Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật dân tộc luôn là nỗi đau đáu của những người đã và đang gắn bó với nghệ thuật truyền thống, thường là những người đứng tuổi. Thì nay, nỗi đau đáu ấy hình thành trong thế hệ 9X với dự án cộng đồng "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" nhằm lôi cuốn nhiều bạn trẻ tìm hiểu, trải nghiệm, yêu chèo thông qua các hoạt động tương tác với phong cách rất "trẻ" thì thật đáng quý.
Dự án xuất phát từ ý tưởng "Mang chèo dân gian đến gần hơn với giới trẻ" được giải nhất cuộc thi "Ý tưởng Tôi 20" do tổ chức xã hội "Tôi 20" tổ chức. Đó là một băn khoăn rất đáng trân trọng: Tại sao giới trẻ Việt Nam cứ mải miết theo đuổi những trào lưu du nhập từ nước ngoài mà vô tình quên đi nhiều giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc? Hậu quả là nhiều môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo, đang dần mai một vì quá ít bạn trẻ biết tới. Nhóm hình thành ý tưởng còn làm một cuộc khảo sát nhỏ với đối tượng học sinh, sinh viên từ 15 đến 24 tuổi tại Hà Nội, kết quả cho thấy có đến 89% các bạn cho rằng giáo dục về văn hóa nghệ thuật dân gian ở nước ta còn quá nhiều yếu kém, 22% các bạn muốn tìm hiểu, học hỏi thêm về chèo mà không biết tìm hiểu ở đâu và như thế nào. Dưới sự bảo trợ của "Tôi 20" - do một nhóm sinh viên Việt Nam thành lập với mục đích khuyến khích mọi thanh niên trở thành nhà lãnh đạo - nhóm dự án gồm 20 bạn trẻ hiện đang là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã cùng Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững hạ quyết tâm thực hiện dự án ngay trong mùa hè này. Theo Trưởng ban dự án đồng thời là thành viên nhóm ý tưởng "Chèo xuyên quốc gia" Nguyễn Ngọc Ánh, bằng những hoạt động khám phá, học hỏi, trải nghiệm, dự án muốn kết nối thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước với những giá trị đặc sắc, nét đẹp truyền thống dân tộc. Dự án gồm 2 phân đoạn chính. "Chèo khám phá" sẽ diễn ra trong một tháng (tháng 7) với các hoạt động chính dành cho các bạn trẻ đăng ký: Giao lưu trực tiếp với các nghệ sĩ chèo; tham quan Nhà hát Chèo; lên ý tưởng bảo tồn và phát triển chèo; học hát, học múa các trích đoạn chèo kinh điển như "Lý trưởng, mẹ Đốp", các vai thú vị như "Hề Mồi" hay làn điệu đặc trưng "Lới lơ". Còn "Chèo trải nghiệm" sẽ diễn ra vào tháng 8 là hoạt động tổ chức cho các bạn trẻ đi thực tế khám phá cội nguồn nét văn hóa dân gian của nghệ thuật chèo trong cuộc sống hàng ngày của người dân làng Khuốc (Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình), một làng chèo nổi tiếng.
Hiện khoảng 60 bạn trẻ đang trải qua tháng "Chèo khám phá" tại Hà Nội bắt đầu từ ngày 11-7 với 3 buổi học mỗi tuần. Trong hội trường ngồi xếp vòng quanh, những gương mặt 9X ngời lên ham thích được tìm hiểu về chèo, nghe hát những làn điệu nổi tiếng từ Thạc sĩ Lê Tuấn Cường (Nhà hát Chèo Việt Nam), nghệ sĩ Khương Cường (Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam). Theo đại diện của Ban tổ chức, các buổi học sau sẽ có những nghệ sĩ kỳ cựu đến chia sẻ và truyền đạt, như NSƯT Thanh Ngoan (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam), giảng viên Thanh Huyền (ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội).
48h để về với nghệ thuật truyền thống, cụ thể ở đây là chèo, có thể chưa đủ để một bạn trẻ tuổi đôi mươi biết hết về môn nghệ thuật này, có thể hát được, thuộc được một vài làn điệu chèo. Thế nhưng, theo khẳng định của Trưởng ban Nội dung Đinh Thị Thảo: "Dự án không có tham vọng biến các bạn trẻ thành nghệ sĩ, chỉ là sự mở đường để thu hút các bạn về với truyền thống, có được kiến thức nhất định từ đó có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.
Theo Hà Nội mới
Theo