Thứ tư 15/01/2025 13:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Thanh tra Bộ Xây dựng làm việc với Thanh tra Chính phủ về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi

08:32 | 24/04/2021

(Xây dựng) – Sáng 23/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ do ông Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế là Trưởng đoàn về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi. Buổi làm việc với sự tham gia của các lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng, Vụ pháp chế Bộ Xây dựng cùng các cơ quan thanh tra Sở Xây dựng của các tỉnh, thành phố miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình…

Hoạt động thanh tra khác hoạt động kiểm tra

Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi đang được Bộ Tư pháp thẩm định, đã đến bước dự thảo lần 03. Theo đó, tại Điều 31, dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi quy định, có Thanh tra Sở trong hệ thống Sở Xây dựng địa phương để thực hiện chức năng thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng.

thanh tra bo xay dung lam viec voi thanh tra chinh phu ve du thao luat thanh tra sua doi
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng nêu quan điểm, việc dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi là cần thiết trong tình hình mới hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, Luật Thanh tra là một đạo luật rất quan trọng hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước, quản lý Nhà nước không thể thiếu hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, nếu thực hiện quản lý Nhà nước đến mức gây khó cho sự phát triển thì không nên, việc dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi là cần thiết trong tình hình mới hiện nay.

Tại buổi làm việc với các cơ quan thanh tra ngành Xây dựng, ông Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh 02 nội dung về tổ chức các cơ quan thanh tra và hoạt động thanh tra. Hiện nay có tình trạng thanh tra chồng thanh tra, thậm chí Thủ tướng Chính phủ phải ra Chỉ thị chấn chỉnh công tác thanh tra, tức là công tác thanh tra có vấn đề nên phải chấn chỉnh, chồng chéo giữa Thanh tra Bộ này với Thanh tra Bộ kia, chồng chéo giữa Thanh tra Bộ với Thanh tra Chính phủ, chồng chéo hoạt động thanh tra giữa trung ương với địa phương… Đặc biệt, trong hầu hết các báo cáo chưa có sự tách biệt giữa công tác thanh tra và kiểm tra.

Ông Đinh Văn Minh cho biết, dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi lần này làm rõ công tác thanh tra và kiểm tra. Công tác kiểm tra là công tác làm thường xuyên, liên tục việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thậm chí là hướng dẫn giúp tháo gỡ khó khăn kịp thời, phòng ngừa vi phạm. Còn đối với hoạt động thanh tra, ông Đinh Văn Minh dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “thường có sai lầm mới cần phải thanh tra”.

Dẫn ví dụ từ ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục có thể phân công Thanh tra Bộ Giáo dục kiểm tra công tác chuẩn bị thi trước khi kỳ thi diễn ra; trong khi kỳ thi đang diễn ra, Thanh tra Bộ Giáo dục có thể đến địa điểm thi, phòng thi xem xét các hoạt động nhằm giám sát kỳ thi; còn khi kỳ thi diễn ra xong, nếu có phản ánh tiêu cực về chuyện điểm cao điểm thấp, chuyện sửa điểm… lúc đó mới cần đến hoạt động thanh tra.

Nói như vậy để phân biệt rõ hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra và với hoạt động giám sát và phải coi trọng công tác kiểm tra thường xuyên để đôn đốc, nhắc nhở, tiến độ, chất lượng công việc, nếu vi phạm phải xử lý ngay, nhưng có những trường hợp không đủ khả năng, thời gian để xử lý mà cần nhiều nguồn lực hơn nữa thì phải ra quyết định thanh tra.

thanh tra bo xay dung lam viec voi thanh tra chinh phu ve du thao luat thanh tra sua doi
Ông Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ chia sẻ, trong hầu hết các báo cáo chưa có sự tách biệt giữa công tác thanh tra và kiểm tra.

Vì vậy, ông Đinh Văn Minh nhấn mạnh, thanh tra là quá trình kiểm tra thấy vấn đề cần thanh tra thì ra quyết định thanh tra, phải là một hoạt động có trình tự, bài bản có quyết định thanh tra, có kết luận thanh tra gửi đến đối tượng thanh tra.

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Góp ý dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, ông Lê Văn Lãng – Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, không nên quy định cơ cấu tổ chức bộ máy thanh tra trong Luật Thanh tra, vì về nhân sự của các cơ quan trong hệ thống Nhà nước đã có quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, nhân sự của các cơ quan địa phương đã quy định trong Luật Chính quyền địa phương, cho nên chỉ quy định rõ về thanh tra, kiểm tra, những ai tham gia vào hoạt động thanh tra phải thực hiện theo Luật Thanh tra kể cả công chức nếu được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Còn theo ông Luyện Văn Phương – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, công tác tổ chức thanh tra chuyên ngành ở Sở Xây dựng rất ít, trong một năm chỉ có khoảng 10 cuộc thanh tra chuyên ngành, như năm 2021 có khoảng 05 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với các dự án đầu tư công cấp huyện quản lý, nhưng công tác kiểm tra thì rất nhiều lên tới khoảng 200 cuộc trong một năm.

Đối với việc xóa bỏ hay giữ nguyên đội ngũ thanh tra xây dựng ở các Sở Xây dựng địa phương phải được cân nhắc, nghiên cứu thấu đáo.

Tuy nhiên, ông Luyện Văn Phương nhấn mạnh một vấn đề quan trọng trong công tác thanh tra, cần quy định các nội dung chi tiết, cụ thể các quy trình thanh tra, từ việc dự thảo kết luận đến kết luận thanh tra, người ký kết luận thanh tra tránh dẫn đến các bất cập trong quá trình thực hiện trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, đối với công tác thanh tra, kiểm tra về xử lý vi phạm trật tự xây dựng hiện nay chỉ quy định chung chung “phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm”, nhưng trên thực tế, đối với dự án lớn, không thể lúc nào cũng kịp thời kiểm tra phát hiện, kịp thời xử lý. Để tổ chức một đoàn kiểm tra dự án lớn có sai phép hay không, cần nhiều nhân lực với thiết bị, công cụ để kiểm tra. Và cũng không thể tổ chức hằng ngày một đội kiểm tra các dự án lớn như vậy. Trong khi, với công nghệ xây dựng hiện đại ngày nay rất nhanh, chỉ sau một hoặc vài tháng thì công trình đã hoàn thiện lên đến mấy tầng, thậm chí mười mấy tầng nên rất khó để xử lý kịp thời.

Cho nên, phải có những quy định hết sức cụ thể để chủ đầu tư các dự án chịu trách nhiệm về sai phạm trật tự xây dựng, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện hậu kiểm, không tiền kiểm. Trường hợp xây quá số căn hộ đã cấp phép thì cơ quan chức năng xử lý bằng hình thức tổ chức đấu giá thu tiền về ngân sách Nhà nước, những nội dung sai phạm không bán đấu giá được thì xử phạt bằng tiền gấp 2-3 lần giá thị trường. Nếu quy định chặt chẽ, cụ thể như vậy thì sẽ không có chủ đầu tư nào dám vi phạm.

Nói cách khác, Luật Thanh tra sửa đổi nên nghiên cứu theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các dự án đầu tư xây dựng, quy định như hiện nay vừa làm phình to bộ máy thanh tra, quản lý trật tự xây dựng mà hoạt động lại kém hiệu quả.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load