(Xây dựng) - Sáng 18/6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành liên quan phối hợp tổ chức Lễ khởi công xây dựng dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và hai cao tốc trọng điểm, gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dưới hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương tham gia Lễ khởi công xây dựng dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. |
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, điểm cầu chính được đặt tại đường 9A, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn và Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng đến tham dự buổi lễ tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, các đơn vị của các tỉnh, thành phố và Bộ GTVT đã hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo đủ điều kiện tổ chức khởi công đồng loạt 3 dự án ngày hôm nay. Tuy nhiên kết quả này chỉ là thành công ban đầu và nhiệm vụ tiếp theo còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Để hoàn thành các dự án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và không để lãng phí, tiêu cực, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung, quyết liệt tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc. |
Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, tiến độ bàn giao mặt bằng quyết định đến tiến độ và hiệu quả của các dự án, đặc biệt dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và dự án Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ đi qua khu vực đông dân cư và khu đô thị có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Do đó, ông Lê Anh Tuấn đề nghị các địa phương chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo đúng thẩm quyền, chỉ báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền, tránh các hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Đồng thời, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, phù hợp điều kiện thực tế, thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của Dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Để công trình được hoàn thành đảm bảo chất lượng và đáp ứng tiến độ, với vai trò là Bộ quản lý ngành, là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, Bộ GTVT cam kết sẽ hỗ trợ tối đa và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra cùng các địa phương, chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn và các nhà thầu để thực hiện dự án với chất lượng tốt nhất, đúng tiến độ. Bộ GTVT cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, phối hợp với Bộ GTVT, hỗ trợ hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: “Sự kiện khởi công ngày hôm nay đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình triển khai dự án là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo các địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ của người dân trong quá trình triển khai dự án".
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, sự kiện khởi công ngày hôm nay đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình triển khai dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. |
Theo ông Mãi, công tác thẩm định, phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án thiết kế kỹ thuật được thực hiện khoa học, bài bản đúng quy định với nhiều cách làm mới, sáng tạo; đáp ứng yêu cầu tiến độ theo kế hoạch đề ra rút ngắn khoảng 1 năm so với mức trung bình 2 năm so với cách triển khai thông thường. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các bước tiếp theo.
Công tác bồi thường tái định cư triển khai nhanh, hiệu quả trở thành dự án kiểu mẫu với quyết tâm, nỗ lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Đây là yếu tố then chốt giúp dự án có thể khởi công đúng như kỳ vọng.
Cũng theo ông Mãi, với khối lượng công việc thời gian tới là rất lớn và nhiều thách thức yêu cầu đặt ra của Quốc hội, Chính phủ phải thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2026 (Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc). Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
"Chúng tôi xin hứa với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội sẽ quyết tâm, đoàn kết, thống nhất tập trung sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả không để xảy ra tiêu cực, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và mong mỏi của người dân trong vùng", ông Mãi nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước cảm ơn tình cảm, trách nhiệm của người dân đã nhường đất, nhà ở nơi sinh kế để thực hiện dự án. Kết quả lễ khởi công hôm nay rất đáng trân trọng, nhưng thời gian tới còn nhiều việc phải làm trong việc giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, tái định cư, thi công khối lượng rất lớn phải chịu nhiều tác động của thời tiết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước cảm ơn tình cảm, trách nhiệm của người dân đã nhường đất, nhà ở nơi sinh kế để thực hiện dự án. |
Để công việc hoàn thành đúng tiến, độ chất lượng, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tập trung quyết kiệt chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu phát huy tinh thần cao nhất xây dựng kế hoạch khoa học chi tiết đảm bảo tiến độ, chất lượng trong tổ chức thi công đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Đồng thời, phát huy động máy móc nhân lực thi công, tuân thủ các quy định và không để xảy ra tiêu cực tham nhũng rút kinh nghiệm những bất cập triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước và tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được.
Bên cạnh đó, các nhà tư vấn phải tăng cường và nâng cao trách nhiệm thường xuyên kiểm tra chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn của dự án. Các bộ, ngành liên quan cùng phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi vượt qua khó khăn, thách thức để bắt tay ngay vào triển khai sau lễ khởi công để đảm bảo chất lượng hiệu qủa công trình.
“Tôi rất vui mừng tham dự lễ khởi công 3 dự án với tổng vốn đầu tư 3 dự án 15,5 nghìn tỷ, đây là chuỗi dự án trọng điểm được khởi công của ngành giao thông trong tháng 6. Tôi biểu dương và khích lệ các Bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đã nổ lực trong việc giải phóng mặt bằng, sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ đã mang lại hiệu quả để nỗ lực khởi công 3 dự án và đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2025”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQCP ngày 15/8/2022 để triển khai thực hiện. Theo đó, dự án có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh (47,35km), các tỉnh: Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km); được phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm: 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh/thành phố. Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh: 08 làn xe cao tốc, cấp đường ôtô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ôtô đô thị 60 km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ: 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 02 - 03 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư: 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng Ngân sách Trung ương và Ngân sách các địa phương; tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5km. Dự án được đầu tư đoạn Km 0+000 - Km7+700 (nút giao cao tốc Bắc - Nam) quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m; Đoạn Km7+700 - Km117+500 (cuối tuyến) quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế, mặt cắt ngang 17m. Tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (Km 0+000 - Km32+000) chiều dài khoảng 32km do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản, mức đầu tư là 5.632 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km 69+500) với chiều dài khoảng 37,5km do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 9.818 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km 117+866) với chiều dài khoảng 48,5km do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư hơn 6.485 tỷ đồng. Dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu có chiều dài 53,7km được chia làm 3 dự án thành phần, gồm: dự án thành phần 1 dài 16km do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 dài 18,2km qua tỉnh Đồng Nai do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 3 dài 19,5 km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 17.837 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công. Theo tiến độ yêu cầu, dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026. |
Thiên Nam – Cao Cường
Theo