(Xây dựng) - Dự án Hồ Thành khu vực II, thuộc địa bàn phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa được khởi công với mục tiêu hướng tới cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân... nhưng lại đang “hành dân” vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đoạn Hồ Thành từ chân cầu vượt Phú Sơn nối phố Nguyễn Trung Trực (thuộc khu vực dự án) lòng hồ ken đặc bèo tây và cây dại. |
Dự án Hồ Thành II có tên đầy đủ là Dự án đầu tư xây dựng công trình Hồ Thành II, thuộc địa bàn phường Tân Sơn, được Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa ra Quyết định phê duyệt đầu tư ngày 01/10/2014. Dự án gồm các hạng mục: Hồ điều hòa, đường dạo quanh hồ, cầu cảnh, thoát nước, điện chiếu sáng. Hình thức đầu tư: Xây dựng mới.
Mục tiêu nhằm khôi phục lại Hồ Thành xưa (là một phần của dự án Hồ Thành xưa), bao gồm hệ thống mặt nước, cây xanh bóng mát kết hợp tuyến đường đi bộ và khu tập thể thao, nơi tập trung vui chơi, giải trí của người dân, nâng cao chất lượng sống và môi trường đô thị; góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, điều hòa liên thông và tiêu thoát cục bộ cho khu vực nội thành của thành phố.
Cảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường tại hiện trường dự án. |
Dự án nằm giữa trung tâm thành phố, phía Bắc giáp đại lộ Lê Lợi, phía Nam và phía Tây giáp Hồ Thành, phía Đông giáp đường Hạc Thành, tổng diện tích 135.543m2. Tổng mức đầu tư 119.613.117.000 đồng. Trong đó, chi phí xây dựng trên 41 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng trên 67 tỷ đồng và các chi phí khác. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố và các nguồn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện không quá 5 năm.
Dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu hướng tới cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao chất lượng mỹ quan đô thị, khôi phục lại hệ thống Hồ Thành xưa. Dự án được khởi công xây dựng trong sự kỳ vọng của người dân sống trong phạm vi của dự án. Tuy nhiên, sau một thời gian thi công, đến năm 2020, dự án đã tạm dừng kéo dài cho đến nay, để lại nhiều hệ lụy và gây bức xúc trong nhân dân.
Những căn nhà đã nhận đền bù, chủ nhân di chuyển đến nơi ở mới nhưng chưa được tháo dỡ do ngừng thi công. |
Tìm hiểu thực tế tại đoạn phố Nguyễn Trung Trực, phường Tân Sơn, phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận thấy được nỗi khổ của các hộ dân nơi đây. Tại khu vực trọng điểm của dự án này, nơi bố trí một trong hai chiếc cầu cảnh, trước mắt phóng viên là một khung cảnh nhếch nhác. Đoạn Hồ Thành (từ phía cầu vượt Phú Sơn nối với đường Nguyễn Trung Trực) kín đặc bèo tây, nhiều đoạn bị thu hẹp do rác rưởi, bùn đất bồi lắng, bị che lấp bởi những bụi cây dại mọc um tùm.
Nơi khu đất trống trên đoạn cuối của hồ đang chờ thi công cầu, rác thải, cây khô chất đống, ruồi muỗi lượn vo ve, chuột chạy từng đàn, khi gió thổi qua, mùi hôi hám bốc lên nồng nặc. Theo ghi nhận của phóng viên tại đây, dự án đã thi công được một số hạng mục như: Kè đá bờ hồ, lắp đặt lan can an toàn quanh hồ. Ngoài ra, để xây dựng cầu, đơn vị thi công cũng đã tập kết về đây một khối lượng đá hộc và những thanh dầm cầu đúc sẵn.
Người dân tại đây cho biết, dự án được triển khai từ năm 2015, điểm đầu từ chân cầu vượt Phú Sơn, thi công đến đoạn đường Nguyễn Trung Trực vào khoảng năm 2016. Sau khoảng một năm thi công rầm rộ thì dừng lại, thỉnh thoảng lại thấy có cán bộ đến đo đạc, dân hỏi thì được trả lời sắp làm tiếp. Sau đó lại nói chưa thể thi công trở lại là do ngành Điện chưa cho di dời trạm biến áp (tại khu vực xây dựng cây cầu cảnh – PV). Nhưng đến năm 2020, trạm điện đã được di dời khỏi hiện trường, việc thi công vẫn “dậm chân tại chỗ”, kéo dài cho đến nay.
Cũng theo bà con, việc dự án được thi công dang dở rồi dừng vô thời hạn đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của cư dân sở tại cùng nhiều gia đình cán bộ, chiến sỹ sống tại khu nhà công vụ, nhà tập thể của Công an tỉnh.
Trong đó, khổ nhất là người dân đoạn phố Nguyễn Trung Trực, vì phải hàng ngày sống trong bầu không khí ô nhiễm. Sống trong môi trường ô nhiễm kéo dài, tình trạng suy giảm sức khỏe, mắc các bệnh về đường hô hấp trong người già, trẻ nhỏ tại khu dân cư này đã có xu hướng gia tăng. Thực trạng này đã được các hộ dân nhiều lần phản ánh lên cấp trên qua các cuộc họp, hội nghị tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thay vào đó, chỉ là những lời hứa, khiến cho họ đã bao phen hy vọng rồi thất vọng.
Dự án Hồ Thành khu vực IV đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng từ gần 10 năm nay, góp phần cải tạo cảnh quan, môi trường, làm đẹp cho diện mạo thành phố đô thị loại I. |
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Ngô Đức Nam - Giám đốc Ban Quản lý các dự án quy hoạch xây dựng thành phố Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân chính khiến dự án bị kéo dài, phải tạm thời dừng giữa chừng là do công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể là trong tổng số 10 hộ dân có nhà, đất phải thu hồi để phục vụ dự án, mới chỉ có 3 hộ chấp thuận phương án đền bù, hỗ trợ đã nhận tiền, đất tái định cư và bàn giao mặt bằng. Còn lại 7 hộ chưa đồng ý với phương án đền bù.
Ngoài ra còn có nguyên nhân do vướng mắc trong việc xác định giá đất, bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ này. Nhưng mới đây, nhờ sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND và các cấp, ngành thành phố, các khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, 7 hộ còn lại đã nhất trí nhận đền bù, hỗ trợ và đất tái định cư để di chuyển đến nơi ở mới, dự kiến sẽ được bố trí tái định cư tại mặt bằng 425 phường Phú Sơn và mặt bằng khu dân cư phường Quảng Thành.
Cũng theo ông Ngô Đức Nam, trước thực trạng dự án thi công dang dở, kéo dài, gây ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của các hộ dân, mới đây, lãnh đạo Thành ủy thành phố cũng đã chỉ đạo UBND thành phố phải nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ, thi công trở lại dự án này trong thời gian sớm nhất. Với những diễn biến thuận lợi như đã nêu, dự kiến trong khoảng tháng 5, hoặc chậm nhất là tháng 6, dự án này sẽ được thi công trở lại và hoàn thành trong thời gian không xa.
Mong rằng, trong thời gian tới, Dự án Hồ Thành II sẽ được tái khởi động, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân phố Nguyễn Trung Trực nói riêng, cũng như người dân thành phố Thanh Hóa nói chung.
Đào Nguyên
Theo