Chủ nhật 06/10/2024 05:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ

13:25 | 18/07/2023

(Xây dựng) – Sáng nay (18/7), tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị công bố Quyết định thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng Chính phủ sẽ là Chủ tịch hội đồng.

Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ
Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ.

Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ.

Thủ tướng Chính phủ sẽ là Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng, Phó Chủ tịch Thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, Hội đồng điều phối vùng còn có 4 Phó Chủ tịch, bao gồm: Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các Ủy viên gồm có Thứ trưởng và tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng.

Hội đồng điều phối vùng tập trung thực hiện 11 nội dung. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, quan trọng của vùng.

Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ
Thủ tướng nêu rõ, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là một trong 4 hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Đây là một hình thức tổ chức mới được thực hiện theo chủ trương của Đảng, nhất là với yêu cầu tăng cường điều phối và đẩy mạnh liên kết vùng.

Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng.

Phối hợp với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng. Điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistic, dịch vụ chất lượng cao (Trung tâm tài chính, trung tâm logistic vùng), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội liên minh, liên minh hợp tác xã của toàn vùng.

Quyết định sử dụng nguồn lực tài chính, nguồn lực khác được giao để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng vùng. Ngoài ra, các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm, trăn trở với việc triển khai đường lối Đại hội XIII của Đảng về 6 vùng kinh tế - xã hội. Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về 6 vùng kinh tế - xã hội và Chính phủ đã ban hành chương trình hành động triển khai các nghị quyết này.

Riêng với vùng Đông Nam Bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Chỉ một tháng sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 và đang tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, với vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: "Tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Nghiên cứu xây dựng, thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng và với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ. Tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các đối tác, các nước trong khu vực và các định chế quốc tế khác, nhằm thu hút nguồn lực vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của vùng".

Thủ tướng nêu rõ, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là một trong 4 hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Đây là một hình thức tổ chức mới được thực hiện theo chủ trương của Đảng, nhất là với yêu cầu tăng cường điều phối và đẩy mạnh liên kết vùng. Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nhằm phối hợp triển khai thực hiện các định hướng của vùng đã được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua, là dấu mốc quan trọng trong chuỗi các chương trình cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Đánh giá cao các ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Hội đồng tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện kế hoạch triển khai các hoạt động của Hội đồng trong 6 tháng cuối năm 2023 và các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hội đồng cần hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất; tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược, đồng thời tập trung xử lý 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng: Ách tắc giao thông, vấn đề môi trường, vấn đề nhà ở.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng cần đồng bộ với hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cũng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Tinh thần là lấy Thành phố Hồ Chí Minh,làm đầu tàu, làm mẫu cho cả vùng và cả nước.

Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ
Hội nghị diễn ra sáng 18/7.

Hội nghị đã thống nhất cao về các hoạt động trọng tâm của Hội đồng điều phối, Thủ tướng nhấn mạnh thêm, các đồng chí Bí thư, các đồng chí thành viên Hội đồng vùng cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lưu ý các thỏa thuận liên kết giữa các chính quyền địa phương trong vùng phải thực chất, hiệu quả không hình thức.

Thứ hai, về điều phối, các thành viên Hội đồng cần tích cực đóng góp ý kiến, phát huy vai trò điều phối của Hội đồng vùng trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia. Các địa phương sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng cho biết ông và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, và quy hoạch vùng để hình thành được sự kết nối về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kết cấu hạ tầng tạo không gian kinh tế thống nhất giữa các địa phương trong vùng.

Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch phải có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn; phải chỉ ra và phát huy được các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hạn chế, hóa giải các khó khăn, tồn tại, thách thức.

Thứ ba, chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng. Vừa qua, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tích cực làm việc đề ra nhiều chính sách đột phá, vượt trội cho Thành phố. Đối với vùng Đông Nam Bộ, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, để đề xuất các chính sách đột phá, phù hợp với vị trí, vai trò quan trọng của vùng. Cơ chế đột phá, đặc thù cần đi liền chính sách ưu tiên, trên tinh thần nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Thứ tư, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng. Đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng điều phối vùng nhằm phát hiện kịp thời các vướng mắc có tính chất liên tỉnh, thành phố. Đặc biệt là các địa phương phải đoàn kết, đồng lòng phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố, không thực hiện manh mún, cạnh tranh và hạn chế lẫn nhau.

Thứ năm, về điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao (trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ, đây là nhiệm vụ đặc trưng nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, khác biệt so với các vùng khác. Đông Nam Bộ là vùng công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của cả nước, đề nghị các đồng chí thành viên Hội đồng vùng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong vùng nghiên cứu các cơ chế, chính sách và có các hoạt động điều phối, liên kết cụ thể.

