Thứ hai 06/01/2025 10:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thừa Thiên – Huế: Xây dựng Hương Thủy trở thành đô thị hiện đại, mạnh về kinh tế

17:06 | 03/12/2024

(Xây dựng) - Sau 15 năm được công nhận là đô thị loại IV, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) đã tiếp tục tổ chức lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Dự kiến, đến năm 2030 trở thành quận Hương Thủy theo hướng phát triển đô thị sân bay, khu công nghiệp động lực, trở thành đô thị hiện đại, mạnh về kinh tế.

Thừa Thiên – Huế: Xây dựng Hương Thủy trở thành đô thị hiện đại, mạnh về kinh tế
Xác định Hương Thủy thuộc khu vực trung tâm đô thị Thừa Thiên - Huế, phát triển đô thị sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực.

Lập quy hoạch phân khu, chi tiết để đầu tư hạ tầng

Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết: Năm 2009, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định về việc công nhận thị trấn Phú Bài mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP về việc thành lập thị xã Hương Thủy và thành lập các phường thuộc thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Sau 15 năm được công nhận là đô thị loại IV, thị xã Hương Thủy đã tổ chức lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Công tác quy hoạch phân khu cơ bản hoàn thành và đang trình Sở Xây dựng thẩm định để UBND phê duyệt.

Một số công trình trọng điểm của tỉnh đã được đầu tư xây dựng như: Hoàn thiện và phát triển Khu công nghiệp Phú Bài, với quy mô khoảng 800ha; xây dựng mới Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, công suất phục vụ 5 triệu hành khách mỗi năm (trong đó, 4 triệu khách nội địa), bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm; nhà máy điện rác gần 1.700 tỷ đồng, quy mô diện tích 11ha, có thể xử lý 600 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, tạo ra 12MW/h); dự án Khu quần thể sân golf Huế, công trình hỏa táng Phúc Lạc Viên…

Theo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định Hương Thủy thuộc khu vực trung tâm đô thị Thừa Thiên - Huế, phát triển đô thị sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực; trung tâm phát triển công nghiệp, vận tải, logistics...

Theo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến đơn vị hành chính đô thị từ nay đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 quận (chia tách thành phố Huế thành 2 quận, phía Bắc sông Hương (quận Phú Xuân) và phía Nam sông Hương (quận Thuận Hoá), 3 thị xã (thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thành lập thị xã Phong Điền), 4 huyện (huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền, huyện A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).

Trong đó, thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô. Thị xã Hương Thủy được định hướng phát triển một số công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối cấp vùng phục vụ cho khu vực đô thị trung tâm.

Dự kiến, đến năm 2030 trở thành quận Hương Thủy

Giai đoạn đến năm 2030, Hương Thủy dự kiến phát triển thành quận của đô thị trực thuộc Trung ương. Khu vực dự kiến thành lập quận Hương Thủy, với diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2045 khoảng 5.800ha. Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 170 - 190 nghìn người. Xây dựng mới trung tâm hành chính cấp quận cho Hương Thủy; cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu dọc theo Quốc lộ 1, bổ sung dịch vụ công cộng, tiện ích; phát triển mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài kết hợp đô thị dịch vụ phụ trợ sân bay; thu hút đầu tư cho Khu công nghiệp Phú Bài, các cụm công nghiệp và các điểm dịch vụ; hình thành chuỗi khu đô thị mới Thủy Thanh, Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu theo mô hình đô thị đảo để dành các hành lang cho thoát nước; hình thành khu vực du lịch, dịch vụ gắn với các cụm sân golf ở phía Tây.

Thừa Thiên – Huế: Xây dựng Hương Thủy trở thành đô thị hiện đại, mạnh về kinh tế
Tuyến Quốc lộ 1 qua thị xã Hương Thủy đã được lát vỉa hè, lắp hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh, chỉnh trang đường phố khang trang.

Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết: Thị xã đang tập trung đầu tư các trục đường giao thông, triển khai cải tạo chỉnh trang hạ tầng khu vực trung tâm đô thị và phát triển các khu dân cư mới. Kêu gọi đầu tư một số khu đô thị như: Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn, khu đô thị cảng hàng không quốc tế Phú Bài, khu đô thị hồ Châu Sơn… góp phần giãn dân đô thị trung tâm. Tập trung cải tạo, sửa chữa nhiều công trình di tích lịch sử, di tích kiến trúc như: Khôi phục khu di tích cách mạng Lùm Chánh Đông, cải tạo khu vực Cầu Ngói Thanh Toàn,…

Hàng loạt các dự án khu dân cư mới, khu đô thị mới, công trình, dự án lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ như: Các dự án ở khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương; Khu dân cư Thủy Thanh; Khu dân cư Thủy Dương; Khu dân cư liền kề khu đô thị mới CIC8… góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Hệ thống mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, Quốc lộ 1 ngang qua trục chính đô thị dài 6,2km, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 6,9km. Các tuyến tỉnh đều được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt cấp đường từ cấp VI và V đồng bằng, có năng lực lưu thông cao, phục vụ tốt hoạt động vận tải trên địa bàn. Hạ tầng đô thị tại thị xã Hương Thủy đã được cải thiện đáng kể. Tuyến Quốc lộ 1 qua thị xã đã được lát vỉa hè, lắp hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh, chỉnh trang đường phố. Các đầu mối kết nối giao thông được nâng cấp, mở rộng. Tuyến đường Trưng Nữ Vương là trục giao thông chính của khu vực, tuyến chạy qua trung tâm thị xã đi sân bay Phú Bài và thành phố Huế.

Khi dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, có tổng chiều dài khoảng 9,59km, với tổng mức đầu tư 1.143 tỷ đồng hoàn thành sẽ kết nối giữa Khu đô thị mới An Vân Dương và nút giao đường Thuận Hóa với Quốc lộ 1 (thị xã Hương Thuỷ). Các tuyến đường trên địa bàn thị xã đáp ứng được nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân trong khu vực. Trong tương lai, các tuyến đường trên địa bàn thị xã cần nâng cấp mở rộng mặt cắt và điều chỉnh hướng tuyến để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị của thị xã.

Quy chế quản lý kiến trúc đô thị hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị 100% các phường trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã thực hiện tốt quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có văn bản công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị loại IV đối với thị xã Hương Thủy (gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 5 phường: Phú Bài, Thủy Châu, Thủy Dương, Thủy Lương, Thủy Phương và 5 xã: Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Thanh) trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load