Thứ sáu 27/09/2024 05:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Thao thiết dòng Lam

16:00 | 09/07/2020

(Xây dựng) - Ai là người xứ Nghệ mà không biết sông Lam? Cái dải xanh xanh đôi bờ ngút ngàn ngô lúa ấy đã trở thành nỗi nhớ, niềm thương của biết bao thế hệ vì cuộc mưu sinh phải xa rời quê hương. Tôi thích cái hình ảnh “úp mặt vào sông” của nhà thơ Lê Huy Mậu bởi chính tôi bao năm rồi chưa có dịp trở về để làm được cái điều nhỏ nhoi mà lòng mình luôn đau đáu ấy.

thao thiet dong lam
Sông Lam.

Sông Lam còn có tên là sông Cả (sông Mẹ) bắt nguồn từ cao nguyên Xiêng-Khoảng (Lào), phần chảy qua Việt Nam dài khoảng hơn 360 ki-lô-mét chủ yếu trên địa phận của tỉnh Nghệ An. Trước khi trở thành “dải lụa xanh” dịu dàng uốn lượn êm đềm nâng những cánh thuyền, làm tốn nhiều bút mực của các họa sĩ, thi nhân, thì sông Lam đã qua hàng trăm ghềnh thác từ Lào về đến Cửa Rào. Với tôi, sông Lam là cốt cách, tâm hồn người xứ Nghệ. Có cái ào ạt dữ dội, có cái trầm lắng êm trôi… miệt mài, cần mẫn mang phù sa bồi đắp cho đời.

Khởi nguồn của sông Lam, nơi hợp lưu của hai dòng sông Nậm Nơn, Nậm Mộ, ngã ba Cửa Rào là mảnh đất linh thiêng. Nơi đây có rừng cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, có đền Cồn nơi gửi gắm tâm linh của người dân thượng nguồn. Rất nhiều huyền thoại được lưu truyền kể về sự hình thành của ngã ba sông. Cũng chính nơi này, các nhà khảo cổ học từng phát hiện được nhiều hiện vật như dụng cụ sản xuất bằng đá, trống đồng và một số vũ khí bằng đồng của người Việt cổ. Điều đó cho thấy rằng cách đây hàng nghìn năm đôi bờ sông Lam đã là nơi cư ngụ và sản xuất của đồng bào biên giới Việt - Lào. Cửa Rào là địa danh bắt đầu đánh dấu một dòng sông là huyết mạch chính của quê hương xứ Nghệ, dòng sông như một chứng nhân lịch sử gắn liền với những bước thăng trầm của vùng đất nghèo áo cơm mà giàu lòng yêu nước này.

Tôi chưa lên tới Cửa Rào nhưng sông Lam đoạn đi qua Thanh Chương thì vô cùng quen thuộc với lớp học sinh cấp ba Huỳnh Thúc Kháng thành phố Vinh ngày sơ tán. Mỗi lần ra sông giặt quần áo, cả bọn ùa xuống tắm sông, bơi lội nô đùa thỏa thích. Những cô bé mười bốn, mười lăm tuổi khi đó như quên hết những e dè sợ sệt của lũ con gái thành phố mà sung sướng đằm mình vào dòng nước trong xanh, để sông ôm ấp vỗ về dịu dàng như bàn tay người mẹ. Ngâm mình dưới sông, nhìn những con thuyền nan xuôi ngược, ngắm những bãi ngô, mía xanh ngút ngàn hai bên bờ là một cảm giác tuyệt vời mà sau này về lại thành phố chúng tôi luôn luyến tiếc mỗi khi nhớ lại.

Tôi yêu thích những đêm trăng sáng cùng chúng bạn ra bến sông vui chơi. Trăng chênh chếc trên ngọn tre soi bóng xuống dòng sông lấp lánh, mặt nước lung linh ánh vàng. Sau một ngày thuyền bè qua lại, dường như dòng sông đêm nhuốm chút mệt mỏi, trễ nải. Sông lặng lẽ, lăn tăn gợn sóng hòa cùng tiếng gió xạc xào từ những bờ cây. Tôi đã ngồi lặng hàng giờ bên bến sông bình yên như thế, tưởng tượng những thác ghềnh hung dữ phía thượng nguồn, khỏa bàn tay xuống nước thầm gửi tình cảm của mình theo dòng về với thành phố quê hương.

Người xứ Nghệ yêu sông Lam, yêu cả nét đẹp thơ mộng yên bình và cả những khúc sông oằn mình giận dữ với thác nghềnh, lũ lụt. Dòng sông gắn liền với những chiến tích chống giặc ngoại xâm từ thời vua Lê Lợi cho đến kháng chiến chống Mỹ. Biết bao năm trôi qua, cảnh sắc thay đổi nhiều nhưng dòng Lam vẫn còn lưu dấu những tên người, những địa danh theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vẫn âm vang mãi những bài ca hào hùng muôn thuở. Dòng sông có những mùa không trong xanh mà đỏ ngầu chở nặng phù sa. Chứng kiến những vất vả gian lao của người dân mỗi mùa lũ lụt, sông đền bù cho họ những bãi bờ màu mỡ để mùa tới bội thu. Cứ vậy, đời này qua đời khác, sông và người bên nhau, nương vào nhau mà sống, mà làm nên những câu ca, câu ví ngọt ngào.

Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục

Ai biết cuộc đời răng là nhục là vinh

Thuyền ai lên thác xuống ghềnh

Nước non là nghĩa, là tình ai ơi…

Tôi đã nhiều lần đến Cửa Hội nơi sông Lam đổ ra hòa mình vào biển. Ở đây dòng sông thật hiền hòa, mênh mang trải rộng ngút tầm mắt. Từ cầu Bến Thủy đến Cửa Hội, đoạn cuối của dòng Lam êm đềm, hai bên bờ ẩn hiện những mái nhà tranh hiền hòa, những cánh đồng mướt mát. Đi trên đê Hưng Hòa chạy dọc bờ sông ngắm đồng cỏ ngút ngàn với những bông hoa dại ngả mình theo chiều gió, một vẻ đẹp dường như còn chút hoang sơ, khoáng đạt như lòng người xứ Nghệ làm mắt tôi cứ rưng rưng, chỉ muốn giang tay ôm trọn cả dòng sông đang thao thiết chảy, cả cảnh sắc nên thơ của mảnh đất này.

Ơi dòng sông đã cùng tôi những ngày thơ bé, dòng sông đã trăn trở trong tôi những ngày xa… Sao mà thèm cái phút được trở về úp mặt vào dòng xanh quê nhà đến vậy! Bao đêm rồi, tôi nghe tiếng sông, tôi gọi dòng Lam trong nỗi nhớ của người con xa xứ. Dù bước chân mình đã từng đặt lên nhiều đất nước, dù đời mình đã qua biết bao dòng sông, nhưng dòng Lam cứ mãi là tình yêu trong tôi, cứ mãi là bến bờ thương nhớ chờ tôi ngày trở về…

Nguyễn Minh Nguyệt

Theo

Cùng chuyên mục
  • “Gieo mầm Thiện tâm” - Nơi gặp gỡ của những trái tim vì cộng đồng

    (Xây dựng) - Đêm nhạc “Gieo mầm Thiện tâm”, do Vingroup và SpaceSpeakers Label đồng tổ chức vào ngày 29/9 tại Vinhomes Ocean Park 2, đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng và các nhà hảo tâm. Ngoài ý nghĩa nhân văn của một chương trình thiện nguyện, sự kiện còn thu hút khi có sự góp mặt của hơn 20 nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, mang tới nhiều phần trình diễn lần đầu tiên ra mắt công chúng.

  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại Hội sách Hà Nội lần thứ IX năm 2024

    (Xây dựng) - Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 25 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, Hội sách Hà Nội lần thứ IX năm 2024 với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình” do UBND Thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ chức với sự tham gia của hơn 30 nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách trong cả nước, sẽ mang lại không gian văn hóa đọc và nhiều chương trình giao lưu, trải nghiệm sách hấp dẫn.

  • Vĩnh Phúc: Độc đáo kiến trúc nhà thờ tổ họ Bùi Việt Nam

    (Xây dựng) - Nhà thờ tổ họ Bùi tọa lạc tại phường Xuân Hòa, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nhà thờ tổ lớn nhất Việt Nam với diện tích 35.000m2, tổng kinh phí xây dựng lên tới 208 tỷ đồng.

  • Đồng Nai: Cần đầu tư thêm thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng

    (Xây dựng) - Biên Hòa, một đô thị lớn nhưng còn thiếu nhiều thiết chế văn hóa như: Nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà tang lễ, quảng trường, sân vận động vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoặc đã được xây dựng nhưng chưa xứng tầm quy mô. Sở Xây dựng mới đây đã đề xuất tỉnh “nhà” cần đầu tư thêm một số công trình văn hóa phục vụ tinh thần cho người dân như: Quảng trường Thành cổ, quảng trường Sông Phố.

  • Ninh Bình: Phát triển đô thị di sản không quên bảo tồn nhà ở truyền thống trong vùng lõi danh thắng Tràng An

    (Xây dựng) – Trong thời gian tới, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư sẽ sáp nhập trở thành thành phố Hoa Lư. Với gần 30% diện tích là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đây sẽ là một đô thị di sản năng động và phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển đô thị di sản, Ninh Bình đang triển khai nhiệm vụ bảo tồn những giá trị đặc trưng trong lối kiến trúc xây dựng tại vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An.

  • Hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế

    (Xây dựng) - Từ năm 1993, sau khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, tu bổ đã được tập trung triển khai và thu được những kết quả tốt, diện mạo Quần thể Di tích ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy giá trị của di sản.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load