Thứ năm 12/12/2024 12:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thừa Thiên – Huế: Dự báo mưa lớn 350mm, cảnh báo nguy cơ ngập lụt và sạt lở

11:41 | 21/10/2024

(Xây dựng) - Ngày 21/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vừa phát đi thông tin cảnh báo khả năng xảy ra mưa với cường độ lớn tập trung trong ngày 21-23/10, lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100 - 250mm, có nơi trên 350mm.

Thừa Thiên – Huế: Dự báo mưa lớn 350mm, cảnh báo nguy cơ ngập lụt và sạt lở
Mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền... và có nguy cơ gây ngập úng đô thị.

Theo Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ đêm 20/10 đến ngày 24/10, trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to và dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-250mm, có nơi trên 350mm, mưa với cường độ lớn nhất tập trung trong ngày 21-23/10.

Mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà... Đợt mưa này còn có nguy cơ gây ngập úng đô thị và những nơi có hệ thống thoát nước kém ở một số huyện, thị xã và thành phố Huế.

Tại huyện Nam Đông, nguy cơ cao trượt lở đất đá, mái taluy tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan nhất là đoạn qua xã Hương Phú, Hương Lộc, thị trấn Khe Tre, chú ý các cung đường đèo dốc, lưu ý các đoạn đã xuất hiện trượt lở trước đây.

Ở huyện A Lưới, nguy cơ rất cao các điểm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Tru Pỉ (xã Hồng Thủy), khu vực UBND xã Quảng Nhâm (UBND xã Hồng Quảng cũ), đoạn qua các xã Lâm Đớt, A Roàng, Hương Nguyên hướng đi vào tỉnh Quảng Nam, khu vực Đồn Biên phòng Hương Nguyên và Hạt Kiểm lâm); dọc Quốc lộ 49A qua các xã: Phú Vinh (Đèo A Co), Hương Nguyên, Hồng Hạ...

Huyện Phong Điền, nguy cơ sạt lở rất cao dọc tuyến Đường 71 từ Phong Xuân đi đến các công trình Thủy điện: Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1. Nguy cơ cao sạt lở dọc tuyến Tỉnh lộ 17 (thị trấn Phong Điền đi Phong Mỹ).

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Căn cứ vị trí cảnh báo, các địa phương, đơn vị khẩn trương bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven đồi núi, ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu, địa bàn dễ bị chia cắt. Tổ chức lực lượng triển khai kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo ở các ngầm, tràn, đoạn ngập sâu, nước chảy xiết, đoạn bờ sạt lở. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Trong quá trình triển khai cần đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn cho các lực lượng làm nhiệm vụ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị đang thi công trình giao thông, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh: Cần thường xuyên kiểm tra công tác an toàn, phòng chống lũ lụt, đề phòng gió lốc, ngập úng, sạt trượt gây mất an toàn cho người và tránh thiệt hại máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu thi công. Bố trí vật tư, thiết bị, lực lượng và chỉ huy tại chỗ để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt, các công trình cầu qua cửa Thuận An, cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương, đê kè ven sông suối, đầm phá ven biển... phải có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên, người lao động, rút toàn bộ công nhân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Bảo vệ phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; Bố trí biển cảnh báo hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.

Các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão lũ để triển khai các biện pháp cấm tất cả mọi phương tiện và người lưu thông qua các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao đến rất cao và các khu vực ngầm, tràn, cầu cống nước chảy xiết, các tuyến đường ngập lụt; đặt biển cảnh báo và bố trí lực lượng cảnh giới cho người và phương tiện; sẵn sàng di dời, sơ tán dân tại các vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Các chủ đập, đơn vị quản lý khai thác, các chủ đầu tư công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh: Tiếp tục kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở ven hồ; thượng, hạ lưu công trình đầu mối gồm: Đập dâng, đập phụ, đập tràn, cống xả sâu, tuynel, tuyến đường ống áp lực, nhà máy thủy điện, trạm biến áp, trạm điện dự phòng, khu quản lý điều hành; kho bãi, lán trại của công nhân vận hành, thi công. Đề phòng đất đá sạt lở bờ hồ, vai đập gây sóng lũ và làm nước hồ dâng cao đột ngột gây sự cố công trình. Đề phòng hiện tượng sạt lở bờ sông phía hạ lưu đập tràn, tuynel, cửa xả trạm thủy điện làm hạn chế thoát lũ và đe dọa đến vận hành an toàn công trình.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load