Thứ sáu 26/04/2024 03:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố Vũng Tàu: Giải phóng mặt bằng – Công tác then chốt đẩy nhanh các dự án

14:21 | 31/08/2020

(Xây dựng) – Trong giai đoạn 2015 – 2020, UBND thành phố Vũng Tàu đã và đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 115 dự án, với tổng diện tích thu hồi khoảng 21.143.250m2 đất liên quan đến khoảng 8.353 hộ, cá nhân, đơn vị bị ảnh hưởng.

thanh pho vung tau giai phong mat bang cong tac then chot day nhanh cac du an
Con đường 2/9 trước đây có khá nhiều đoạn bị thắt cổ chai, dẫn đến bị “da beo” nay hoàn thành rất đẹp.

Công tác triển khai dự án thuận tiện

Để đạt được những con số này, Thành ủy ra Nghị quyết và đích thân ông Mai Ngọc Thuận – Bí thư Thành ủy Vũng Tàu trực tiếp chỉ đạo cả một hệ thống chính trị vào cuộc, từ công tác vận động người dân và các công tác nền như đơn giá (trong đó có hỗ trợ thêm về giá), tái định cư cũng như các hỗ trợ khác.

Nhiều người dân bị ảnh hưởng từ các dự án này bản thân lúc đầu cũng có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên sau khi được vận động, giải thích về các chủ trương, chính sách của Nhà nước và mức tác động xã hội sau khi dự án hoàn thành đã hưởng ứng và chấp hành tốt.

Đánh giá về thực tế này, ông Hoàng Vũ Thảnh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu cho biết, 5 năm qua (2015 – 2020) Vũng Tàu xác định công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, không gây thiệt thòi cho nhân dân sẽ tạo thuận lợi cho thành phố triển khai tốt, thuận lợi nhiều dự án trọng điểm, hình thành một đô thị khang trang, sạch đẹp và đáng sống.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Vũng Tàu đã và đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 115 dự án (trong đó có 37 dự án hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và 78 dự án đang triển khai) với tổng diện tích thu hồi khoảng 21.143.250m2 đất liên quan đến khoảng 8.353 hộ, cá nhân, đơn vị bị ảnh hưởng do thu hồi đất.

Cụ thể, 22 dự án thuộc nhóm dự án ngoài ngân sách, trong đó có 05 dự án hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng còn tiếp tục xử lý một số vấn đề chưa tất toán dự án; 06 dự án đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; 10 dự án đang tạm dừng triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; 01 dự án đang có vướng mắc báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh.

Nhóm dự án do 02 Ban Quản lý dự án thuộc thành phố và các Ban Quản lý dự án thuộc cấp tỉnh làm chủ đầu tư có 78 dự án, trong đó, 29 dự án hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng còn tiếp tục xử lý một số vấn đề chưa tất toán dự án; 46 dự án đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; 02 dự án đang tạm dừng triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (1 dự án thuộc thành phố Vũng Tàu); 11 dự án đang có vướng mắc báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh (các dự án này thuộc thành phố Vũng Tàu).

Bên cạnh đó còn 05 dự án thuộc nhóm dự án khác, trong đó có 03 dự án đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng còn tiếp tục xử lý một số vấn đề chưa tất toán dự án và 02 dự án đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

thanh pho vung tau giai phong mat bang cong tac then chot day nhanh cac du an
Trên con đường này, trước đó cũng có nhiều hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng.

Đảm bảo nguyện vọng cho người dân

Để triển khai đồng bộ và hiệu quả các dự án, UBND thành phố đã ban hành 3.309 quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tổng diện tích thu hồi và bồi thường là 2.035.344m2, với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo phê duyệt là 2.037,597 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo thành phố Vũng Tàu, để có được kết quả trên thành phố nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng liên quan. Bên cạnh đó, nhờ sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác giải phóng mặt bằng nên nhận được sự ủng hộ của người dân có đất bị thu hồi.

Điển hình như dự án Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, Dự án Cải tạo nâng cấp đường 30/4, nút giao đường Trương Công Định – Lê Lai – Trần Đồng, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 51B (đường 2/9), nút thắt cổ chai đường Nguyễn Tri Phương – Trương Công Định, dự án đường Hàng Điều, dự án Bệnh viện đa khoa thành phố Vũng Tàu… đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân rất cao.

“Ngoài việc giải quyết chính sách hỗ trợ, giá bồi thường tương đối phù hợp cho người dân có đất bị thu hồi thì thành phố Vũng Tàu còn thực hiện bố trí tái định cư cho người dân theo nguyện vọng, đảm bảo sự hài lòng của người dân khi đến nơi ở mới. Hiện nay, thành phố đang triển khai nhiều khu tái định cư như: Khu tái định cư Tây Bắc A3, Khu tái định cư phường Thắng Nhất, Khu tái định cư phường 10 và khu tái định cư Long Sơn. Đó là những khu tái định cư mà người dân khi đến thấy rất yên tâm vì đồng bộ, khang trang, sạch sẽ nên họ nghĩ rằng cuộc sống sẽ tốt hơn”, ông Thảnh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - người dân Thôn 1, xã Long Sơn đang sống tại Khu tái định xã Long Sơn cho biết, sau khi bị thu hồi đất để làm dự án Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn gia đình bà Linh được đền bù thỏa đáng, Nhà nước cấp cho gia đình bà một lô tái định cư với hạ tầng, tiện ích đầy đủ nên không có đòi hỏi hay kiến nghị thêm.

thanh pho vung tau giai phong mat bang cong tac then chot day nhanh cac du an
Đoạn nút thắt cổ chai Nguyễn Tri Phương – Trương Công Định nay đã thông thoáng.

