(Xây dựng) - Do mưa lớn kéo dài sau hoàn lưu bão số 3, số 4, nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, sạt lở bờ sông nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân các huyện Thạch Thành, Thường Xuân và Vĩnh Lộc.
Một đoạn sạt lở bờ sông Âm, thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. |
Trước tình trạng trên, ngày 01/9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành tình huống khẩn cấp sạt lở đất tại thị trấn Kim Tân, các xã Thành Yên, Thành Trực, huyện Thạch Thành và sạt lở bờ hữu sông Âm tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân.
Các vụ sạt lở tại Thạch Thành đã khiến hàng trăm m3 đất đồi tràn xuống, gây hư hại, ảnh hưởng nhiều nhà cửa, công trình xây dựng. Trong đó, tại nhiều thôn của các xã Thành Yên, Thành Trực xuất hiện các vết nứt, cung sạt lớn, dài từ trên 100m đến trên 400m. Riêng xã Thành Yên và thị trấn Kim Tân, sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến 44 hộ dân, đe dọa gây ách tắc giao thông trên tuyến đường tỉnh ĐT523 và nhiều hộ dân sinh sống ven đường.
Tại Thường Xuân, nước lũ trên sông Âm đã gây sạt lở bờ sông thuộc thôn Xuân Thắng, thôn Hưng Long (xã Ngọc Phụng) với tổng chiều dài cung sạt khoảng 1.100m. Trong đó, sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra tại thôn Hưng Long, điểm sâu nhất khoảng 50m, dài 650m. Tình trạng sạt lở tại đây đã ảnh hưởng, gây nguy cơ mất an toàn đến 77 hộ dân; 2,4km đường dân sinh, hệ thống điện, kênh mương thủy lợi, 30ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân…
Sau khi tổ chức các đoàn đi kiểm tra thực địa, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao lãnh đạo 2 địa phương trên, ngoài thực hiện các giải pháp trước mắt nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Cần nhanh chóng tiến hành xác minh, đánh giá cụ thể về quy mô, mức độ sạt lở, xác định phương án khắc phục, xử lý phù hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền để bố trí kinh phí triển khai thực hiện.
Ngày 01/10, lãnh đạo xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc cho biết, tại địa bàn đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ kè sông Mã thuộc thôn Yên Lạc, tại vị trí K9+900 – K10+100. Với chiều dài sạt lở 71m, rộng 20m, sự cố trên đã làm sập một phần bờ kè và 15m2 đường vận hành phía hạ lưu. Đáng lo ngại hơn, phía dưới lớp bê tông đã bị rơi xuống sông, nhiều lớp đất, cát đang tiếp tục rơi rụng, báo hiệu nguy cơ sạt lở chưa dừng lại, đe dọa sự an toàn của 75 hộ dân sống phía trong tuyến đê.
Sạt lở tại xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc đang có nguy cơ lan rộng. |
Ngoài thôn Yên Lạc, cũng trong sáng 01/10, tại bờ sông Mã thuộc địa phận thôn Thọ Vực, tại vị trí K8+780 – K8+870 đê tả sông Mã đã xảy ra sạt lở với chiều dài 90m, cao 2-3m, cách đê tả sông Mã 140m, cách nhà dân gần nhất chỉ 25m. Đáng quan tâm hơn, tình trạng sạt lở tại khu vực này vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng.
Ngay sau khi sạt lở xảy ra, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo địa phương tiến hành chăng dây, đặt biển báo và cử người ứng trực, không cho người và phương tiện qua lại khu vực nguy hiểm này. Chiều cùng ngày, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc đã tới hiện trường, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho nhân dân và xử lý tạm thời sự cố sạt lở. Cùng với đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu huyện Vĩnh Lộc cần sớm kiểm tra, đánh giá toàn diện về mức độ thiệt hại và giải pháp khắc phục, báo cáo UBND tỉnh để bố trí kinh phí hỗ trợ.
Đào Nguyên
Theo