(Xây dựng) – Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng như: Số lượng tài sản nhiều và nhiều chủng loại cần thẩm định và phê duyệt; cần nhiều thời gian phối hợp các cơ quan liên quan thẩm tra rà soát để thực hiện việc bồi thường theo quy định; Luật Đất đai thay đổi nên chưa ban hành bảng giá đất mới… Thời gian qua, UBND thành phố Thuận An luôn chú trọng, tập trung nhiều giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn để đáp ứng tiến độ đề ra…
Trước nhiều khó khăn, vướng mắc, thành phố Thuận An vẫn nỗ lực đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm. |
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương làm việc với thành phố Thuận An về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 10 tháng năm 2024 và tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm trên địa bàn.
Khó khăn pháp lý cản tiến độ
Báo cáo về tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An cũng cho biết, thành phố đang tiếp tục tập trung nguồn lực để giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng tại các công trình trọng điểm nói trên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thành phố đang gặp một số khó khăn như: Số lượng tài sản nhiều và nhiều chủng loại cần thẩm định và phê duyệt nên mất nhiều thời gian về xác định đơn giá bồi thường tài sản khi Nhà nước thu hồi đất; cần nhiều thời gian phối hợp các cơ quan liên quan thẩm tra rà soát củng cố pháp lý để thực hiện việc bồi thường theo quy định; Luật Đất đai thay đổi nên chưa ban hành bảng giá đất mới, do đó khó khăn trong việc bồi thường;…
Cụ thể, theo ông Nguyễn Thành Tâm, thành phố đang tập trung thực hiện thẩm định phê duyệt các tài sản nằm ngoài đơn giá theo quy định tại Quyết định số 38/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh, nay thay thế bằng Quyết định số 45/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về đơn giá bồi thường tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Quá trình thực hiện, thành phố gặp khó khăn do số lượng tài sản nhiều, nhiều chủng loại cần thẩm định và phê duyệt nên tốn nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, một số hồ sơ pháp lý của các tổ chức, cá nhân không rõ ràng, thiếu chặt chẽ nên cần nhiều thời gian phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm tra rà soát, củng cố pháp lý để thực hiện việc bồi thường theo đúng quy định.
Cùng với đó, chính sách pháp luật có sự thay đổi (Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực) ảnh hưởng đến công tác bồi thường. Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, việc bố trí tái định cư và giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các hộ dân thì tiền sử dụng đất được áp dụng theo đơn giá của bảng giá đất do tỉnh ban hành. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa ban hành bảng giá đất mới, do đó thành phố gặp khó khăn trong việc bồi thường.
Ông Nguyễn Thanh Tâm cũng kiến nghị tỉnh sớm ban hành hoặc điều chỉnh bảng giá đất để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước khi được giao đất tái định cư. Nếu trong thời gian chưa ban hành bảng giá đất mới, cho phép thành phố áp dụng đơn giá đất cụ thể tại các khu tái định cư đã được xây dựng và phê duyệt đơn giá cụ thể.
Vẫn nhiều điểm sáng trong giải ngân
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, thành phố có 04 công trình trọng điểm đang được triển khai gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn đi qua thành phố Thuận An; dự án Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13; dự án bồi thường Quốc lộ 13; dự án Xây dựng khu tái định cư An Thạnh.
Giải phóng mặt bằng và bồi thường tại dự án Quốc lộ 13, đến nay đã hỗ trợ đối với 486 hộ gia đình, cá nhân và 52 tổ chức với số tiền gần 2.742 tỷ đồng (đạt 99%). |
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn đi qua thành phố Thuận An có tổng chiều dài 7,64km, tổng diện tích đất hơn 73ha. Trong đó đất thu hồi có bồi thường gần 50ha, diện tích đất không bồi thường hơn 23ha; số hộ giải tỏa trắng phải bố trí tái định cư là 177 hộ.
Về tiến độ chi trả bồi thường, hỗ trợ, thành phố đã thực hiện 42 đợt, với tổng số tiền 4.172 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã chi 4.035 tỷ đồng, số tiền còn lại đang tiếp tục được thực hiện chi trả. Về tiến độ bàn giao mặt bằng, đến nay thành phố đã bàn giao diện tích hơn 36ha, đạt trên 73% trên tổng số 490 trường hợp. Công tác này sẽ được thành phố thực hiện quyết liệt hơn trong những ngày tới.
Việc giải phóng mặt bằng và bồi thường tại dự án Quốc lộ 13, đến nay đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 486 hộ gia đình, cá nhân và 52 tổ chức với số tiền gần 2.742 tỷ đồng (đạt 99%). Trong đó, đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với 462 hộ gia đình, cá nhân và 30 tổ chức với số tiền 2.541 tỷ đồng; bàn giao mặt bằng đối với 394 hộ gia đình, cá nhân và 38 tổ chức.
Về tiến độ thực hiện di dời lưới điện, ước giải ngân đến ngày 31/01/2025, đoạn 1 (từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố) số tiền 10 tỷ đồng (ứng 30% vốn); đoạn 2 (từ cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị) số tiền gần 29 tỷ đồng, đạt 100%; đoạn 3 (từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong, thành phố Thủ Dầu Một) số tiền gần 37 tỷ đồng, đạt 100%...
Về tiến độ dự án xây dựng khu tái định cư An Thạnh, thành phố đã phê duyệt dự toán và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 61 hộ, cá nhân với số tiền hơn 380 tỷ đồng, đạt 100%. Đã thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với 51 hộ, cá nhân với số tiền gần 349 tỷ đồng (giải ngân đạt 92% so với tổng số tiền đã phê duyệt).
Dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng 364 nền tái định cư và các hạng mục công viên, trường mầm non, khu thương mại… Hiện, thành phố đang thực hiện đấu thầu thi công, dự kiến khởi công dự án trong tháng 12/2024 và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng trong quý IV/2025.
Công Danh
Theo