Thứ hai 13/05/2024 13:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố Thủ Đức: Yếu kém trong quản lý hoạt động xây dựng - Khiếu nại, tố cáo kéo dài

21:22 | 01/11/2023

(Xây dựng) – Công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng sai phép từ năm 2014, thế nhưng mãi đến năm 2021, UBND phường Hiệp Bình Phước (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) mới tiến hành cưỡng chế. Điều đáng nói, xung quanh căn nhà bị cưỡng chế còn khá nhiều căn nhà khác cũng xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ cống… nhưng chính quyền lại cho tồn tại. Điều này khiến người dân bức xúc đã làm đơn khiếu nại, tố cáo khắp nơi.

Thành phố Thủ Đức: Yếu kém trong quản lý hoạt động xây dựng - Khiếu nại, tố cáo kéo dài
Phần công trình xây dựng sai phép của hộ bà Diễn tồn tại từ năm 2014, nhưng đến năm 2019 mới lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, tới nay bà Diễn vẫn chưa nhận được biên bản xử phạt.

Phát hiện muộn, hết thời hiệu phạt tiền

Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Diễn (SN 1977, ngụ phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức) liên quan đến nội dung tố cáo về việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng tại số nhà 32/3 đường số 2, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức.

Theo bà Diễn, năm 2014, gia đình bà được UBND thành phố Thủ Đức cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ số 2236/GPXD tại địa chỉ 32/3 đường số 2, khu phố 6 (thửa 525, tờ 188 bản đồ địa chính), phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức. Căn cứ theo bản vẽ thiết kế kèm theo giấy phép xây dựng được duyệt, ngoài phạm vi giấy phép xây dựng số 2236/GPXD được cấp, có một phần nhà trước đây xây dựng không phép (nằm trên hành lang bảo vệ cống 2m) với diện tích 16,1m2 gia đình ba Diễn được giữ lại.

Cũng trong năm 2014, gia đình bà Diễn tiến hành xây dựng nhà đúng theo giấy phép xây dựng. Đồng thời, căn cứ trên nền nhà cũ 16,1m2 được giữ lại, gia đình bà Diễn xây thêm tầng 1 (2,4m2), tầng 2 (22,4m2), tầng 3 (22,4m2). Quá trình xây dựng diện tích trên nền nhà cũ, bà không bị UBND phường Hiệp Bình Phước lập biên bản xử lý.

Thành phố Thủ Đức: Yếu kém trong quản lý hoạt động xây dựng - Khiếu nại, tố cáo kéo dài
Cống thoát nước và phần công trình bảo vệ hành làng cống 2m được tồn tại của hộ bà Diễn.

Sau 5 năm sinh sống ổn định, bất ngờ ngày 28/8/2019, UBND phường Hiệp Bình Phước tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số 10/BB-VPHC đối với phần diện tích xây thêm (trên nền nhà cũ, nằm trên hành lang bảo vệ cống 2m nói trên). 4 tháng sau (ngày 27/12/2019), UBND quận Thủ Đức có Quyết định số 7921/QĐ-KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 2, Điều 4, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ, thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý phát triển nhà và công sở là 2 năm. Do đó, chiếu theo Nghị định 121 thì vi phạm xây dựng sai phép của gia đình bà Diễn đã tồn tại vào năm 2014, đến năm 2019 đã hết thời hiệu xử phạt nên không bị phạt tiền.

Mặc dù, gia đình bà Diễn không bị phạt tiền do xây dựng sai phép. Tuy nhiên, căn cứ biên bản xử phạt hành chính số 10/BB-VPHC của UBND phường Hiệp Bình Phước, ngày 12/2/2020, UBND quận Thủ Đức đã quyết định cưỡng chế đối với phần xây dựng sai phép nói trên.

Đến ngày 7/4/2021, gia đình bà Diễn nhận được thông báo cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm do ông Huỳnh Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước ký. Sau đó, phường đã tổ chức cưỡng chế phần xây dựng vi phạm của căn nhà của bà Diễn.

“Do chỗ ở chật chội, điều kiện sống của gia đình khó khăn và khu vực này thấp nên mỗi lần mưa thì nước ngập tới 0,5m nên tôi mới xin giấy phép để xây dựng lại. Khi xây mới tôi đã xây theo quy định, nhưng trong giấy phép vẫn cho gia đình tôi được giữ lại hiện trạng cũ nên tôi đã xây trên nền đất cũ để có thêm không gian sinh hoạt, chính quyền cũng không nhắc nhở gì”, bà Diễn bức xúc với cách quản lý trật tự xây dựng của phường Hiệp Bình Phước.

Cũng theo bà Diễn, thời điểm năm 2014, khu vực đó cũng có nhiều căn nhà được xây dựng như gia đình bà nhưng không ai bị xử phạt hay bị cưỡng chế. Đến năm 2021, khi gia đình bà Diễn đã ổn định sinh sống thì chính quyền lại cưỡng chế, chẳng khác nào luật chỉ có tác dụng với gia đình bà.

Người dân khiếu nại, tố cáo kéo dài

Theo bà Diễn, quy trình cưỡng chế diễn ra cũng rất khó hiểu. Cụ thể, vào ngày 27/4/2020, khi UBND quận Thủ Đức ra Quyết định số 2146/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị thì bà Diễn đã gửi đơn lên Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Kiểm tra Thành phố Hồ Chí Minh xin cứu xét sau đó việc cưỡng chế bị dừng lại. Đồng thời, bà Diễn cũng phản ánh thêm nội dung một số hộ dân lân cận cũng có hành vi vi phạm xây dựng tương tự.

