(Xây dựng) - Những vướng mắc, chồng chéo trong cấp Giấy phép xây dựng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, người dân và doanh nghiệp bức xúc, cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng khi triển khai thực hiện. Do đó tháo gỡ vướng mắc này là một trong những nhiệm vụ cấp bách, đang được quan tâm và kỳ vọng trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Hàng ngàn hộ dân Hà Nội đang có nhu cầu xây dựng lại nhà cũ mong thủ tục cấp phép đơn giản, gọn nhẹ hơn. |
Luật Xây dựng ban hành năm 2014, có hiệu lực năm 2015, sau hơn 4 năm thực hiện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế.
Những rào cản vô hình nhưng khó gỡ
Thực tế hiện nay, việc cấp giấy phép xây dựng đối với một số trường hợp còn rườm rà, bất cập, không thực sự phù hợp với thực tiễn; thời gian cấp Giấy phép xây dựng vẫn còn dài; một số trường hợp cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép xây dựng, tốn kém về thời gian và chi phí; vẫn còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp; công tác tổ chức theo dõi việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi làm còn chưa quyết liệt, triệt để…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý trong ngành Xây dựng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là do các quy định về thẩm quyền, đối tượng, điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng chậm được hoàn thiện và chưa thực sự phù hợp với thực tế (ví dụ: Quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng có thời hạn phải “phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt” là không khả thi; đối tượng miễn giấy phép xây dựng, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo chưa thống nhất với pháp luật về quảng cáo; việc cấp Giấy phép xây dựng đối với công trình đã có quy hoạch, đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế là không cần thiết…). Các nội dung thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng có một số điểm trùng lặp như: Xem xét phù hợp quy hoạch, đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, đánh giá về an toàn công trình, năng lực hoạt động xây dựng của đơn vị tư vấn thiết kế, sự tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Chưa kể đến, một số trường hợp, cơ quan quản lý Nhà nước còn thiếu công cụ quản lý đầu vào làm căn cứ cho việc cấp giấy phép xây dựng (như: Thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị). Một số công trình, dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy thì báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng trong khi các thủ tục này không được thực hiện song song, đồng thời, mất nhiều thời gian để thực hiện.
Một số doanh nghiệp và người dân còn ngại ngần trong việc xin cấp Giấy phép xây dựng. Nhận thức và hiểu biết pháp luật liên quan đến công tác cấp Giấy phép xây dựng của một số chủ đầu tư còn hạn chế. Một số trường hợp, khi lập quy hoạch xây dựng, các chủ đầu tư không nghiên cứu kỹ tính chất và quy mô các công trình dẫn đến việc sau khi thiết kế xây dựng được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, chủ đầu tư tự điều chỉnh tính chất, quy mô các công trình dẫn đến việc phải xin điều chỉnh quy hoạch, lấy ý kiến các đơn vị liên quan làm kéo dài thời gian cấp giấy phép xây dựng.
Nhiều kỳ vọng về một cuộc “cải cách”
Theo nội dung Dự thảo Luật lần này, quy định về cấp phép xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo hướng rà soát các đối tượng được miễn phép xây dựng, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng. Điều kiện, hồ sơ thủ tục xin Giấy phép xây dựng được bảo đảm đơn giản, thuận tiện, thời gian cấp phép xây dựng được đề xuất giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.
Theo ý kiến của các chuyên gia, về cơ bản, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật có tính khả thi cao. Tuy nhiên, một số quy định trong Dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát thêm về tính khả thi, tính cụ thể như: phân loại, cấp công trình xây dựng; xây dựng công trình cấp bách; quản lý trật tự xây dựng; quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình; bổ sung chế tài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng. Bên cạnh đó là quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn Giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai.
Ông Nguyễn Xuân Đoàn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh bày tỏ quan điểm: Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi đã có những nội dung điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Việc đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng là rất tốt, rất lành mạnh. Tuy nhiên, việc tích hợp quy trình cấp Giấy phép xây dựng với thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công là vấn đề mà cơ quan này còn nhiều băn khoăn, lo ngại.
Thiết kế xây dựng được thẩm định phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, là cơ sở để chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng, làm các thủ tục về đất đai. Do vậy, nội dung thiết kế xây dựng có thể được thẩm định trên hồ sơ chưa phải là đất đai hợp pháp của chủ đầu tư. Nhưng giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất để được cấp Giấy phép xây dựng là cực kỳ quan trọng, không thể thiếu khi cấp Giấy phép xây dựng. Do đó, khi chủ đầu tư xin cấp Giấy phép xây dựng thì hồ sơ đất đai phải bao gồm những văn bản pháp lý nào, cần được quy định thật cụ thể.
Ông Nguyễn Xuân Đoàn kiến nghị vẫn phải tách riêng biệt công tác thẩm định thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công) và cấp Giấy phép xây dựng. Nếu muốn tích hợp hai công tác này, cần thiết phải có sự thống nhất giữa Luật Xây dựng và Luật Đất đai về giấy tờ hợp pháp về đất trong cấp Giấy phép xây dựng.
Mặt khác, về đối tượng miễn cấp Giấy phép xây dựng quy định tại Điểm e, Khoản 29, Điều 1, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, cần xem xét đối chiếu với Điểm c, Khoản 25, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, để tránh tình trạng công trình được xây dựng trên khu đất không phù hợp với mục đích sử dụng đất trong hồ sơ về đất đai, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn khác (như vốn của tư nhân).
Là người tham gia xây dựng Luật Xây dựng 2014 và vận dụng Luật những năm qua, ông Bùi Trung Dung - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Hoạt động xây dựng cho rằng, cần tích hợp nhiều công tác hơn nữa trong cấp Giấy phép xây dựng: “Khi cơ quan quản lý Nhà nước đã thẩm định thiết kế cơ sở thì nên tích hợp thêm một vài nội dung để miễn Giấy phép xây dựng công trình. Để làm được điều này cần tăng cường nội dung thẩm định thiết kế cơ sở nhằm mục đích quản lý trật tự xây dựng tốt hơn. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng,từ đó phân cấp trách nhiệm và chuyển sang hậu kiểm nhiều hơn. Ví dụ, đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng, thẩm định phòng cháy chữa cháy của dự án xây dựng, quy định chiều cao tĩnh không quy hoạch 1/2000 của dự án xây dựng phải được tích hợp khi thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, cần được minh bạch cho nhà đầu tư.
Như vậy, việc tích hợp các công tác liên quan đến đánh giá tác động môi trường, chiều cao tĩnh không và phòng cháy chữa cháy ngay từ khâu thiết kế cơ sở, coi như Nhà nước “buông lỏng” kiểm soát tiền kiểm để thực hiện hậu kiểm và thực quyền chấp hành pháp luật cho nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng. Nhà nước chỉ thực hiện thẩm định thiết kế kỹ thuật được quy định ở một số công trình đặc thù, công trình có vốn ngân sách hoặc nếu chủ đầu tư có yêu cầu thẩm định. Việc thẩm định thiết kế kỹ thuật là bước hậu kiểm, không làm cản trở việc xây dựng công trình.
Ngoài ra cũng cần quy định rõ năng lực của công chức làm công tác thẩm định, thanh tra và giám định xây dựng theo vị trí việc làm được Bộ Nội vụ công bố trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, góp phần đảm bảo tiết giảm thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng và rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư”.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Mai Thu
Theo