Không để dân thiệt

Trong 5 năm qua, trên địa bàn thành phố triển khai khá nhiều dự án, do đó, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn là điều tất nhiên. Các vướng mắc chủ yếu là do người dân vẫn còn khiếu nại về giá đất; không thống nhất với phương án bồi thường của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, quỹ đất tái định cư và Nhà ở xã hội của Vũng Tàu không nhiều, chưa đa dạng, người dân bị thu hồi đất mong muốn nhưng thành phố chưa thực hiện được do vướng nhiều quy định khác nhau…

Để tháo gỡ khó khăn, Thành ủy Vũng Tàu đã phải ra Nghị quyết về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm phát triển, chỉnh trang đô thị, làm cho Vũng Tàu là điểm đến không thể thiếu trên bản đồ du lịch. Trong đó, yêu cầu tập trung rà soát từng trường hợp cụ thể để có phương án đền bù, hỗ trợ đúng theo các quy định của pháp luật nhưng không gây thiệt thòi cho các hộ dân.

Để thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng theo đúng quy định mà lại nhanh, theo ông Thảnh trong thời gian qua thành phố đã quán triệt đến từng cán bộ công chức làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ cơ sở cho đến thành phố phải tăng cường công tác tiếp cận người dân, linh động giải quyết cho người dân những gì luật pháp cho phép.

“Khi giải quyết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thì cán bộ phải đặt mình vào hoàn cảnh của người có đất thu hồi để giải quyết, không được giải quyết thiếu quyền lợi của người dân. Những trường hợp Luật chưa cho phép nhưng còn cơ chế hỗ trợ thì phải nghiên cứu, xem xét hỗ trợ thêm, để vừa đảm bảo điều kiện của người dân sau khi bị thu hồi đất”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu cho biết.

Nhờ quyết tâm

Trong số các dự án trên địa bàn đã được triển khai trong 5 năm qua, có nhiều dự án đã được phê duyệt từ hàng chục năm trước nhưng không thể thực hiện do ách tắc trong khâu bồi thường, điển hình như Dự án Cải tạo nâng cấp đường 30/4, nút giao đường Trương Công Định – Lê Lai – Trần Đồng, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 51B (đường 2/9), nút thắt cổ chai đường Nguyễn Tri Phương – Trương Công Định, dự án Bệnh viện đa khoa thành phố Vũng Tàu, nút thắt cổ chai đường Võ Thị Sáu, chỉnh trang đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Đã từng gắn bó với những dự án trên địa bàn thành phố Vũng Tàu từ những lúc sơ khai, ông Nguyễn Văn Trưởng – Nguyên Trưởng Ban quản lý dự án 1, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trước đây công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều ách tắc đối với 1 vài dự án giao thông trên địa bàn, cụ thể đối với con đường 2/9 bây giờ, lúc đó Ban quản lý của ông đã triển khai được đoạn đầu (kéo dài từ vòng xoay Ẹo Ông Từ về đến gần đường Lưu Chí Hiếu) nhưng do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nên bị ách tắc rất nhiều đoạn như khu vực đất của E261 và 1 số hộ dân trên trục nên dự án bị “da beo”. Sau nhiều năm kéo dài, Ban quản lý của ông buộc phải quyết định trả lại dự án về cho thành phố Vũng Tàu triển khai tiếp.

“Thấy nhiều năm bị “da beo” nên không thể tiếp tục triển khai mà phải trả dự án về cho thành phố triển khai tiếp cũng buồn, đến khi thành phố làm được cả đoạn đường này thông xe toàn tuyến cũng là một quyết tâm chính trị rất cao thấy cũng mừng”, ông Trưởng chia sẻ.

Đang trực tiếp quản lý hàng loạt các dự án trên địa bàn thành phố, ông Quách Tiến Đạo – Phó Ban quản lý dự án đầu tư 1, thành phố Vũng Tàu cho biết khi triển khai các dự án thường chọn các phương án phù hợp, tạo sự công bằng cho người dân cũng như tạo hiệu ứng, cách làm mới trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết tốt an sinh xã hội cho người dân có đất bị thu hồi. Cách thức vận dụng chính sách cũng như việc vận động, đối thoại với người dân đang đi vào chiều sâu và có hiệu quả, điều này thể hiện được trách nhiệm của người công chức đang tích cực để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra còn đẩy mạnh việc rà soát kỹ các chủ trương, chính sách của Nhà nước áp dụng giá bồi thường cho người dân. Chú trọng việc xác định nguồn gốc đất để vừa bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng, cũng như bảo đảm theo đúng các quy định của Nhà nước.

Mạnh Cường

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load