Thứ sáu, nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết, có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động liên kết. Thủ tướng lưu ý, đầu tư công cần đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư. Huy động đa dạng các nguồn vốn như vay các quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu…

Về một số nhiệm vụ cụ thể để Hội đồng điều phối vùng hoạt động hiệu quả, thiết thực, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Phó Chủ tịch, các đồng chí Ủy viên Hội đồng điều phối vùng bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng để đề ra kế hoạch hành động và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Thủ tướng cơ bản thống nhất với dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện có chất lượng các nhiệm vụ đã đề ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện bản Kế hoạch, trình Chủ tịch Hội đồng vùng sớm ban hành.

Về quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, Thủ tướng giao các đồng chí trong Hội đồng điều phối vùng khẩn trương đôn đốc, có ý kiến góp ý và hoàn thiện các thủ tục liên quan nhằm sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch liên quan đến vùng, làm cơ sở để điều phối các hoạt động liên kết vùng.

Về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới, nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách về điều phối, phát triển liên kết vùng. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, cố gắng hoàn thành trong quý III/2023.

Các bộ, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ máy Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh với tổ chức, biên chế gọn nhẹ, sử dụng bộ máy, nhân lực đang có và giao việc cụ thể, bảo đảm các tổ điều phối bắt tay ngay vào các nhiệm vụ liên quan đến điều phối và liên kết vùng. Công tác tham mưu của Tổ điều phối của các bộ, ngành, các địa phương cần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng hay, cách làm mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.

Các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được phân công, hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất, báo cáo kết quả theo quy định.

Với khí thế mới, cách tổ chức mới, Thủ tướng tin tưởng rằng, bằng sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức đồng lòng và nỗ lực cao của các bộ, ngành, các địa phương; sự góp sức của các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các đối tác liên quan; phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hoá, tinh thần tự lực, tự cường của "Miền Đông gian lao mà anh dũng", Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, góp phần đưa vùng phát triển thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh,.

Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 50km, Cần Giờ là huyện duy nhất của Thành phố giáp biển với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch.

Từ ga tàu cao tốc Bạch Đằng tại quận 1, Thủ tướng và đoàn công tác di chuyển bằng tàu thủy trên khoảng 60 km đường sông về cửa biển Cần Giờ. Tại cuộc làm việc sau đó tại trụ sở UBND huyện Cần Giờ, Thủ tướng nêu rõ, việc khảo sát nhằm phục vụ triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh,.

Thủ tướng giao Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh công tác xây dựng quy hoạch Thành phố gắn với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và bổ sung quy hoạch Cần Giờ theo hướng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược cho Thành phố Hồ Chí Minh, và cả khu vực; quan tâm công tác bảo vệ môi trường; chú trọng giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp; sử dụng, khai thác tối đa không gian ngầm trong lòng đất trong khu vực. Quy hoạch Cần Giờ cần tính tới hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, các dự án dân cư, du lịch, lấn biển…

Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Thủ tướng lưu ý khi triển khai quy hoạch mới cần quan tâm việc sắp xếp, bố trí dân cư, hạ tầng xã hội cho Cần Giờ và tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân ở mức cao hơn hiện nay. Các nhà đầu tư đã có các dự án cần bám sát quy hoạch mới để điều chỉnh phù hợp, tiếp tục triển khai.

Liên quan tới dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng yêu cầu Thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, làm việc với các nhà đầu tư để thúc đẩy triển khai.

Theo Thủ tướng, cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, không cạnh tranh với Cái Mép -Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh.

Thủ tướng lưu ý làm tốt công tác truyền thông về các chương trình, đề án, dự án phát triển Cần Giờ trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh Cần Giờ có tiềm năng rất lớn, tinh thần là phải đổi mới tư duy, hành động nhanh, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, triển khai các công việc theo hướng "vừa chạy vừa xếp hàng", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nâng sự phát triển của Cần Giờ lên tầm cao mới, góp phần vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, và khu vực.

Thủ tướng tin tưởng, với tư duy mới, động lực mới, cách tiếp cận mới, huy động nguồn lực qua hợp tác công tư, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt, chúng ta sẽ biến Cần Giờ giàu tiềm năng thành một đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của Thành phố Hồ Chí Minh, và cả vùng Đông Nam Bộ. "Chú trọng phát triển hạ tầng trước, phát triển thuận thiên, theo hướng thành phố trong rừng, rừng trong thành phố", Thủ tướng lưu ý.

Thành Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load