(Xây dựng) - Nổi bật trong tuần qua là thông tin tiêu thụ thép bị giảm lại sau khi đã có mức tăng ấn tượng trong các tháng 3 và 4-2014 với số lượng trên 550.000 tấn/tháng.
- Áp dụng quy định quản lý chất lượng thép theo Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN
- Không áp dụng cấp phép nhập khẩu tự động với một số sản phẩm thép
Tiêu thụ thép bị giảm lại sau 2 tháng tăng ấn tượng
Theo hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lượng thép tiêu thụ trong tháng 6-2014 chỉ còn 376.000 tấn, giảm gần 10,5% so với tháng trước. Đây là tháng thứ hai lượng tiêu thụ thép giảm liên tiếp sau khi đã có mức tăng ấn tượng trong các tháng 3 và 4-2014 với số lượng trên 550.000 tấn/tháng.
VSA cũng cho biết, nhập siêu ngành thép sau sáu tháng đầu năm 2014 xấp xỉ trên 2,2 tỉ USD, trong đó chủ yếu là nguyên liệu cùng một số chủng loại thép trong nước chưa sản xuất được.
Lượng thép tiêu thụ trong tháng 6-2014 chỉ còn 376.000 tấn, giảm gần 10,5% so với tháng trước.
Liên quan đến giả cả, với lý do giá xăng vừa điều chỉnh tăng, thép bán lẻ trên thị trường đã nhích lên thêm 100.000-150.000 đồng/tấn, mặc dù đến thời điểm này nhiều nhà sản xuất vẫn chưa thay đổi giá bán. Hiện giá thép cây và cuộn xây dựng dao động trong khoảng 15,6-15,65 triệu đồng/tấn (tùy khu vực), sức mua thấp.
DN nhập khẩu thép trong nước “bị làm khó” vì Thông tư 44
Sau khi Thông tư 44 của liên Bộ Công thương và Bộ Khoa học & Công nghệ chính thức có hiệu lực từ 1/6/2014, nhiều công ty kinh doanh và nhập khẩu thép loại 2 rơi vào tình trạng bế tắc và có nguy cơ phá sản hàng loạt vì các quy định chứng minh chất lượng sản phẩm.
Nhiều lô hàng thép loại 2 được nhập về không được thông quan vì vướng Thông tư 44 của Bộ công Thương
Từ trước tới nay, các loại thép loại 2 khi nhập khẩu vào Việt Nam chỉ phải căn cứ vào chứng minh xuất xứ hàng hóa, hợp đồng mua bán và vận đơn để Hải quan kiểm tra cho thông quan. Việc này đã diễn ra hàng chục năm nay và hàng triệu tấn thép loại này đã được các doanh nghiệp nhập vào Việt Nam, góp phần bình ổn giá cả, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, với mục đích quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và nhập khẩu, liên Bộ Công Thương và Khoa học - Công nghệ đã cùng ký ban hành thông tư số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN.
Theo đó kể từ ngày 01/6/2014 tất cả các loại thép nhập khẩu vào Việt Nam (trong đó có thép loại 2) đều phải chứng minh được tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Và đây chính là yếu tố mà các doanh nghiệp nhập khẩu thép loại 2 cho rằng họ không bao giờ có thể thực hiện được và chắc chắn tình trạng dừng hoạt động rồi tiến tới phá sản sẽ diễn ra hàng loạt.
Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng việc ra Thông tư 44 liên Bộ nhằm quản lý chất lượng mặt hàng thép (quy định tại Phụ lục 1, trong đó có thép nhập khẩu loại 2) là hoàn toàn không cần thiết, gây tốn kém, thiệt hại cho doanh nghiệp và đình trệ sản xuất kinh doanh.
Theo các doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ nên lắng nghe ý kiến của họ, xem xét lại văn bản đã ban hành kịp thời điều chỉnh những điều chưa hợp lý để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, đúng pháp luật. Nếu điều chỉnh hợp lý sẽ loại bỏ những tiêu cực không đáng có, giúp cho các doanh nghiệp phát triển ổn định, lâu dài và bền vững.
Dự báo thị trường thép thế giới nửa cuối tháng 7
Trong gần 3 tuần liên tiếp thị trường thép tiếp tục duy trì ổn định. Hiện tại giá chào bán chỉ tăng nhẹ giúp nhà cung cấp và người mua có thể tìm thấy giao dịch chung.
Nhìn chung thị trường trong nửa cuối tháng 7 được đánh giá sẽ ổn định. Giá sẽ tăng giảm trong biên độ nhỏ từ 5-10usd/tấn. Nhu cầu tiêu thụ của các nước đều được đánh giá là khá thấp bởi nhiều lý do như: tình trạng suy thoái của bất động sản ở Trung Quốc, mùa mưa – mùa thấp điểm xây dựng ở nhiều nước Châu Á, tháng chay Ramadal ở các nước đạo Hồi, tháng 7 âm lịch (tháng không may mắn) ở Trung Quốc và những quốc giá theo tôn giáo Phật Giáo, mùa hè là mùa nghĩ lễ của hầu hết các nước ở Châu Âu…
Những nguyên nhân trên đã góp phần gây sức ép làm giá thép rơi xuống khá sâu trong thời gian vừa qua.
Phương Linh
Theo