Chủ nhật 01/09/2024 07:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về dịch vụ công trực tuyến

10:07 | 31/08/2024

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được trong Chuyển đổi Số Quốc gia nói chung, đặc biệt về triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về dịch vụ công trực tuyến
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi Số chủ trì Hội nghị chuyên đề về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu chính ở thành phố Đà Nẵng kết nối với đầu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Chủ tịch, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ.

Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, Chuyển đổi Số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Chuyển đổi Số là trọng tâm của việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chuyển đổi Số diễn ra và liên quan tất cả các hoạt động kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng. Chuyển đổi số không chỉ của mỗi quốc gia, mỗi ngành, mỗi người mà là vấn đề toàn cầu, toàn diện, toàn dân.

Chuyển đổi Số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước ta, là công việc được đặc biệt quan tâm, thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, trên cả các trụ cột là Chính phủ Số, Kinh tế Số, Xã hội Số và Công dân Số.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều chiến lược, kế hoạch hành động, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ Số, Kinh tế Số, Xã hội Số và Công dân Số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Chuyển đổi Số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông, các bà, hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người.”

Tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội. Nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng.

Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn đánh giá, tư duy, nhận thức và hành động có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho Chuyển đổi Số, nâng cao chất lượng phục vụ trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với đó, thể chế số, hạ tầng số, hạ tầng điện, nền tảng số, ứng dụng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhân lực số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, mới chỉ 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến toàn trình...

Chỉ rõ các thách thức lớn về: đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến; số hóa một lượng lớn thông tin giấy tờ; kết nối, chia sẻ, đồng bộ hóa lượng lớn cơ sở dữ liệu, dịch vụ công do các bộ, ngành, địa phương quản lý trong tổng thể nền hành chính công quốc gia và giữa thông tin trong nước với khu vực, quốc tế; thể chế hóa, đảm bảo tính pháp lý và sử dụng rộng rãi các kết quả điện tử từ dịch vụ công trực tuyến...

Thủ tướng cũng cho rằng, nguồn lực Nhà nước có hạn, trong khi Chuyển đổi Số phải phát triển đồng thời các nền tảng quan trọng; phát triển sản phẩm công nghệ số Việt Nam trước hết phải phục vụ tốt nhu cầu của người Việt Nam, rồi vươn ra khu vực và thế giới; Chuyển đổi Số càng nhanh, người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến càng nhiều đòi hỏi bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin càng cao; đồng thời xây dựng và phát triển văn hóa số của người Việt Nam…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được trong Chuyển đổi Số Quốc gia nói chung, đặc biệt về triển khai dịch vụ công trực tuyến; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tham khảo, nhân rộng; thẳng thắn nhìn nhận những thách thức, tồn tại, bất cập, nhất là những điểm nghẽn; chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để hướng tới chuyển đổi số, thực hiện thủ tục hành chính 4 không: không giấy tờ, không tiếp xúc nếu pháp luật không yêu cầu, không tiền mặt, không để ai bị bỏ lại phía sau./.

Theo Phạm Tiếp/(TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load