa cao trong cộng đồng, chung tay hành động, góp phần hướng đến mục tiêu Net Zero.

Thúc đẩy mục tiêu Net Zero Carbon năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Vinamilk khởi động dự án trồng cây tại Mê Linh
Các đại biểu tham gia trồng cây tại khuôn viên Khu hành chính huyện Mê Linh.

Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn có được nhiều hơn nữa sự quan tâm, phối hợp và đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan quốc tế; cũng như mỗi gia đình và cá nhân tham dự buổi lễ hôm nay để cùng lan tỏa, truyền cảm hứng và tiếp sức cho phong trào trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa; mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng, môi trường, sinh kế, cũng như lan tỏa tình yêu thiên nhiên và hình thành ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng.

“Lựa chọn Hà Nội làm điểm khởi động cho dự án bởi Ban tổ chức kỳ vọng rằng từ Thủ đô, trái tim của đất nước, hành trình trồng cây hướng đến mục tiêu trung hòa carbon sẽ lan tỏa đến nhiều địa phương trên khắp Việt Nam. Bên cạnh đó, Khu di tích quốc gia Đền thờ Hai Bà Trưng chứa đựng những ý nghĩa lịch sử đặc biệt về tình yêu nước, tinh thần bảo vệ Tổ quốc xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử. Trong thời đại hiện nay, hành động chung tay bảo vệ môi trường cũng chính là đang góp phần bảo vệ đất nước trước những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, hướng đến một Việt Nam xanh hơn và bền vững hơn” - Ông Lê Công Thành nhấn mạnh!

Đây là điểm trồng cây đầu tiên được thực hiện ngay sau khi Vinamilk và Báo Tài nguyên và Môi trường ký kết biên bản ghi nhớ vào cuối năm 2022 về việc triển khai “Hoạt động trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero”. Sau Hà Nội, hành trình năm 2023 sẽ được Vinamilk cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu, lập kế hoạch và trồng cây tại các địa phương khác trên cả nước.

Đại diện dự án cho biết thêm, hoạt động trồng cây hướng đến Net Zero sẽ được thực hiện với 4 định hướng trọng yếu gồm: (1) Hợp tác nghiên cứu cùng các chuyên gia, đơn vị tư vấn chuyên môn trong và ngoài nước; (2) Lên kế hoạch chăm sóc, duy trì, bảo vệ để đảm bảo sự sinh trưởng của cây; (3) Đo đạc, thống kê, báo cáo nhằm kiểm kê tính toán hấp thụ khí nhà kính và (4) Thông qua hoạt động, truyền tải thông tin nâng cao nhận thức về Net Zero và lan tỏa tình yêu thiên nhiên, cây xanh đến cộng đồng.

Thúc đẩy mục tiêu Net Zero Carbon năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Vinamilk khởi động dự án trồng cây tại Mê Linh
Các đoàn viên thanh niên hăng hái tham gia trồng cây để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao môi trường sống tại huyện Mê Linh - “cột mốc xanh” đầu tiên của dự án.

Ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc điều hành của Vinamilk phát biểu tại sự kiện: “Vinamilk từng thực hiện rất nhiều dự án trồng cây, trồng rừng. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy điều quan trọng nhất là phải chăm sóc, duy trì được sự sống cho những cây trồng. Do đó, dự án trồng cây hướng đến Net Zero tập trung xây dựng các kế hoạch trồng cây một cách khoa học nhằm duy trì tỷ lệ cây xanh sống và sinh trưởng ở mức cao nhất, không để lãng phí nguồn tài nguyên xanh của tự nhiên”.

“Trồng cây” là một nhóm giải pháp chủ đạo để giúp hấp thụ lượng CO2, gia tăng O2 bền vững, thúc đẩy đạt mục tiêu Net Zero 2050. Những cánh rừng vì vậy đang là biểu tượng cho ý nghĩa, tinh thần, thông điệp xanh của cam kết với mục tiêu Net Zero. Đây cũng là một hoạt động vì môi trường đã được Vinamilk thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua.

Từ năm 2012 đến năm 2020, Vinamilk và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp thực hiện Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng. Chương trình này là một điển hình cho những nỗ lực và hành động vì môi trường, vì cuộc sống và vì tương lai xanh.

“Vinamilk hy vọng những cây xanh được trồng tại Hà Nội hôm nay sẽ là khởi đầu cho hàng ngàn, hàng triệu cây xanh khác, tạo nên những “cánh rừng Net Zero” trong hành trình 5, 10 năm tới và xa hơn nữa nhằm giảm thiểu dấu chân carbon, tiến tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Vinamilk. Không chỉ hướng đến mục tiêu về hấp thụ khí nhà kính đến năm 2050, dự án này đồng thời mang đến nhiều lợi ích khác về cộng đồng, môi trường, sinh kế cũng như lan tỏa tình yêu thiên nhiên và hình thành ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của cộng đồng”, ông Lê Hoàng Minh chia sẻ.

Hiện tại, Vinamilk đã hoàn tất lắp đặt năng lượng mặt trời tại trụ sở chính, hệ thống các trang trại, nhà máy của doanh nghiệp với công suất lắp đặt là 72,55 MWp, góp phần giảm thiểu gần 85.000 tấn CO2, tương đương với việc trồng 4,6 triệu cây xanh. Tỷ lệ năng lượng xanh trong hoạt động sản xuất của Vinamilk đã lên đến 87% trên tổng năng lượng sử dụng. Vinamilk cũng là doanh nghiệp đi đầu về phát triển bền vững tại Việt Nam, được đánh giá là doanh nghiệp quản lý tốt phát thải khí nhà kính, ứng dụng tốt kinh tế tuần hoàn và là doanh nghiệp bền vững tiêu biểu của Việt Nam nhiều năm liền.

Bài và Ảnh: Mộc Miên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load