Thứ bảy 28/12/2024 00:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thành phố Hạ Long: Chú trọng đầu tư hạ tầng khu vực nông thôn

08:11 | 03/08/2024

(Xây dựng) – Thực hiện Nghị quyết số 78-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Hạ Long đã dành gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng nông thôn tại các xã trên địa bàn.

Thành phố Hạ Long: Chú trọng đầu tư hạ tầng khu vực nông thôn
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến phát biểu tại Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết số 78-NQ/TU về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 1/8/2024. (Ảnh: Cổng TTĐT TP Hạ Long)

Thành phố Hạ Long vừa tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết số 78-NQ/TU ban hành ngày 2/1/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 78-NQ/TU, thành phố Hạ Long đã đề ra các kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp thực hiện đồng thời quyết liệt trong công tác lãnh đạo chỉ đạo việc triển khai Nghị quyết.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2024, thành phố Hạ Long đã dành gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng nông thôn tại 12 xã. Trong đó, thành phố dành trên 228 tỷ đồng cho 4 dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung nông thôn tại các xã: Tân Dân, Bằng Cả, Quảng La, Dân Chủ, Vũ Oai, Hòa Bình, Đồng Lâm, Kỳ Thượng, Đồng Sơn là các xã khu vực miền Hoành Bồ cũ.

Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại 4 xã: Sơn Dương, Đồng Lâm, Vũ Oai và Hòa Bình có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 83 tỷ đồng; tại 4 xã Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả và Tân Dân khoảng 92 tỷ đồng; tại xã Kỳ Thượng khoảng 24 tỷ đồng; tại xã Đồng Sơn khoảng 31 tỷ đồng.

Dự kiến, 4 dự án cấp nước sạch nông thôn này sẽ hoàn thành trong năm 2025, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho người dân các xã thuộc thành phố Hạ Long hiện chưa được dùng nước sạch tập trung, hiện thực đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025.

Cùng với đó, các xã đăng ký triển khai thực hiện 45 dự án công trình hạ tầng với gần 327 tỷ đồng. Đến nay, các xã trên địa bàn thành phố đã tổ chức thi công 38 công trình, giải ngân trên 64 tỷ đồng (đạt 79% kế hoạch vốn cấp năm 2024).

UBND thành phố Hạ Long đã phê duyệt quy hoạch chung đối với 10/12 xã (Sơn Dương, Dân Chủ, Bằng Cả, Quảng La, Tân Dân, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Vũ Oai, Hòa Bình, Kỳ Thượng) và giao các xã chủ động tổ chức lập quy hoạch chi tiết để thu hút đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp. Theo đó, đã có 110 đồ án quy hoạch được lập với tổng kinh phí 28,5 tỷ đồng.

Trong thực hiện ba đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng độ, hiện đại, thúc đẩy liên kế vùng, nội vùng giữa khu vực thành thị và nông thôn. Thành phố ưu tiên tập trung nguồn lực cho các công trình giao thông trọng điểm kết nối đô thị và nông thôn, miền núi, nỗ lực giảm chênh lệch trong phát triển các khu vực.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hạ Long, thời điểm cuối tháng 6/2024, dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, tiến độ thi công đạt 98%, hiện đang lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Cùng với đó, 2 dự án xây dựng cầu thay thế tràn qua suối thôn Khe Mực và thôn Đất Đỏ đều thuộc xã Tân Dân với tổng mức đầu tư khoảng 32 tỷ đồng cũng được triển khai trong năm 2024, nhằm tạo giao thông thuận lợi tại khu vực, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và kết nối đồng bộ với các tuyến đường trục chính.

Song song với thực hiện Nghị quyết số 78-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Hạ Long đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hạ Long – nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cho các xã.

Theo đó, thành phố đã trình HĐND thành phố, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 04 nhà văn hóa gồm: Nhà văn hóa thông Đồng Rùa (xã Vũ Oai), thôn Cây Thị, Đồng Giang, Đồng Vang (xã Sơn Dương); Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Đồng Lâm.

