(Xây dựng) - Quận Thốt Nốt nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thành phố Cần Thơ, bao gồm phần đất liền và dãy cù lao Tân Lộc hình thoi nằm trên sông Hậu. Thốt Nốt được xem là quận có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp và du lịch sinh thái. Đây là quận đông dân thứ 2 sau Ninh Kiều. Mới đây, UBND thành phố Cần Thơ đã ký Quyết định số 1452/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Thốt Nốt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo Quyết định này, quận Thốt Nốt sẽ là khu đô thị - công nghiệp, đô thị trung tâm công nghiệp chế biến nông, thủy sản và công nghiệp phụ trợ, trung tâm kho vận cấp vùng; trung tâm thương mại - dịch vụ của thành phố Cần Thơ và cấp vùng; đầu mối kinh doanh lúa gạo, thủy sản…
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu kết nối giao thông quận Thốt Nốt với tỉnh Đồng Tháp. |
Theo Đồ án quy hoạch, diện tích quận Thốt Nốt khoảng 12.163,89ha, với dân số đến năm 2030 là 150.000 - 180.000 người, đến năm 2050 sẽ là 320.000 người. Địa giới hành chính của quận Thốt Nốt được giới hạn phía Đông Bắc giáp ranh giới hành chính tỉnh Đồng Tháp, phía Đông Nam giáp quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ), Tây Nam giáp huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ) và phía Bắc giáp tỉnh An Giang. Với vị trí đắc địa liên thông với nhiều tỉnh, quận, huyện, trong nhiều năm qua, Thốt Nốt đã phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến lúa gạo, thủy sản, thương mại - dịch vụ…
Trên cơ sở thực tế phát triển nhiều năm qua, Đồ án quy hoạch tiếp tục xác định quận Thốt Nốt là khu đô thị - công nghiệp. Đó là đô thị trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ, trung tâm kho vận vùng, trung tâm thương mại - dịch vụ của thành phố và cấp vùng; phát triển du lịch sinh thái cảnh quan trên sông Hậu và các khu ở sinh thái gắn với nông nghiệp đô thị.
Là đầu mối giao thông gắn với các trục giao thông về đường bộ và đường thủy, bao gồm Lộ Tẻ - Rạch Sỏi qua cầu Vàm Cống, Quốc lộ 91 và cảng bến, khu công nghiệp đa ngành, gắn với Quốc lộ 80 và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, kết nối với thành phố Long Xuyên, các khu, cụm công nghiệp lân cận của tỉnh An Giang, Đồng Tháp nhằm tạo thành vùng công nghiệp tập trung lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Là đô thị đầu mối kinh doanh lúa gạo, thủy sản, phát triển du lịch sinh thái cảnh quan, kết hợp các tuyến du lịch, du khảo theo trục ven sông Hậu và thành phố Cần Thơ - An Giang - Campuchia với các điểm trên địa bàn như vườn cò Bằng Lăng, vườn cây Tân Lộc, làng nghề bánh tráng…; Là khu vực phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chế biến kết hợp phát triển dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao, tiên tiến.
Trên cơ sở đặc trưng hiện trạng, địa hình và định hướng phát triển quận Thốt Nốt theo quy hoạch chung thành phố Cần Thơ, toàn khu quy hoạch được phân làm 02 vùng chức năng (vùng phát triển đô thị - công nghiệp và vùng phát triển nông nghiệp đô thị - du lịch sinh thái) và 06 phân khu quy hoạch (được giới hạn các tuyến đường trục chính đô thị) để kiểm soát phát triển. Trong phân khu quy hoạch gồm các đơn vị ở, các lô đất chức năng đô thị.
Phân khu TN-01, diện tích khoảng 890,50ha, dân số đến năm 2030 là 35.000 người, năm 2050 là 50.000 người, chức năng là trung tâm công nghiệp, khu ở mới kết hợp các khu dân cư hiện hữu cải tạo dọc đường Quốc lộ 91 và Quốc lộ 80 hiện hữu.
Phân khu TN-02, diện tích khoảng 655,80ha, dân số đến năm 2030 là 20.000 người, đến năm 2050 là 24.000 người, chức năng khu ở mới, khu hỗn hợp kết nối mở rộng khu vực trung tâm hiện hữu, gắn với vùng bảo vệ cảnh quan sinh thái phía Nam đô thị (vườn cò Bằng Lăng).
Phân khu TN-03, diện tích khoảng 410,60ha, dân số đến năm 2030 là 30.000 người, năm 2050 là 40.000 người, đây là khu đô thị trung tâm hiện hữu với định hướng cải tạo chỉnh trang lõi trung tâm kết hợp xây dựng mới mở rộng đến tuyến đường tránh hiện hữu.
Phân khu TN-04, diện tích khoảng 390,20ha, dân số năm 2030 là 25.000 người, đến năm 2050 là 35.000 người, là khu vực trung tâm hiện hữu quận Thốt Nốt, định hướng cải tạo chỉnh trang và dự kiến mở rông không gian về phía Đông Nam dọc theo sông Hậu và đường 920.
