(Xây dựng) – Xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thành phố Bắc Giang đang tập trung các giải pháp, tạo cơ sở cho thành phố bứt phá, cán đích đô thị loại I trước năm 2030. Với mục tiêu xây dựng thành phố xanh, thông minh, bền vững, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang Đào Công Hùng đã có những chia sẻ tâm huyết với Báo điện tử Xây dựng về tầm vóc đô thị loại I bằng nhiều cách làm cụ thể.
Ông Đào Công Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang. |
PV: Thưa ông, Nghị quyết số 233-NQ/TU về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2025 xác định, xây dựng Đề án sáp nhập huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Bắc Giang mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II, phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2030. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, thành phố Bắc Giang đã có những chiến lược, giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Ông Đào Công Hùng: Thực hiện Nghị quyết số 233-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố Bắc Giang đã chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, các đơn vị có liên quan tiến hành lập Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang. Cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giám sát trong quá trình kiểm tra, định hướng, sáp nhập Yên Dũng về thành phố Bắc Giang.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 425/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000. Theo phê duyệt, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu (Đô thị Bắc Giang). Diện tích lập quy hoạch khoảng: 25.830ha. Trong đó thành phố Bắc Giang: 6.656ha; huyện Yên Dũng: 19.174ha.
Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan để xây dựng và phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; phấn đấu xây dựng đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại I (trong đó sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang).
Theo nhiệm vụ quy hoạch, đến năm 2030, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 472.000 người. Trong đó dân số nội thị khoảng 365.200 người, chiếm 77% tổng dân số; đến năm 2045, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 666.000 người. Trong đó dân số nội thị đô thị Bắc Giang khoảng 565.000 người, chiếm 85% tổng dân số.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố Bắc Giang đang tích cực đẩy nhanh để sớm trình Chính phủ Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045.
PV: Để tiến đến đô thị loại I như mục tiêu Nghị quyết đề ra, theo ông, thành phố Bắc Giang cần phải làm gì? Và cần những hành động cụ thể nào?
Ông Đào Công Hùng: Hướng tới mục tiêu, đến 2030 Bắc Giang trở thành đô thị loại I, thành phố đang tích cực triển khai nhiều kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng đề án phân loại đô thị, nghĩa là cần cụ thể Đề án phân loại đô thị. Hiện nay, thành phố Bắc Giang đang là đô thị loại II, khi sáp nhập huyện Yên Dũng với 18 đơn vị hành chính sẽ phải đánh giá xem những đơn vị sáp nhập có đạt tiêu chí của đô thị loại II hay không.
Hiện nay, thành phố cũng rất khẩn trương và cơ bản đã đồng bộ được hạ tầng, qua đánh giá, các tiêu chí số liệu cơ bản đã hoàn thành và đạt yêu cầu. Theo Nghị quyết số 26, 27 có sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì chỉ cần 75 điểm là đã đạt được tiêu chuẩn đô thị loại II. Qua rà soát đánh giá thì khả năng sẽ đạt được từ 85 đến 90 điểm, khi sáp nhập huyện Yên Dũng về thành phố Bắc Giang sẽ đảm bảo 5 nhóm tiêu chí và 63 chỉ tiêu.
Thứ hai, xây dựng chương trình phát triển đô thị: Đến nay, thành phố Bắc Giang đã có chương trình phát triển đô thị của thành phố. Bao gồm đánh giá chương trình phát triển đô thị của cả thành phố Bắc Giang và Bắc Giang mở rộng (khi đã sáp nhập Yên Dũng). Cơ bản trong năm nay - 2023 sẽ hoàn thành.
Thứ ba, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các xã, phường: Đó là khi lên đô thị loại I phải đảm bảo ít nhất 65% đơn vị hành chính lên phường. Hiện nay, thành phố Bắc Giang có 16 xã, trong đó 6 xã sẽ lên phường, cộng thêm 7 xã của huyện Yên Dũng. Như vậy, tổng số là 23 phường, đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng.
