(Xây dựng) - Chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, cấp thiết phải sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về đất đai để phát huy nguồn lực tài nguyên đặc biệt này cho phát triển kinh tế - xã hội.
Sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về đất đai sẽ giúp phát huy được nguồn lực đất đai, tránh để hoang hóa, lãng phí (ảnh minh họa: Internet). |
Cần thiết phải được rà soát
Trước sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội kèm theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng đất, trong điều kiện quỹ đất có hạn, đất đai ngày càng khan hiếm và có giá trị, đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường quản lý chặt chẽ để sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả cao.
Đầu năm 2018, để xử lý trình trạng lãng phí đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT- TTg ngày 03/01/2018, yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý các dự án đã được giao đất, cho thuê đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; các dự án chậm giải phóng mặt bằng. Bộ này cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, xử lý, công khai vi phạm trên Cổng thông tin điện tử và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các địa phương đã tích cực tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án chậm.
Theo Bộ TN&MT, đến nay qua kết quả rà soát, tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có 916 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích là 27.968ha. Trong đó: Dự án đã thu hồi đất và đã chấm dứt hoạt động là 172/916 dự án (với diện tích 6.922ha); 219/916 dự án đã xử lý gia hạn sử dụng đất (với diện tích 1.566ha). Hiện nay, đang xử lý 113/916 dự án (diện tích 1.211ha) và chưa xử lý 412/916 dự án (với diện tích 18.269ha).
Với kết quả rà soát trên cho thấy, diện tích đất chưa được xử lý vẫn còn khá lớn, Vì vậy, việc xây dựng và thực hiện một đề án về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch COVID-19 của Chính phủ là thực sự cần thiết lúc này.
Ngày 21/7, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, trong bài phát biểu của Thủ tướng có nhấn mạnh giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển là yếu tố cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Một đề án tổng thể về mục tiêu đó đang được Chính phủ xây dựng dựa trên căn cứ pháp lý, chính trị vững chắc và quyết tâm thực hiện.
Định hướng đổi mới về đất đai
Thực tiễn tại nước ta, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai đều được xây dựng trên cơ sở định hướng chính trị của Đảng. Vừa qua, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận và thống nhất cao ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về đất đai tạo đột phá mang tính bước ngoặt về tư duy và có ý nghĩa rất quan trọng.
Trước đó, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đã được Đảng ta nhắc đến tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, trong đó: “có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng; không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất, giá trị đã đầu tư vào đất đối với các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai”.
Cuối tháng 12/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 155/NQ-CP, giao “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương: Chỉ đạo, rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng sử dụng đất của dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, đất chưa sử dụng... Tổng hợp khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp và cơ chế chính sách để giải quyết, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, nhanh chóng giải phóng nguồn lực, tránh lãng phí, phòng chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai”.
Đến đầu năm 2022, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có nội dung quan trọng về xây dựng đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch COVID-19”.
Đề án đang được Chính phủ xây dựng sẽ đánh giá đúng thực trạng, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 theo tinh thần của Nghị quyết 155/NQ-CP ngày 08/12/2021 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, Đề án tháo gỡ khó khăn về đất đai lần này cũng kiểm tra, rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, phân tích, đánh giá nguyên nhân của các tồn tại, vướng mắc. Để từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các địa phương trong cả nước. Tổ chức thực hiện các giải pháp để đưa đất đai của các dự án chậm vào sử dụng có hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai, tránh để hoang hóa, lãng phí.
Đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ đặc biệt chú trọng (ảnh minh họa: Internet). |
Chính phủ luôn xác định các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai phải được đầu tư nghiên cứu kỹ, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, đi vào thực tiễn mang lại hiệu quả lớn. Và Thủ tướng cũng khẳng định các chủ trương, chính sách này cần vừa làm, vừa hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội để hướng tới mục tiêu chung là giải phóng nguồn lực đất đai tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Khánh - Ánh Dương
Theo