(Xây dựng) – Trong năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng. Phát huy vai trò là đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện công tác thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Báo cáo kết quả công tác thanh tra 10 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm 2021. |
Trước thềm năm mới 2021, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng dành cho phóng viên Báo Xây dựng cuộc phỏng vấn về những kết quả đạt được trong những năm qua và mục tiêu, giải pháp mà Thanh tra Bộ Xây dựng đang quyết tâm thực hiện trong năm tới.
PV: Năm 2021 là một năm nhiều khó khăn và thử thách, nhưng Thanh tra Bộ đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ông có thể chia sẻ về những thành tích nổi bật mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã đạt trong năm 2021?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Năm 2021, Thanh tra Bộ đã triển khai 08 Đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất; cử cán bộ tham gia 05 đoàn thanh tra liên ngành; ban hành 24 kết luận thanh tra trong công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung cư. Từ đó, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 387,2 tỷ đồng.
Qua thanh tra cũng đã tổng hợp, bổ sung mới vào Nghị định thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP với 23 hành vi vi phạm, đề xuất tăng mức xử phạt 300 triệu/1 hành vi vi phạm trong công tác quản lý kinh phí bảo trì chung cư. Sau khi kết luận được công bố đã có rất nhiều ban quản trị nhà chung cư gửi thư cảm ơn tới Bộ trưởng và Thanh tra Bộ đã giải quyết được những bức xúc đã tồn tại, kéo dài suốt nhiều năm nay. Các ban quản trị cũng cam kết sẽ quản lý và sử dụng phần kinh phí bảo trì đúng quy định của pháp luật, giúp sinh hoạt của hàng vạn cư dân tại các khu chung cư ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài nên công dân hạn chế đến phòng Tiếp công dân của Bộ Xây dựng và chủ yếu gửi đơn qua đường bưu chính. Năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiếp 157 lượt công dân (tương đương với 78 vụ việc), 02 đoàn đông người có tính chất phức tạp (trung bình 25 người/đoàn); tiếp nhận và xử lý 1045 lượt đơn, 75 vụ việc khiếu nại, trong đó có 13 vụ việc thuộc thẩm quyền (đã giải quyết xong 09 vụ việc, 04 vụ việc còn lại Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh và cơ quan liên quan cung cấp, bổ sung thông tin tài liệu), còn lại là các đơn, vụ việc đã có quyết định giải quyết, đơn trùng lặp, đơn không hợp lệ.
Có thể nói, Thanh tra Bộ Xây dựng luôn coi việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, với quan điểm “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện gắn với tổ chức thi hành hiệu quả”. Vì vậy, trong năm 2021, Thanh tra Bộ đã chủ trì nhiều cuộc họp, tham gia soạn thảo biên tập các Nghị định, tham gia góp ý kiến, thẩm định đối với 66 văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thực hiện 11 chuyên đề của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện mô hình thanh tra xây dựng tại các đô thị cho phù hợp với thực tiễn”…
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng. |
PV: Ông có thể cho biết thêm về công tác thanh tra quỹ đất nhà ở xã hội, quỹ bảo trì chung cư trong thời gian qua và những kết quả tích cực đã đạt được?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Chủ trương phát triển nhà ở xã hội là chủ trương rất nhân văn của Chính phủ và Bộ Xây dựng để giúp cho người dân có thu nhập thấp, các công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà để ở, đảm bảo công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện, dịch bùng phát nhanh tại các khu nhà trọ chưa đảm bảo vệ sinh, có người lao động, công nhân sinh sống, vấn đề phát triển nhà ở cho các đối tượng này lại được quan tâm hơn bao giờ hết. Và một trong những nguyên nhân khiến phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn lớn là vấn đề về quỹ đất, kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được cho là tín hiệu mới gỡ khó cho bài toán này.
Tôi khẳng định, việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án, các quỹ đất tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp là cần thiết. Trong đó, rà soát quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là tất yếu bởi câu chuyện này được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Việc rà soát có thể nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai. Đồng thời, chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu, đi chệch hướng so với chủ trương nhân văn của Chính phủ, cũng như Bộ Xây dựng.
Qua việc tổ chức thanh tra 24 nhà chung cư, cụm nhà chung cư, ban hành 18 Kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiến nghị Lãnh đạo Bộ Xây dựng ban hành văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trên toàn quốc có nhiều nhà chung cư về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư nhằm giải quyết triệt để các tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài, tình trạng cư dân biểu tình, căng băng rôn tại nhà chung cư và các cơ quan chức năng gây mất mỹ quan đô thị, mất an ninh trật tự xã hội.