Thứ tư, đánh giá trình độ cơ sở phát triển hạ tầng gồm có 13 tiêu chuẩn thì thời gian gần đây, thành phố Bắc Giang đã cơ bản đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, 11/13 xã của huyện Yên Dũng đã đạt chỉ tiêu, trong khi yêu cầu chỉ cần 10 xã là đủ nâng cấp lên đô thị loại II.
Thứ năm, xây dựng đề án sáp nhập: Thành phố Bắc Giang đang xây dựng theo đúng lộ trình, kế hoạch. Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác để khẩn trương nhận và thực hiện nhiệm vụ.
Thành phố Bắc Giang đang trỗi dậy mạnh mẽ với tốc độ đầu tư, xây dựng nhanh chóng để trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Bắc Giang và khu vực. |
PV: Vậy để phát triển đô thị Bắc Giang theo hướng xanh, thông minh, theo ông, thành phố cần phải làm gì?
Ông Đào Công Hùng: Thời gian qua, việc phát triển đô thị xanh, thông minh được thành phố Bắc Giang quan tâm và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố đã nhận được sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, các hạng mục như đèn đường, giao thông, hệ thống bơm nước đều đảm bảo chất lượng, đáp ứng phục vụ cho toàn bộ người dân. Toàn bộ hệ thống ánh sáng đều dùng đèn led để đảm bảo tiết kiệm điện và bền bỉ với thời gian.
Thành phố đã từng bước thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thời gian tới, UBND thành phố Bắc Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, như: Tích hợp yếu tố xanh - thông minh vào quy hoạch đô thị, từ đó làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư quan tâm, triển khai thực hiện các dự án khu đô thị, tòa nhà thông minh, sinh thái.
Cùng với đó, xây dựng chương trình “Quản lý đô thị thông minh” để hỗ trợ cho quản lý điều hành, số hóa dữ liệu các ngành, hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh; đẩy mạnh trồng cây xanh; quy hoạch và xây dựng một số khuôn viên, công viên, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường…
PV: Thực tế cho thấy, khăn lớn nhất của thành phố trong việc phấn đấu lên đô thị loại I vẫn là chỉ tiêu dân số, để giải quyết vấn đề này, theo ông thành phố Bắc Giang cần có những giải pháp cụ thể nào?
Ông Đào Công Hùng: Để đạt được đô thị loại I và theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội thì hiện nay, vướng mắc khó khăn lớn nhất đối với thành phố Bắc Giang là về quy mô dân số. Theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì thành phố Bắc Giang sẽ vướng về quy mô dân số và mật độ dân số đô thị. Để đạt được tiêu chí đô thị loại I thì quy mô dân số phải đạt tối thiểu là 500.000 dân, nhưng hiện thành phố mới có khoảng 200.000 dân.
Chính vì vậy, mục tiêu của thành phố Bắc Giang là tập trung cao để thu hút người dân đến với thành phố nhằm nâng tỉ lệ dân số đô thị lên.
Thành phố cũng sẽ quan tâm tới việc mở rộng không gian đô thị, đồng nghĩa với việc mở rộng địa giới hành chính, qua đó mới đáp ứng được tiêu chí về đô thị loại I.
Để đảm bảo mục tiêu đề ra, thời gian tới thành phố Bắc Giang không chỉ tập trung vào việc phát triển công nghiệp mà còn tập trung phát triển thương mại dịch vụ và du lịch. Bởi lẽ, hiện nay công nghiệp sẽ đẩy xa ra các khu đô thị nên việc phát triển công nghiệp trong thành phố là rất hạn chế, chỉ có các cụm công nghiệp…
Với quyết tâm, hành động cụ thể, tôi tin tưởng trong tương lai gần, thành phố Bắc Giang sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; đưa đô thị Bắc Giang trở thành đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); đầu mối kinh doanh - thương mại quan trọng của Vùng với các tỉnh Đông Bắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Kim Thoa – Khánh Hòa (thực hiện)
Theo