Thứ sáu 27/12/2024 00:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội: Kỷ cương, trách nhiệm

09:00 | 20/01/2023

(Xây dựng) - Nhờ đẩy mạnh, đổi mới hoạt động thanh, kiểm tra chuyên ngành, năm 2022, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã đóng góp quan trọng trong công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội, góp phần từng bước xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội: Kỷ cương, trách nhiệm
Ông Nguyễn Việt Dũng

Những thành tích đáng ghi nhận

Trong năm 2022, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Sở triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, hạ tầng kỹ thuật; các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách của các quận, huyện, thị xã theo kế hoạch được duyệt...Thanh tra Sở thực hiện 12 cuộc thanh tra chuyên ngành; Kiểm tra hoạt động đầu tư xây dựng đối với 105 dự án về việc chấp hành quy định của pháp luật trong trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình xây dựng; các thay đổi, bổ sung thiết kế, dự toán; Năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, thực hiện dự án; công tác quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư và nhà thầu tham gia thực hiện dự án theo quy định... Qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm chủ đầu tư có vi phạm, Thanh tra Sở đã ban hành 45 Quyết định xử phạt (không phép, sai phép, sai quy hoạch, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng…) với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Công tác tiếp dân được Thanh tra Sở Xây dựng duy trì thực hiện nghiêm túc. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo được xem xét, giải quyết kịp thời khi mới phát sinh; các vụ việc đông người, phức tạp được tập trung giải quyết. Số đoàn đông người đến trụ sở tiếp dân của Sở giảm cả về số lượt người, số vụ việc… Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Sở trong năm 2022 có giảm nhẹ, nội dung khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở chiếm đa số; đơn thư gửi đến Sở chủ yếu vẫn là dân nguyện (kiến nghị, phản ánh). Nội dung đơn thư của công dân chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hành chính liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước; công tác quản lý vận hành nhà chung cư; dự án phát triển nhà; sai phạm trong thực hiện dự án; hạ tầng kỹ thuật đô thị; tố cáo hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng…

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Sở đã tham mưu Sở Xây dựng Hà Nội ban hành nhiều văn bản triển khai, quán triệt các chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hà Nội trong công tác tiếp dân, xử lý phản ánh, kiến nghị và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đến từng phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở như: Kế hoạch số 56/KH-SXD(TTr) ngày 26/4/2022 về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”; 5 Quy trình ISO nội bộ về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại lần 1, giải quyết khiếu nại lần 2, giải quyết tố cáo được ban hành theo Quyết định số 290/QĐ-SXD ngày 20/5/2022.

Công tác quản lý trật tự xây dựng đạt kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 10/2022, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 18.131 công trình (đạt 100% công trình). Qua đó, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 472 trường hợp có vi phạm, chiếm 1,87%; đã xử lý dứt điểm 311/472 trường hợp vi phạm, chiếm 65.9% và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền: 161/472 trường hợp, chiếm 34.1%; UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 1.208 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 12,7 tỷ đồng.

Nhằm tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, theo chủ trương của Thành ủy và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, Sở Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 14-CT/TU ngày 02/3/2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý sai phạm

Ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Trong thời gian tới, Thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch của UBND Thành phố như: 117/KH-UBND ngày 01/6/2017, về việc khắc phục những tồn tại hạn chế, yếu kém, nâng cao kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán trên địa bàn Thành phố; Số 125/KH-UBND ngày 01/6/2017 của UBND Thành phố về việc khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội. Ngoài ra, thực hiện tốt Chỉ thị 14-CT/TU ngày 02/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 08/7/2022, Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 12/8/2022 của UBND Thành phố về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.

Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội: Kỷ cương, trách nhiệm
Xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra xây dựng thành phố, nhằm nâng cao năng lực trong việc soạn thảo biên bản, thiết lập hồ sơ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, giao tiếp hành chính khi thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng...

Triển khai thực hiện Kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra năm 2023, nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, gắn hoạt động thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra của các cấp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó tập trung vào các dự án phát triển nhà ở, các khu đô thị, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng từ khi mới phát sinh, không để phát sinh các vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng "siêu mỏng, siêu méo", báo cáo UBND Thành phố để kịp thời chỉ đạo, giải quyết trong quá trình thực hiện.

Để công tác quản lý trật tự xây dựng đi vào nề nếp, hiệu quả, Thanh tra Sở đã tham mưu Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về mô hình thí điểm thành lập các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo Đội quản lý trật tự xây dựng - đô thị, các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên, kiểm tra, rà soát công trình xây dựng trên địa bàn; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm mới phát sinh, tập trung phân loại, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng theo thẩm quyền; Thực hiện đồng bộ các giải pháp, các biện pháp ngăn chặn theo quy định đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Nghiêm túc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm; Kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận và có biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, dung túng, bao che các trường hợp vi phạm.

Sau một năm triển khai nhiệm vụ khẩn trương, nghiêm túc và có trách nhiệm, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, với những chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Qua đó, góp phần phát triển đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load