(Xây dựng) - Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Quản lý) đã có văn bản yêu cầu trường Đại học FPT giải trình liên quan đến dự án trong Khu công nghệ cao (thành phố Thủ Đức).
Phân hiệu trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: FPT) |
Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông họp báo cung cấp tình hình kinh kế - xã hội trên địa bàn Thành phố. Tại buổi họp báo, ông Lê Quốc Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lô E2a-7, Đường D1, Khu công nghệ cao, phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức được cấp cho Viện Đào tạo Quốc tế FPT Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện dự án Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, giám sát, Ban Quản lý nhận thấy tại địa chỉ này có thành lập Phân hiệu của Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh, điều này có thể không phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp trước đó. Do đó, Ban Quản lý có văn bản yêu cầu Đại học FPT có thông tin giải trình về việc này.
“Mục tiêu của việc làm này là để xác định quá trình triển khai dự án nhà đầu tư có thực hiện đúng những nội dung cũng như cam kết trong giấy chứng nhận đăng ký đã được cấp hay chưa. Nếu có vướng mắc, Ban quản lý sẽ chỉ rõ và tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện đúng, qua đó thực hiện thành công dự án này”, ông Cường thông tin.
Dự án của Đại học FPT tại Khu công nghệ cao có nhiều vi phạm
Trước đó, như đã đưa tin, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự án Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ Đại học FPT trong Khu công nghệ cao đi vào hoạt động từ tháng 10/2019. Số vốn đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra 332,7 tỷ đồng, tỷ lệ 83,17%, không có vốn vay.
Theo báo cáo, hiện dự án đang tập trung triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế độ họa, an toàn thông tin và kỹ thuật phần mềm, trong đó đào tạo bậc đại học chiếm 99,09%, sau đại học (thạc sỹ) chiếm 0,91%. Doanh thu từ đào tạo là 751.666 triệu đồng. Ngoài ra, có triển khai hoạt động nghiên cứu một số công nghệ cao như: robot, trí tuệ nhân đạo, xử lý ngôn ngữ, hình ảnh và triển khai Vườn ươm “Trải nghiệm khởi nghiệp”, đối với hoạt động này chưa có doanh thu.
Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý đánh giá việc đào tạo bậc đại học chiếm 99,09% là không đúng mục tiêu được cấp tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Đầu tư năm 2020: “Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của luật này, pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy và chữa cháy, quy định khác của pháp luật có liên quan, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư”.
Theo quy định tại Điều 2 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về điều kiện ràng buộc: “Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung dự án hoặc chậm triển khai dự án theo tiến độ và các nội dung đã cam kết (trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản lý, Ban Quản lý có quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư)”.
Dự án cũng không thực hiện báo cáo quý, báo cáo năm và báo cáo giám sát đầu tư theo quy định tại Điều 2 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về điều kiện ràng buộc, gồm: “Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ giám sát đầu tư, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ quy định về giám sát đánh giá đầu tư; Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 2/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp/Nhà đầu tư không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ theo quy định.
Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm về Ban Quản lý các biểu mẫu liên quan đến doanh nghiệp được quy định tại Thông tư số 04/2011/TT-BKHĐT ngày 31/3/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định hệ thống biểu mẫu báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”.
Đề nghị Đại học FPT ngừng đào tạo đại học trong Khu công nghệ cao
Liên quan đến Phân hiệu trường Đại học FPT tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/1/2013, Ban Quản lý đã có công văn gửi trường Đại học FPT về đề nghị xây dựng Phân hiệu trường Đại học FPT trong Khu công nghệ cao là không phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 Khu công nghệ cao giai đoạn 1 được phê duyệt tại Quyết định số 1028/QĐ-UBND ngày 16/3/2007 của UBND Thành phố và Quy hoạch chi tiết Khu công nghệ cao – giai đoạn 2 tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt tại Quyết định số 5625/QĐ-UBND ngày 9/12/2009 của UBND Thành phố.
“Như vậy việc hoạt động Phân hiệu trường Đại học trong Khu công nghệ cao đã được Ban Quản lý thông tin đến trường Đại học FPT là không phù hợp quy hoạch của Khu công nghệ cao do UBND Thành phố phê duyệt từ năm 2013. Tuy nhiên, qua rà soát trên trang thông tin điện tử của trường Đại học FPT thì đều giới thiệu Phân hiệu Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh trong Khu công nghệ cao.
Việc trường Đại học FPT ban hành quyết định sáp nhập, giải thể và chấm dứt sự tồn tại của Viện Đào tạo Quốc tế FPT, xóa sổ pháp nhân đang là nhà đầu tư một dự án trong Khu công nghệ cao và tự ý giao cho đơn vị mới là Phân hiệu Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh tiếp quản toàn bộ dự án tại Khu vông nghệ cao mà chưa có sự đồng ý và chấp thuận của Ban Quản lý là không đúng nội dung quy định tại Điều 1 của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp”, văn bản Ban Quản lý nêu.
Ngoài ra, Ban Quản lý không đồng ý việc Phân hiệu Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng địa điểm trong Khu Công nghệ cao tại địa chỉ Lô E2a-7, Đường D1, phường Long Thạnh Mỹ, Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức do không phải là nhà đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 1264686683 do Ban Quản lý cấp lần đầu ngày 4/10/2013 và điều chỉnh lần 1 ngày 10/11/2015. Cùng đó, việc sử dụng địa điểm thực hiện dự án để đào tạo sinh viên là không phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện hữu và không phù hợp quy hoạch Khu công nghệ cao được UBND Thành phố phê duyệt.
Ban Quản lý đề nghị Phân hiệu Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh ngưng việc đào tạo bậc đại học tại dự án trong Khu công nghệ cao, ngừng các hoạt động khác tại dự án do không phải là nhà đầu tư trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp. Đồng thời, đề nghị trường Đại học FPT gỡ bỏ các thông tin giới thiệu Phân hiệu Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh trong Khu công nghệ cao trên các trang thông tin điện tử của trường Đại học FPT nói riêng và Công ty Cổ phần FPT nói chung.
Viết Dũng
Theo