Chủ nhật 03/11/2024 04:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thành lập thành phố phía Đông

12:36 | 09/04/2020

(Xây dựng) - Mới đây, Bộ Xây dựng đã nhận được văn bản của UBND Thành phố Hồ Chí Minh xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án “Thành lập thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh”. Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu vấn đề và sẽ sớm có công văn phúc đáp Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

thanh pho ho chi minh de xuat thanh lap thanh pho phia dong
Khu vực phía Đông sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Đề xuất hình thành thành phố phía Đông

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án thành lập thành phố phía Đông trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở sáp nhập 3 quận, gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.

Thành phố phía Đông gồm 3 nền tảng trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (tại Quận 9), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (tại quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (tại Quận 2).

Với diện tích tự nhiên hơn 211,5km2, dân số hơn 1,1 triệu người, thành phố phía Đông được kỳ vọng là hạt nhân tạo ra giá trị mới, cơ hội mới thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiện tại, khu vực phía Đông tập trung các dự án hạ tầng lớn đã, đang được xây dựng như xa lộ Hà Nội, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)… Do vậy, khu vực này được coi là sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Sau khi được hình thành, thành phố phía Đông sẽ kết nối chặt chẽ và hiệu quả 3 chức năng là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ; là trung tâm giáo dục – đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; là trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.

Chưa có tiền lệ

Do việc hình thành thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương chưa có tiền lệ nên UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại và Chương trình phát triển đô thị đối với trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố.

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận việc thành phố phía Đông dự kiến được thành lập sẽ không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp tương tự như một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 653/2019/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 – 2021).

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu vấn đề và sẽ sớm trả lời UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia đô thị học, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh chưa căn cứ trên các cơ sở thực tiễn quy định của pháp luật hiện hành mà thiên về mong muốn và cảm xúc nhiều hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, trên thực tế đề xuất này rất khó được Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ chấp nhận. Điều này đã xảy ra vài lần khi Thành phố Hồ Chí Minh trình đề án chính quyền đô thị lên các cấp ở Trung ương.

Hơn nữa, bởi chưa có trong tiền lệ nên muốn thực hiện điều này, đầu tiên phải thay đổi nhiều luật liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng…

Trong khi đó, theo một kiến trúc sư chuyên tư vấn lập đề án nâng cấp đô thị, Điều 2, quy định chung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định trong các đơn vị hành chính có bao gồm đơn vị “thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”. Giống như đơn vị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gọi chung là cấp huyện.

Và theo một chuyên gia về quản lý đô thị, chủ trương thành lập thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương hoàn toàn có thể làm được, phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, quy trình, biện pháp để thành lập thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị; Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính…

Cần có quy hoạch tổng thể khu vực phía Đông

Trước đó, tại hội thảo Định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông và trao giải cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh”, (tháng 11/2019), Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, TS. Trần Quang Thắng cho rằng: Thành phố khu Đông giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao, qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn, hạ tầng được nâng cấp và thêm không gian xanh...

Còn nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh, TS. Võ Kim Cương thì cho rằng để tận dụng lợi thế từ các công ty công nghệ, viện nghiên cứu và nhà nghiên cứu đang làm việc ở khu vực phía Đông, Thành phố Hồ Chí Minh cần một quy hoạch tổng thể giúp gia tăng khả năng kết nối khu vực phía Đông...

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load