(Xây dựng) – Quản lý kiến trúc đô thị vừa kế thừa, bảo tồn mang giá trị thời đại, tiếp nối phát triển để Thành phố là một đô thị không chỉ mang tầm quốc gia mà còn là một đô thị mang tầm khu vực và quốc tế.
Quy hoạch đô thị phải kế thừa, bảo tồn mang giá trị thời đại. |
Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Dự thảo có 4 chương và 17 điều được quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quản lý kiến trúc đô thị của Thành phố như: Quản lý kiến trúc đô thị, các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên phạm vi lập quy chế. Bên cạnh đó, quản lý quy hoạch, kiến trúc theo đồ án thiết kế đô thị riêng; những khu vực có Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị riêng; quản lý cấp phép xây dựng trong các khu vực đô thị; quản lý quy hoạch, kiến trúc tại khu vực có địa hình đặc thù; quy chế quản lý đối với quy hoạch và không gian Thành phố; quy chế quản lý đối với công trình kiến trúc.
Đối với đô thị, Dự thảo cho thấy phải tuân thủ định hướng phát triển không gian đô thị trong đồ án quy hoạch chung được duyệt; xây dựng hình ảnh kiến trúc đô thị hiện đại, năng động kết hợp với việc gìn giữ, kế thừa các hình thức kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử của Thành phố qua các giai đoạn hình thành và phát triển. Phù hợp với các khu chức năng và sử dụng đất; điều kiện địa chất công trình và địa chất thủy văn. Định hình các điểm nhấn kiến trúc cảnh quan tại các vị trí đặc biệt dựa trên các yếu tố như: Điều kiện hạ tầng giao thông, các hướng nhìn, cửa ngõ đô thị, các khu vực quan trọng về Văn hóa lịch sử, chính trị; tính kinh tế, hiệu quả về dụng đất, các điều kiện tự nhiên như địa chất, dòng chảy, quan điểm phát triển…
Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố cho biết, Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố là cần thiết để cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố. Quản lý kiến trúc đô thị, các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên địa bàn Thành phố.
Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng việc xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu cụ thể, phù hợp với đô thị, kiến trúc của Thành phố. Cụ thể, việc thiết kế công trình kiến trúc cần hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng nhưng không gây ảnh hưởng đến mỹ quan và việc sử dụng các không gian đô thị.
Trong đó, quy hoạch đô thị phải kế thừa, bảo tồn mang giá trị thời đại. Đối với kiến trúc công trình xây dựng dọc khu vực sông, rạch phải hài hòa với không gian mặt nước, phản ánh đặc trưng đô thị sông nước Thành phố. Các công trình công cộng cần được thiết kế bảo đảm sử dụng năng lượng hiệu quả và thuận tiện cho người tàn tật tiếp cận theo quy định của các quy chuẩn hiện hành…
Nhiều ý kiến cũng lưu ý Dự thảo cần quy định về kế thừa, tiếp thu và phát huy các trường phái kiến trúc bản địa và xu hướng kiến trúc quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh qua nhiều thời kỳ, tạo nên một môi trường kiến trúc đa dạng với nhiều hạng mục công trình khác nhau từ nhà phố, dinh thự, cơ quan hành chính đến các công trình công cộng khác như nhà hát, bảo tàng, thư viện, bệnh viện…
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương cho rằng, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung Thành phố được triển khai thực hiện năm 2014, qua thời gian thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Qua đó việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Thành phố rất cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố; quản lý kiến trúc đô thị, các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên địa bàn Thành phố.
Qua đó, bà Hương cũng mong muốn cơ quan soạn thảo tiếp thu điều chỉnh Quy chế phù hợp, vừa kế thừa, bảo tồn mang giá trị thời đại, tiếp nối phát triển để Thành phố là một đô thị không chỉ mang tầm quốc gia mà còn là một đô thị mang tầm khu vực và quốc tế.
Thành Nam
Theo