Bất chấp những tín hiệu tích cực từ chính sách vĩ mô, thị trường thép đang tụt dốc một cách thê thảm. Tiêu thụ thép đã ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua.
Mua thép làm gì?
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tiêu thụ thép trong tháng 6 vừa qua chỉ đạt khoảng 290 nghìn tấn. Đây là mức sụt giảm mạnh từ đầu năm đến nay và cả so với năm trước. Nếu như tháng 2 năm nay, tiêu thụ thép đạt 389 nghìn tấn, tháng 3 là 525 nghìn tấn, tháng 4 còn 443 nghìn tấn, tháng 5 tụt xuống 352 nghìn tấn thì con số 290 nghìn tấn của tháng 6 vừa qua quả là đáng lo ngại. Trong khi tháng 6 năm ngoái, khi nền kinh tế còn đang chìm sâu trong suy thoái và chưa nhận được tín hiệu giải cứu tích cực nào, thì tiêu thụ thép vẫn đạt 298 nghìn tấn.
Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA thừa nhận, tiêu thụ thép ở thời điểm này thực sự là bi đát. Vẫn biết là tác động của các chính sách vĩ mô bao giờ cũng có độ trễ, nhưng đến thời điểm này, thực sự vẫn chưa có chút thúc đẩy gì cho thị trường cả. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch VSA cũng nhìn nhận: “Kinh tế năm nay quá khó khăn nên tiêu thụ thép mới thấp như thế. Nhưng khó khăn sẽ chưa dừng lại ở đây mà còn kéo dài sang cả quý III nữa. Khi các công trình xây dựng vẫn chưa được giải ngân hoặc tiếp tục triển khai, thì ai mua thép làm gì”. Ông Nghi nhận định, thị trường nếu có chuyển biến tích cực, thì phải sang đến tận quý IV. Và như thế đồng nghĩa với việc DN thép sẽ còn tiếp tục gặp khó.
Trước đó không lâu, thị trường thép tưởng như đã lạc quan khi nhận được các tín hiệu tích cực từ chính sách vĩ mô. Đó là chính sách nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất, cũng như đẩy mạnh chi tiêu công. Thế nên tiêu thụ thép 3 tháng trước đã có sự tăng lên rõ rệt. Nhưng những lạc quan đó không kéo dài được bao lâu. Khi các biện pháp cụ thể để đẩy mạnh chi tiêu công cũng như đầu tư xây dựng cơ bản còn chưa rõ ràng, DN xây dựng vẫn chưa thực sự được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ, thì cơ hội cho thép vẫn còn là “khe cửa hẹp”. Ông Nguyễn Tiến Nghi quả không bi quan khi nói rằng “chính sách ưu đãi còn lâu mới đến được với DN”.
Mỗi nơi một giá
Tiêu thụ giảm đồng nghĩa với việc hàng tồn kho tăng lên. Thống kê của VSA cho thấy, tồn kho tháng 6 đã lên mức 370 nghìn tấn, thay vì chưa đến 300 tấn như trước đó. Tình trạng ế ẩm đã đẩy các DN vào tình trạng cạnh tranh không lành mạnh để bán được hàng. Có DN đã chấp nhận phá giá, bán rẻ hơn giá thị trường từ 200 - 300 nghìn đ/tấn để đẩy mạnh tiêu thụ, giảm lượng hàng tồn kho. Và thực tế đã xảy ra tình trạng kiện cáo nhau bán phá giá giữa TCty Thép Việt Nam và thép Posco. Ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết, các DN đang đề nghị Hiệp hội phải vào cuộc can thiệp tình trạng bán phá giá giữa các DN, không để tình trạng đã phải cạnh tranh khốc liệt với bên ngoài, lại còn cạnh tranh không lành mạnh với nhau.
Vào thời điểm này, giá thép thấp nhất tại nhà máy có giá từ 15,2 - 15,8 triệu đ/tấn (chưa VAT). Còn ngoài thị trường, giá bán thép cũng mỗi nơi một kiểu. Ông chủ cửa hàng thép xây dựng Lam Sơn trên phố La Thành (Hà Nội) cho biết giá thép thay đổi liên tục, vừa tuần trước nhà máy thông báo giảm 300 đ/kg, hôm nay lại tăng thêm 100 đ/kg. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm giá thép giảm nhiều nhất từ trước đến nay. Hiện giá thép Việt - Úc tại cửa hàng có giá 17,6 triệu đ/tấn. Cũng theo ông chủ cửa hàng này, hiện còn có kiểu bán thép với giá rẻ hơn nhiều, thậm chí dưới 17 triệu đ/tấn, được tiếp thị đến tận các hộ gia đình. Tuy nhiên người tiêu dùng nên cảnh giác với kiểu bán hàng này vì người bán thường dùng các thủ thuật như cân điêu, hay thép kém chất lượng để lừa người tiêu dùng cho tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra mua.
Trao đổi về hiện tượng này, ông Nguyễn Tiến Nghi thừa nhận có tình trạng mua bán thép kiểu như trên, nhưng thường là với các cơ sở sản xuất thép nhỏ lẻ, thuộc các làng nghề, chứ các DN thép lớn không bán hàng như vậy. Người tiêu dùng cũng nên thận trọng với cách bán hàng nói trên.
Vân Anh
Theo baoxaydung.com.vn