(Xây dựng) – Khắc phục hậu quả liên quan đến dịch Covid-19, hiện Chính phủ và các địa phương đang tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp để bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh và có những chính sách thúc đẩy để vực dậy nền kinh tế đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Riêng hoạt động kinh doanh bất động sản quý II/2020 được đánh giá có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn quý I/2020 và có những tín hiệu lạc quan, tích cực.
Sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Hoạt động kinh doanh bất động sản Quý II/2020 đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn quý I/2020 và có những tín hiệu lạc quan, tích cực (ảnh: Internet). |
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 54/63 UBND các địa phương có thực hiện báo cáo, Bộ Xây dựng công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2020 liên quan đến chính sách, số lượng dự án bất động sản, giao dịch, biến động chỉ số giá bất động sản, dư nợ tín dụng bất động sản …
Chính sách mới ban hành có tác động đến thị trường bất động sản
Đó là vào trung tuần tháng 6/2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 được Quốc hội thông qua có một số quy định mới để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện hơn so với trước đây; Luật Đầu tư (sửa đổi) 2020 được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung, quy định mới, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và kết hợp với Luật Xây dựng (sửa đổi) đã đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, bất động sản.
Bên cạnh đó, còn có một số chính sách đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung như Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội theo trình tự thủ tục rút gọn; Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định 101/2015/ND-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư; nghiên cứu, xây dựng và đề xuất Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp…
Các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản tăng so với quý I/2020
Theo tổng hợp từ 54/63 UBND có báo cáo số liệu, trong quý II/2020: Đối với dự án phát triển nhà ở: có 325 dự án với 70.317 căn hộ được cấp phép; 1.425 dự án với 246.781 căn hộ đang triển khai xây dựng; 73 dự án với 8.901 căn hộ hoàn thành.
Số lượng dự án nhà ở được cấp phép tăng mạnh so với quý I/2020, cụ thể tại một số địa phương trọng điểm như: Tại Hà Nội cấp phép 8 dự án (Quý I/2020 là 0 dự án), tại Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép 4 dự án (Quý I/2020 là 0 dự án).
Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng: có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với 19.878 căn hộ du lịch và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành. Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép cũng tăng hơn so với quý I/2020.
Qua tổng hợp cho thấy, một số doanh nghiệp bất động sản đang tiếp tục triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các dự án đang dở dang và triển khai các dự án được cấp phép mới. Tiến độ và khối lượng công việc thực hiện đã tốt hơn so với quý trước.
Gần 30.000 giao dịch bất động sản thành công
Trong quý II/2020 có 29.674 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công (bằng 116% quý I/2020) và Thành phố Hồ Chí Minh có 3.958 giao dịch thành công (bằng 140,6% quý I/2020).
Tổng hợp cho thấy, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130 -140% so với quý I/2020 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.
Tính đến thời điểm tháng 7/2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang trên đà phục hồi sau thời gian dài giãn cách xã hội, hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30 - 40%.
Hạn chế số lượng nhà ở hoàn thành, đủ điều kiện bán
Báo cáo số liệu quý II/2020 cho thấy, có 94 dự án với 19.543 căn hộ được Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng tại Hà Nội có 16 dự án, với tổng số 7.408 căn nhà, giảm 21,3% so với quý I/2020. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 8 dự án, với tổng số 3.958 căn nhà, giảm 40% so với quý I/2020 và giảm 5,8% so với cùng kỳ quý II/2019.
Số lượng nhà ở hoàn thành, đủ điều kiện bán trong quý II/2020 hạn chế, nhiều địa phương trên cả nước nguồn cung nhà ở có xu hướng giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019.
Giá bán bất động sản không có xu hướng giảm
Thống kê cho thấy, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,27%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,51%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,77%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với quý I/2020.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý I/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,64%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,94%), nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với quý I/2020.
Đối với bất động sản công nghiệp, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các doanh nghiệp, tuy nhiên bất động sản công nghiệp nói chung vẫn thu hút khách thuê, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới mở bán rất ít, giá bất động sản du lịch vẫn không thay đổi so với năm 2019. Riêng thị trường mặt bằng bán lẻ, do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, khó khăn trong kinh doanh, nhiều mặt bằng bị trả lại hoặc các bên có sự đàm phán, điều chỉnh giảm khoảng 30 - 50% so với giá thuê trước đây, số mặt bằng trống tăng dần.
Bên cạnh đó, phân khúc mặt bằng cho thuê loại hình nhà phố, nhà riêng cho thuê đều đang gặp khó khăn khi giá thuê nhà mặt phố, nhà riêng tiếp tục giảm tại nhiều quận huyện ở cả hai thành phố: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
Dư nợ tín dụng bất động sản giảm
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tính đến 31/3/2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 526.396 tỷ đồng, giảm 0,87% so với hết tháng 2/2020, tăng 0,87% so với 31/12/2019. Như vậy, từ cuối năm 2019 và trong 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có xu hướng giảm.
Số liệu thống kê cho thấy, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong quý I/2020.
Cơ cấu dư nợ bất động sản cũng có thay đổi theo từng giai đoạn: cho vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà chiếm tỷ lệ 38,9%; các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê chiếm tỷ lệ 7,2%; các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ 3,9%; các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm tỷ lệ 4%; các dự án nhà hàng, khách sạn chiếm tỷ lệ 9,7%; cho vay mua quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ 9,1%; cho bất động sản khác chiếm 27,3%.
Linh Anh
Theo