Tuy nhiên, sau đó bà Diễn vẫn không nhận được phản hồi từ các đơn vị mà bà gửi đơn xin cứu xét. Việc tại sao ngưng cưỡng chế cũng không được thông báo lại cho bà Diễn được biết.

Mãi đến ngày 9/4/2021, bà Diễn tiếp tục nhận được Thông báo số 126/TB-UBND ngày 7/4/2021 của UBND phường Hiệp Bình Phước về việc sẽ thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm vào ngày 15/4/2021. Thời điểm này, bà Diễn lại tiếp tục gửi đơn cho các đơn vị liên quan để cầu cứu và phản ánh tình trạng xây dựng lấn hành lang bảo vệ cống của các hộ dân xung quanh.

Đến cuối buổi chiều ngày 14/4/2021 (lúc 17h30), một nhân viên quản lý đô thị có tới nhà bà giao Văn bản số 369/UBND của UBND phường Hiệp Bình Phước về việc trả lời thư xin cứu xét của bà. Sáng ngày 15/4/2021, UBND phường tiến hành cưỡng chế.

Thành phố Thủ Đức: Yếu kém trong quản lý hoạt động xây dựng - Khiếu nại, tố cáo kéo dài
Nhiều nhà lân cận hộ bà Diễn cũng vi phạm xây dựng, lấn chiếm gần hết phần cống thoát nước. Theo ghi nhận, đây thực chất là một rãnh thoát nước cục bộ, hiện chỉ còn vài hộ dân sử dụng.

Bức xúc trước việc cả khu phố có cả chục căn nhà xây dựng sai phép, không phép giống mình nhưng không bị cưỡng chế. Từ năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Thị Diễn đã liên tục làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến nhiều cơ quan, ban, ngành khác nhau.

Ngày 12/8/2022, ông Huỳnh Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước đã có Văn bản số 723/UBND cho biết, khu vực xung quanh căn nhà bị cưỡng chế của bà Diễn có nhiều căn nhà chưa được cấp giấy chủ quyền, xây dựng không phép, xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ cống.

Cụ thể, nhà số 38 (xây dựng không phép, vi phạm hành lang bảo vệ mương và lộ giới đường số 2, đã bị xử phạt vi phạm hành chính năm 2004); nhà số 40 chưa được cấp giấy chủ quyền; nhà số 42 có một phần công trình nhà nằm trong hành lang bảo vệ cống 2m, diện tích xây dựng 18,2m2, diện tích sàn 36,4m2; nhà số 42/2A chưa được cấp giấy chủ quyền, xây dựng không phép (chưa bị xử phạt); nhà số 42/2/2 chưa được cấp giấy chủ quyền; nhà số 42/2/2A chưa được cấp giấy chủ quyền, xây dựng không phép (chưa bị xử phạt)…

Thành phố Thủ Đức: Yếu kém trong quản lý hoạt động xây dựng - Khiếu nại, tố cáo kéo dài
Văn bản trả lời cho phiếu chuyển năm 2023 nhưng đề năm 2022, do ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức ký.

Theo bà Diễn, trường hợp của gia đình bà không chỉ là kết quả của sự qua loa trong công tác quản lý xây dựng của UBND phường Hiệp Bình Phước mà nguyên nhân còn ở công tác quản lý của chính UBND quận Thủ Đức cũ và nay là thành phố Thủ Đức. Đơn cử, bà Diễn cho biết, trong quá trình làm việc với Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, bà Diễn được cung cấp Văn bản số 3941/UBND-TT đề ngày 14/7/2022, do ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức ký, trả lời Thanh tra Thành phố về việc việc xử lý Phiếu chuyển số 216/PC-CATP-TH ngày 7/3/2023 theo đơn thư của chính bà Diễn.

“Văn bản trả lời đề năm 2022, tuy nhiên lại trả lời cho nội dung của phiếu chuyển vào năm 2023. Văn bản hành chính là bộ mặt của chính quyền, văn bản hành chính đề sai năm, không chỉnh chu cho thấy rõ sự qua loa trong công tác quản lý của UBND thành phố Thủ Đức. Đặc biệt là công tác trả lời công dân, trả lời đơn thư”, bà Diễn ngao ngán cho biết.

Đến nay, chưa rõ Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc sẽ có kết quả ra sao. Thế nhưng ở góc độ cá nhân, bà Diễn mong muốn người dân ai cũng phải được đối xử công bằng như nhau. Công tác quản lý của chính quyền địa phương, đặc biệt là công tác quản lý trật tự xây dựng phải được siết chặt, kịp thời hơn nữa. Tránh trường hợp vì lý do cá nhân cả khu sai phạm chỉ nhằm vào xử lý một trường hợp đơn lẻ.

Ngày 12/10/2023, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo Kết luận số 143/TB-TTTP-P4 thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng trong thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; việc thực hiện các nhiệm vụ do UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao và việc quản lý nhà, đất do Nhà nước quản lý tại UBND thành phố Thủ Đức thời kỳ 2021 – 2022. Kết luận Thanh tra chỉ rõ, bên cạnh các kết quả đạt được, UBND thành phố Thủ Đức vẫn còn những thiếu sót, hạn chế.

Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức chưa đảm bảo số ngày tiếp công dân theo luật định; chưa sửa đổi quy trình tiếp công dân theo Thông tư của Thanh tra Chính phủ. Việc tiếp công dân tại một số phường vẫn còn thiếu sót như chưa sửa đổi quy trình tiếp công dân; không ban hành thông báo hoặc văn bản trả lời sau tiếp dân.

Về công tác xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức xử lý và giải quyết trễ hạn còn nhiều; có trường hợp xác định điều kiện thụ lý khiếu nại, cơ sở không thụ lý tố cáo chưa đảm bảo.

Thiên Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load