Sắp tới, nếu tiêu thụ tiếp tục khó khăn thì doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất chứ không thể cứ sản xuất ra rồi để lưu kho...
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng lượng nhập khẩu sắt thép là 1,3 triệu tấn, tăng 9,3%, trị giá 941 triệu USD.
Sản xuất cầm chừng, tồn kho đang vượt mức cho phép, một số doanh nghiệp trong nước đã phải ngừng hoạt động, trong khi đó, thép nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng. Điều đáng nói, ngoài những sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được và đang thiếu thì việc nhập khẩu là bình thường, nhưng nhập khẩu cả những sản phẩm thép đang dư thừa, đặc biệt là thép xây dựng thì rất vô lý.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ước tính, sản xuất thép tháng 3 có thể chỉ đạt 350 nghìn tấn, trong khi mức trung bình phải là 400 nghìn tấn. Sở dĩ sản xuất thấp là do thị trường xây dựng và bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong khi tiêu thụ gần như bế tắc thì giá nguyên liệu đầu vào gần đây lại tăng cao, các doanh nghiệp không thể tăng giá bán do cung đã vượt xa cầu. Đến nay, lượng tồn kho thép thành phẩm khoảng 320 nghìn tấn, cao hơn so với mức cho phép là 220 - 250 nghìn tấn.
VSA cho biết, sắp tới, nếu tiêu thụ tiếp tục khó khăn thì doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất chứ không thể cứ sản xuất ra rồi để lưu kho vì phần lớn vốn lưu động của các doanh nghiệp hiện nay là vốn vay ngân hàng. Chỉ tính riêng trong tháng 2 đã có 4 doanh nghiệp thuộc VSA ngừng sản xuất, một số sản xuất cầm chừng.
Mặc dù, công suất dư thừa, nhưng trong năm 2013 sẽ có thêm 5 nhà máy thép với công suất 1,5 triệu tấn/năm đi vào hoạt động, nâng tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 11 triệu tấn/năm, trong khi tiêu thụ chỉ khoảng 5,5 triệu tấn.
Điều này tất yếu sẽ khiến cho áp lực cạnh tranh tiếp tục đè nặng hơn lên các doanh nghiệp thép, thậm chí sẽ có những doanh nghiệp phải chia tay cuộc chơi đầy khốc liệt này. Những khó khăn trên chưa có cách nào giải quyết thì các doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục phải khốn đốn với thép nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng lượng nhập khẩu sắt thép là 1,3 triệu tấn, tăng 9,3%, trị giá 941 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đều tăng so với cùng kỳ năm 2012.
VSA cho biết, mấy năm nay, Việt Namvẫn nhập những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được như cán tấm nóng, thép hợp kim, thép chế tạo hoặc nguyên liệu cho sản xuất như thép phế nhập tới 70 - 80% theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, có những sản phẩm trong nước dư thừa như thép xây dựng vẫn được nhập vào là rất vô lý.
Đáng chú ý là những sản phẩm này chủ yếu là thép Trung Quốc đã lợi dụng chính sách thuế của VN để cạnh trạnh không lành mạnh. Lợi dụng quy định thép hợp kim được hưởng thuế suất 0% nhiều nhà nhập khẩu đã “phù phép” thép xây dựng sang thép hợp kim. Với chiêu lách luật này, thép Trung Quốc hiện được bán thấp hơn 300-500 nghìn/tấn so với thép trong nước, ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ thép của Việt Nam.
Theo VSA, thép xây dựng trong nước sản xuất đang dư thừa, nên nhập vào sẽ ảnh hưởng thị trường, chiếm thị phần trong nước. Thép cuộn ở Việt Nam cơ cấu 20 - 25% mà hiện nay tụt xuống dưới 20% có nghĩa là thép nước ngoài đã chiếm mất thị phần và buộc doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được với giá ấy phải giảm sản lượng, hoặc chuyển sản xuất mặt hàng khác.
Mặc dù, thép giá rẻ cạnh tranh không lành mạnh đã xuất hiện nhiều năm nay, nhưng để giải quyết triệt để là rất khó. VSA cho biết, việc gian lận thương mại không riêng gì Việt Namphải hứng chịu mà ở cả các nước Đông Namá cũng đang vướng phải nhưng chưa có cách gỡ.
Hiện các doanh nghiệp thép đang loay hoay tìm đầu ra do một thời gian dài không chú trọng cho thị trường tiêu dùng dân dụng. Tiêu thụ thép có đặc thù riêng, đó là phải xây dựng được thương hiệu mạnh mới chiếm được lòng tin của người tiêu, nhưng để xây dựng thương hiệu đòi hỏi phải có thời gian ít nhất từ 5-10 năm.
Do vậy, thép Trung Quốc giá rẻ đã tận dụng để len chân vào thị trường này và cũng rất dễ được người dân sử dụng, vì rất khó phân biệt. Bên cạnh đó, đã có quy định nguyên tố Bo từ 0,0008% là thép hợp kim, nếu thay đổi phải thay cả quy định này. Rất khó để thay đổi ngay trong một thời gian, vì còn liên quan đến quy chuẩn thế giới.
Một nguyên nhân khác cũng khiến cho tình trạng thép giá rẻ vẫn vào được thị trường trong nước là do chính sách quản lý hàng nhập khẩu còn khá lỏng lẻo, chưa bảo vệ được hàng sản xuất trong nước.
Trong khi đó, Indonesia, Thái Lan, Malaysia đã dựng hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu, thì hàng từ các nước vào Việt Nam lại khá dễ dàng, kể cả thép kém phẩm chất. Năm 2012, loại thép pha hợp kim Bo với hàm lượng thấp 0,0008% có giá thành rất rẻ được nhập từ Trung Quốc đã lên tới cả triệu tấn, với giá trị nhập khẩu lên đến hàng trăm triệu USD mà chỉ chịu mức thuế suất 0%.
Khi vào Việt Nam, loại hàng này lại được bán dưới dạng thép cuộn xây dựng, mà nếu nhập theo đường chính ngạch có kiểm tra giấy tờ đầy đủ thì thuế suất nhập khẩu phải là 10%. Để khắc phục tình trạng trên, hiện VSA đang phối hợp với các nước Đông Nam Á để cùng đưa ra một tiêu chuẩn có tính chất pháp lý.
VSA kiến nghị, cần có các cơ chế chính sách nhằm hạn chế nhập khẩu thép từ bên ngoài nếu trong nước duy trì được sản xuất và đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền để người Việt dùng hàng Việt. Lâu nay, Trung Quốc lợi dụng việc thép chứa hàm lượng Bo theo quy định, được xác định là thép hợp kim và không phải nộp thuế nên thép Việt Namkhông cạnh tranh được.
Do đó, về chính sách, Nhà nước cũng cần điều chỉnh lại. Hơn thế bản thân các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hơn nữa khả năng cạnh để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
Theo baoxaydung.com.vn