(Xây dựng) - Ngày 25/3, tại thành phố Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V và Đại học Huế đã đăng cai chương trình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V. |
Tham dự và chỉ đạo Ngày hội khởi nghiệp có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo và hàng nghìn học sinh, sinh viên từ 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp
Phát biểu khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tôi rất xúc động, phấn khởi khi thấy các cháu học sinh, sinh viên tràn đầy khí thể, thể hiện khát vọng của mình trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại hội trường này cũng như trên khắp đất nước ta. Khát vọng là động lực, là hoài bão thôi thúc chúng ta tiến lên, chinh phục ước mơ; là sự mong mỏi thiết tha hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội. Khát vọng, dù lớn lao hay nhỏ bé, bình dị hay sôi động, sâu sắc hay rộng mở đều rất đáng trân trọng, rất đáng khích lệ, là ngọn đèn soi sáng trên con đường gập ghềnh của cuộc sống để đi đến tương lai, đi đến thành công. Khát vọng khởi nghiệp cũng vậy!”.
Hôm nay, tại Thừa Thiên - Huế vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, truyền thống cách mạng, nơi góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; và trong không khí sôi động đầy nhiệt huyết của Tháng Thanh niên, kỉ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 48 năm ngày giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng ta cùng nhau tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V. Đây là sự kiện quan trọng nhằm truyền cảm hứng, tạo động lực, thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V. |
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức hằng năm thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học, chia sẻ giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên là hoạt động thường niên được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức nhằm chung tay thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Hoạt động có ý nghĩa nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao. Tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn, cũng như ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đã quan tâm, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Sau 4 lần tổ chức, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ các bạn học sinh, sinh viên, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử; hơn 40 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn truyền cảm hứng; Ngày hội nhận được sự hưởng ứng của 63/63 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước, hơn 200 trường đại học, hơn 150 đơn vị thông tấn báo chí, hơn 50 doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ đồng hành. Đặc biệt, tỉ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp sau 5 năm được duy trì ở mức cao trên 7% năm.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đánh giá cao Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên trong công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp và hoạt động hướng nghiệp, kết nối doanh nghiệp trong những năm vừa qua và bày tỏ sự tin tưởng vào thành công.
“Ngành Giáo dục sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển năng lực cho học sinh từ phổ thông để học sinh có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp, sẽ tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng cho sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, phối hợp các bộ ngành, thực hiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp, tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ.
Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường niên từ năm 2018. Cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 12 – 24 tuổi đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học, học viện, các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên cả nước.
Năm nay, cuộc thi được phát động từ tháng 11/2022 và đã nhận được 508 dự án thuộc 5 lĩnh vực như: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; kinh doanh tạo tác động xã hội. Tổng giá trị giải thưởng lên tới 710 triệu đồng. Ban tổ chức đã chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi. Vòng chung kết gồm hai chặng: Chặng 1, ban giám khảo đánh giá trực tiếp tại gian hàng trưng bày dự án, ý tưởng của học sinh, sinh viên tại ngày hội. Chặng 2, căn cứ trên điểm số sau chặng đầu tiên, mỗi lĩnh vực sẽ có 3 dự án tiêu biểu được tham gia thuyết trình để có cơ hội giành chiến thắng chung cuộc. Sau khi cuộc thi kết thúc, các dự án tiềm năng của khối sinh viên có thể được các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ chuyển giao cho cộng đồng.
Kết nối để khởi nghiệp
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2023 là điểm khởi đầu và nơi kết nối giữa nhà trường, các đơn vị đào tạo khởi nghiệp, doanh nghiệp, các quỹ khởi nghiệp với học sinh, sinh viên, thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công của các bạn trẻ. Từ giữa tháng 02/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động giao lưu truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục thông qua chuỗi diễn đàn “Hành trình học sinh, sinh viên khởi nghiệp” nhằm tạo động lực, thúc đẩy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Chuỗi diễn đàn sẽ được tổ chức liên tục đến hết năm 2023 với sự tham gia của 30 Sở Giáo dục và Đào tạo, học viện, trường đại học, trên cả nước.
Các đại biểu bấm nút khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V, năm 2023. |
Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2023, diễn đàn “Kết nối mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng” và Hội thảo “Đánh giá thực trạng, giải pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông” là cơ hội để các cán bộ, giáo viên, giảng viên phụ trách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp được giao lưu, trao đổi và học hỏi với các diễn giả, chuyên gia từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ đó thấu hiểu hơn về tinh thần khởi nghiệp, được hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng để góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong Ngành Giáo dục phát triển hơn.
Ngày hội khởi nghiệp cũng là cơ hội để các đơn vị đào tạo nhìn lại, thúc đẩy sự thay đổi trong vấn đề dạy và học, đặc biệt ở bậc giáo dục đại học, áp dụng các thành tựu nghiên cứu và chuyên môn để nhanh chóng bắt kịp với xu thế mới. Tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, truyền ngọn lửa đam mê, tạo nền tảng vững vàng cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó, phát triển năng lực, phẩm chất của bản thân, tự tin tạo ra sự đột phá, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh: Ngày hội khởi nghiệp quốc gia dịp để các em học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên khắp cả nước có cơ hội được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học. Sự kiện giúp cho cán bộ, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên tỉnh Thừa Thiên - Huế có cơ hội tiếp cận, học hỏi, tạo động lực để phát triển phong trào khởi nghiệp góp phần hoàn thành mục tiêu đề án Cố đô khởi nghiệp đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt.
Trí Đức
Theo