PV: Năm 2021 là một năm để lại nhiều dấu ấn trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng và tiếp công dân. Ông có thể thông tin thêm về kết quả công tác năm qua?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Tiễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tác động, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các nhiệm vụ. Nhưng với truyền thống đoàn kết, trách nhiệm cao trước công việc, sự tập trung chỉ đạo điều hành sát sao của tập thể Lãnh đạo Thanh tra, sự nỗ lực của công chức, người lao động, Thanh tra Bộ đã tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ, phối hợp hiệu quả với các cục vụ thuộc Bộ, triển khai thực hiện tốt các yêu cầu về phòng chống dịch, làm việc trực tuyến, hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao, đổi mới, nâng cao chất lượng trên tất cả các mặt hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng, mang lại nhiều thay đổi và kết quả tích cực.
Cụ thể như: Chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và các quy định đối với công tác thanh tra chuyên ngành; đặc biệt chú trọng hoàn thiện về thể chế cũng như bộ máy tổ chức của hệ thống Thanh tra ngành Xây dựng, đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả, nâng cao trình độ chuyên môn gắn với đạo đức công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra; Công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm góp phần tăng cường việc tuân thủ pháp luật về xây dựng, phòng ngừa, phát hiện xử lý các vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành Xây dựng; Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định an ninh, trật tự, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng và thực hiện các nhiệm vụ của ngành Xây dựng; Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đầu mối tham mưu của Bộ Xây dựng trong công tác phòng, chống tham nhũng.
PV: Để khẳng định vị thế, sức mạnh của lực lượng thanh tra, từ những kết quả đạt được, trong năm 2022 Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ có những định hướng hoạt động ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Với quan điểm xuyên suốt, nhằm phủ kín và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ quản lý Nhà nước của ngành, Thanh tra Bộ tập trung vào một số vấn đề nổi cộm hiện nay. Đồng thời, bảo đảm cân đối trong hoạt động thanh tra, các dự án được thanh tra có quy mô lớn, mang tính đại diện cho ngành, lĩnh vực được thanh tra, không chồng chéo và phù hợp với nhân lực.
Trong năm tới, Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng và được phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Xây dựng, gồm 09 danh mục thanh tra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng (02 danh mục thanh tra hành chính; 07 danh mục thanh tra chuyên ngành). Trong đó Thanh tra Bộ sẽ triển khai tại 11 tỉnh và hướng dẫn Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh thành phố còn lại thực hiện thanh tra 02 chuyên đề diện rộng về việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì.
Công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng, hoàn thiện thể chế là 2 nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn của Thanh tra Bộ trong năm 2022. Tại hội nghị sơ kết công tác 10 tháng năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã ghi nhận những đóng góp của Thanh tra Bộ trong những năm qua. Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra mẫu mực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lập trường, tư tưởng, quan điểm rõ ràng, giữ vững nguyên tắc kỷ luật, kỷ cương, công tâm, khách quan; cầu thị, lắng nghe, chuẩn mực trong ứng xử… và đã có những chỉ đạo cụ thể về hoạt động thanh tra.
Phát huy truyền thống tốt đẹp trong những năm qua, với tinh thần “đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm”, Thanh tra Bộ sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan Thanh tra trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tháng 3/2021, để triển khai thực hiện Kế hoạch số 108/KH-TTCP và Công văn số 387/TTCP-TCCB của Thanh tra Chính phủ về tổ chức triển khai phong trào thi đua năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng – Khối trưởng Thanh tra các Bộ khối Kinh tế ngành (Khối I) đã chủ trì Dự thảo và hoàn thiện Giao ước thi đua năm 2021 giữa Thanh tra 6 bộ khối kinh tế ngành: Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết quả tổng kết năm 2021 cho thấy, nhận thức được tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, Thanh tra Khối I đã xây dựng Kế hoạch và phát động phong trào thi đua trong đơn vị với chủ đề “Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả” bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, yêu cầu nhiệm vụ của Bộ chủ quản. Mặc dù khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng toàn thể cán bộ công chức của Thanh tra Khối I đã quyết tâm thi đua, nỗ lực, phấn đấu thực hiện khối lượng lớn công việc theo kế hoạch và đột xuất, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. |
Diệu Anh (thực hiện)
Theo