Thứ sáu 03/01/2025 05:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Thông tư số 10/2013/TT-BXD: Phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể

11:04 | 13/08/2013

Xoay quanh những nội dung của Thông tư số 10, Báo Xây dựng có cuộc trao đổi với ông Ngô Lâm – Phó cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng.


Ông Ngô Lâm

Thưa ông, sự ra đời của các Thông tư hướng dẫn Nghị định 15, trong đó có Thông tư số 10 được các chủ thể nóng lòng đón nhận. Ông có thể phân tích rõ hơn về những điểm mới trong nội dung của Thông tư số 10?

- Thông tư này quy định chi tiết về việc kiểm tra, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng; phân định rõ ràng về trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; quy định chi tiết một số thủ tục về nghiệm thu, phân cấp công trình phục vụ công tác quản lý chất lượng, phân cấp sự cố, về xử lý vi phạm trong quản lý chất lượng công trình xây dựng (CLCTXD) và một số nội dung khác như chỉ dẫn kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn...

Thông tư này cũng quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn về xây dựng ở Trung ương và địa phương trong các công tác quản lý CLCTXD; quy định về việc tổng hợp, báo cáo tình hình chất lượng công trình, trong đó có các tiêu chí, các nội dung cụ thể, có định lượng để giúp cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng nắm bắt thông tin đầy đủ về tình hình CLCTXD trên toàn quốc.

Kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng là một trong những điểm mới và có tác động không nhỏ đến công tác quản lý CLCTXD. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu theo các quy định tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai trong thực tế. Vậy, Thông tư này có quy định chi tiết hơn trong việc kiểm tra công này hay không, thưa ông?

- Kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng là một công tác để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về CLCTXD; kiểm soát CLCTXD, nhất là các công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, khi đưa vào sử dụng phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn khai thác, sử dụng. Nghị định 15/2013/NĐ-CP đã quy định tương đối rõ về việc kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng, tuy nhiên Nghị định chưa thể quy định một cách đầy đủ chi tiết về cách thức thực hiện.

Vì vậy, Thông tư số 10 đã hướng dẫn chi tiết và rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm và nội dung công tác này để cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng, Bộ Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Sở Xây dựng, Sở Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thực hiện. Ngoài ra, Thông tư số 10 còn quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan nêu trên để tránh chồng chéo trong tổ chức thực hiện, đồng thời cũng giúp các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan hiểu rõ hơn về trình tự, thủ tục, các yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng trong việc kiểm tra công tác này.

Vậy mục đích của phân cấp công trình này là gì, thưa ông?

- Phân cấp ban hành kèm theo Thông tư là cơ sở để thực hiện các quy định như đối tượng công trình phải lập chỉ dẫn kỹ thuật, quy định về việc công bố thông tin năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng công trình, quy định đối tượng công trình phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, quy định về phân cấp sự cố và giải quyết sự cố trong quá trình thi công xây dựng và quy định về thời hạn bảo hành công trình xây dựng.

Phân cấp công trình trong Thông tư này có thể nói là đầy đủ các loại và cấp công trình, bao gồm các công trình chuyên ngành: Dân dụng, công nghiệp, giao thông, NN&PTNT. Việc áp dụng phân cấp công trình trong Thông tư này cũng cho thấy sự linh hoạt trong việc vận dụng phân cấp công trình xây dựng. Các chủ đầu tư có thể dễ dàng xác định cấp công trình của mình để thực hiện các công tác thẩm tra và kiểm tra đầy đủ và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Thưa ông, Thông tư này được ban hành sẽ có tác động như thế nào đến các hoạt động xây dựng?

- Việc ban hành Thông tư là một bước cụ thể hóa các quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP, đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CLCTXD. Thông tư hướng dẫn các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng từ các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương đến địa phương, các chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng hiểu rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung và trình tự thực hiện công tác quản lý chất lượng một cách rõ ràng để đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn khai thác, sử dụng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Ngọc (thực hiện)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load