Hiện UBND thành phố Hạ Long đang xây dựng và hoàn thiện phương án Quy hoạch tổng mặt bằng (kèm phương án thiết kế kiến trúc công trình) phương án quy hoạch và lập dự án đầu tư, nâng cấp các hạng mục công trình trong Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y xã Bằng Cả, gắn với phát triển du lịch.

Thành phố Hạ Long: Chú trọng đầu tư hạ tầng khu vực nông thôn
Tuyến đường từ xã Sơn Dương lên xã Đồng Lâm (thành phố Hạ Long) hoàn thành tháng 4/2024, đưa vào sử dụng đã mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao của thành phố Hạ Long. (Ảnh: CTTĐT TP Hạ Long)

Triển khai Nghị quyết số 78-NQ/TU ban hành ngày 2/1/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Hạ Long đã tích cực đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thành phố khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và các tổ hợp tác… góp phần đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và đa dạng hóa hình thức tiêu thụ nông sản, bước đầu đã đạt được một số kết quả, như: Công ty TNHH Đầu tư phát triển CMT liên doanh với HTX Đồng Hang xã Dân Chủ nghiên cứu thực hiện đầu tư khu chế biến dược liệu tại xã Quảng La, với diện tích 03ha; Công ty Cổ phần Dược liệu Kinhsam đã thực hiện trồng thí điểm cây sâm bố chính và đang nghiên cứu triển khai trồng cây dược liệu tại xã Dân Chủ, Tân Dân và đề nghị thực hiện chủ trương đầu tư khu chế biến dược liệu tại xã Quảng La 20ha.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Rừng Vàng đề xuất nghiên cứu triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng trồng tại khu vực thôn 1, xã Dân Chủ, với diện tích khoảng 30ha và liên kết mở rộng các hộ dân khoảng trên 500ha. Hiện nay, các phòng ban chức năng của thành phố Hạ Long đang cùng với các doanh nghiệp này hoàn thiện các bước hồ sơ thủ tục theo quy định.

Công ty TNHH Hoàng Kim Phát nghiên cứu khảo sát lập dự án đầu tư vườn ươm 30ha và khu trồng tre dự kiến khoảng 600ha tại xã Đồng Sơn. Hiện nay, doanh nghiệp đang lập hồ sơ thực hiện thủ tục xin chủ trương đầu tư.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Quân đã khảo sát nghiên cứu lập dự án đầu tư Khu chăn nuôi hữu cơ tại xã Vũ Oai; HTX phát triển du lịch cộng đồng và nông nghiệp bền vững Khải Hương, xã Bằng Cả nghiên cứu dự án trang tại trồng cây dược liệu, cây gỗ lớn kết hợp du lịch sinh thái dưới tán rừng; Công ty TNHH Hoa quả và Dược liệu tự nhiên Việt Nam thuộc Công ty TNHH Tuệ Linh, nghiên cứu khảo sát xây dựng dự án đầu tư trồng và xuất khẩu ổi tại xã Sơn Dương…

Cùng với sự tích cực đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của thành phố, các xã cũng đã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, mở rộng đường, mở rộng vùng sản xuất đối với các giống cây ăn quả, cây dược liệu có giá cao. Nhờ được đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất nên diện mạo và chất lượng cuộc sống của người dân các xã nông thôn thành phố Hạ Long được nâng lên đáng kể.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết số 78-NQ/TU ban hành ngày 2/1/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 1/8/2024, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến yêu cầu các cơ quan đơn vị, các xã, phường phải tiếp tục bám sát các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết đề ra, gắn với hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 25, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đặc biệt cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhất là ở các xã và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết trong thời gian tới.

Đồng thời phải huy động nguồn lực để tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và xác định những hạng mục, công trình thực sự cấp bách, thiết yếu, đảm bảo cuối năm 2024 diện mạo các xã phải có sự thay đổi căn bản và cuối năm 2025 tất cả các xã phải được sử dụng nước sạch; tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp gắn với du lịch cộng đồng.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các vùng trồng cây dược liệu dưới tán rừng, gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu giá trị cao; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết nhằm gia tăng chất lượng…

Hoàng My

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load