(Xây dựng) Trong thời gian qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế qua nhiều kênh như: Đơn, thư, email, báo chí. Các nội dung phản ánh thường tập trung vào các lĩnh vực như quảng cáo, hoạt động không phép, sử dụng người không bằng cấp, không niêm yết giá dịch vụ y tế, bệnh nhân bị “vẽ bệnh” và phải sử dụng dịch vụ giá rất cao ngay trên bàn khám…
Mặc dù Thanh tra Sở đã phối hợp với các phòng chức năng, Phòng Y tế quận, huyện trên địa bàn chủ động triển khai nhiều giải pháp như tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật trong hành nghề y dược tư nhân, tổ chức tập huấn chuyên đề và các quy định của pháp luật cho các bác sĩ người nước ngoài, xử lý nghiêm các vi phạm… Tuy nhiên, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế vẫn còn tồn tại, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh thành lập hệ thống phản ứng nhanh xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. |
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế, đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều phải được phát hiện và xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời, triệt để và có thông tin phản hồi ngay đến người phản ánh, Sở Y tế triển khai quy trình phản ứng nhanh trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Quy trình phản ứng nhanh trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế công cụ chính là ứng dụng “Y tế trực tuyến” trên điện thoại thông minh, tổ chức triển khai thực hiện cụ thể như sau: Thành lập “Tổ chuyên trách phản ứng nhanh” bao gồm: Lãnh đạo thanh tra, thanh tra viên; Lãnh đạo và chuyên viên các phòng chức năng Sở Y tế có nhiệm vụ: Tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, sàng lọc, xác minh, phân loại theo cấp độ và chuyển ngay đến bộ phận xử lý đảm bảo đúng thời gian theo quy định; Theo dõi kết quả xử lý, tổng hợp và báo cáo Ban Giám đốc Sở Y tế trong giao ban hàng tuần, giao ban chuyên đề hàng quý; Định kỳ mỗi 3 tháng, Tổ chuyên trách Sở Y tế và các Tổ chuyên trách của quận, huyện họp sơ kết đánh giá và rút kinh nghiệm quy trình phản ứng nhanh.
Cấp độ phản án chia thành 3 cấp độ: Không quá 24 giờ đối với thông tin phản ánh cấp độ 1 (thuộc thẩm quyền của UBND quận huyện); Không quá 48 giờ đối với phản ánh cấp độ 2 (thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở); Không quá 72 giờ đối với phản ánh cấp độ 3 (thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở nhưng tính chất vụ việc phức tạp, cần sự phối hợp và hỗ trợ của các sở, ban ngành khác và Công an Thành phố Hồ Chí Minh).
Sau thời gian thực hiện Quy trình phản ứng nhanh trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế với công cụ chính là ứng dụng “Y tế trực tuyến” đã phát huy được tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả như: Nhanh chóng, bảo mật, giảm bớt quy trình và rút ngắn thời gian: phản ánh – tiếp nhận – giải quyết đơn thư phản ánh như trước đây; Người dân cùng tham gia giám sát và phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước về các hành vi vi phạm pháp luật khi hành nghề trong lĩnh vực y tế của các cá nhân và tổ chức, Thanh tra Sở đã chủ động tiếp nhận thông tin và chủ động xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; Ứng dụng phần mềm “Y tế trực tuyến” được tích hợp trên điện thoại thông minh, dễ dàng sử dụng đối với mọi đối tượng nhân dân; Kịp thời phát hiện, ngăn chăn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là hiện tượng giải phẫu thẩm mỹ “chui” hiện nay.
Người dân sau khi cài đặt ứng dụng “Y tế trực tuyến” trên điện thoại thông minh (IOS và Android) sẽ dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân hoặc của các cơ sở hành nghề trong lĩnh vực y tế đến Thanh tra Sở Y tế, người gửi thông tin phản ánh dễ dàng đính kèm các hình ảnh hoặc video clip về các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhiều vấn đề cụ thể cần phản ánh liên quan đến lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố Hồ chí Minh: Quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ, nha khoa; các phòng khám vẫn hoạt động trong giai đoạn tạm dừng do cách ly xã hội (do dịch Covid-19); nhà thuốc, cửa hàng thực phẩm chức năng không phép; giá dịch vụ khám, chữa bệnh; chứng chỉ hành nghề của bác sĩ; giao tiếp ứng xử của nhân viên bệnh viện… đã được giải quyết.
Trong thời gian tới đề án sẽ tiếp tục phát huy sự đóng góp của nhân dân trong việc phát hiện và phản ánh các sai phạm trong lĩnh vực y tế, từ đó hoàn thiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, triển khai mở rộng cho cán bộ lãnh đạo quản lý tham gia xử lý thông tin và giải quyết các phản ánh của người dân, những vấn đề có liên quan đến cơ sở, nhất là lãnh đạo các bệnh viện công lập và tư nhân, giám đốc các trung tâm y tế quận, huyện.
Yến Mai
Theo