Trung tâm thương mại Thốt Nốt. |
Phân khu TN-05, diện tích khoảng 2.150,35ha, dân số năm 2030 là 35.000 người, đến năm 2050 là 40.000 người, đây là khu vực có đặc trưng sinh thái cù lao trên sông Hậu nhiều công trình di tích, làng nghề truyền thống, công trình văn hóa tâm linh…
Khu vực phát triển du lịch sinh thái, khuyến khích hình thành các làng nghề, làng du lịch cộng đồng mang đặc trưng vùng sông nước miền Tây Nam bộ, hình thành khu dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp; phát triển loại hình nhà ở mật độ thấp (biệt thự, nhà vườn) thấp tầng kết hợp cảnh quan sinh thái tự nhiên: vườn rau, cây ăn quả, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phân khu TN-06 diện tích khoảng 6.150,70ha, dân số đến năm 2030 là 80.000 người, đến năm 2050 là 100.000 người, là khu vực có đặc trưng về cảnh quan sinh thái tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái, khuyến khích hình thành các làng nghề, du lịch cộng đồng mang đặc trưng vùng sông nước miền Tây Nam bộ; phát triển loại hình nhà ở mật độ thấp (biệt thự, nhà vườn) thấp tầng kết hợp cảnh quan sinh thái tự nhiên (vườn rau, cây ăn quả, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Không gian quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan và thiết kế đô thị xác định: Khu trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ, khu chức năng đầu mối về các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cho cù lao Tân Lộc, các sản phẩm nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái miệt vườn.
Theo đó, khu trung tâm hiện hữu sẽ được nâng cấp và cải tạo chỉnh trang khu đô thị hiện hữu, khi triển khai các quy hoạch chi tiết cải tạo, chỉnh trang cần rà soát, khoanh vùng các khu vực còn quỹ đất trống để bổ sung các công trình dịch vụ công cộng phục vụ đô thị đảm bảo bán kính phục vụ, phù hợp không gian chung và chức năng riêng từng công trình.
Khu trung tâm mới bố trí các công trình kiến trúc cao tầng, hiện đại hình khối đơn giản, tạo sự chuyển tiếp trong không gian đô thị, có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với công năng, có tính đặc trưng găn liền hình thái kiến trúc và đặc trưng địa hình của khu vực, khyến khích giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao xây dựng, đảm bảo tỷ lệ không gian xanh, không gian mở làm không gian chuyển tiếp công trình và không gian đường phố.
Khu vực trọng tâm, các tuyến, điểm nhấn và điểm nhìn quan trọng là trục Quốc lộ 91, đây là trục hành lang kinh tế chủ đạo theo phương dọc Bắc - Nam liên kết các khu đô thị với nhau vừa là trục cảnh quan thương mại dịch vụ của toàn đô thị. Dọc đường là tập hợp các công trình công cộng - dịch vụ đô thị đồng thời là trục xương sống cho toàn quận. Quốc lộ 80 là tuyến đối ngoại ở phía Bắc thành phố Cần Thơ, nối thành phố Cần Thơ với Kiên Giang và Đồng Tháp.
Phát triển du lịch cù lao Tân Lộc, đề xuất giải pháp tuyến tàu du lịch đường thủy: Ninh Kiều - Cồn Ấu - Cù lao Tân Lộc phục vụ vận tải hành khách và du lịch đường thủy. Tuyến sông Hậu (qua cửa Định An) là tuyến vận tải thủy quốc gia và quốc tế, cửa ngõ thông thương của thành phố Cần Thơ ra biển Đông và Campuchia. Bố trí các trạm dừng kết hợp với địa danh và cây xanh có độ bám sâu trên đê, ngăn sạt lở, tạo mỹ quan ven sông và là cạnh biên của quận Thốt Nốt.
Một góc quận Thốt Nốt nhìn từ sông Hậu. |
Các tuyến kênh quốc gia (Cái Sắn, Thị Đội, Thốt Nốt) và kênh rạch nội bộ (Bà Chiêu, Thắng Lợi, Cần Thơ Bé, Thơm Rơm, Bò Ót, Trà Bay, Quốc lộ 91, Ngã Cái, Rạch Chanh, Thắng Lợi 2) được bổ sung các bến đò, bến khách sử dụng dịch vụ du lịch, tạo lập cảnh quan với những loại cây xanh đô thị và đan xen vườn ăn trái, làng nghề đặc trưng địa phương…
Từ lâu nay, quận Thốt Nốt được xem là vùng đất năng động, giàu có phát triển cả công nghiệp và thương mại dịch vụ bậc nhất của thành phố Cần Thơ. Với những quy hoạch mới, hy vọng sẽ là điểm tựa mới để Thốt Nốt tiếp tục phát triển và tương lai gần là trung tâm đô thị, công nghiệp, thương mại sầm uất của thành phố Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Huỳnh Biển
Theo