Thứ bảy 27/07/2024 07:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Tạo đồng thuận trong sáp nhập đơn vị hành chính

15:42 | 31/05/2024

(Xây dựng) - Theo dự kiến, việc sáp nhập huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hóa sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10-12/2024. Mới đây, tỉnh Thanh Hóa triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và thông qua HĐND cấp xã, cấp huyện tán thành chủ trương sáp nhập.

Thanh Hóa: Tạo đồng thuận trong sáp nhập đơn vị hành chính
Khu phố Cao Sơn, thị trấn Rừng Thông tổ chức lấy ý kiến cử tri tạo sự thống nhất, đồng thuận cao.

Lắng nghe ý kiến nhân dân

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức lấy ý kiến cử tri nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong việc xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030. Mục đích, yêu cầu đặt ra của kế hoạch là thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ để cử tri hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của việc lấy ý kiến; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri; giải thích, động viên cử tri tham gia tích cực, đồng thuận, thống nhất cao đối với việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Thanh Hóa.

Về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra phạm vi, nội dung lấy ý kiến đối với từng đơn vị, việc lập niêm yết danh sách cử tri, thành lập tổ lấy ý kiến cử tri, thời gian và hình thức thực hiện. Riêng về hình thức lấy ý kiến cử tri có thể triển khai thông qua tổ chức hội nghị hoặc tổ chức phát phiếu lấy ý kiến theo hộ gia đình.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri phải bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật, đúng thời gian, tiến độ đề ra. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, địa phương phải đặt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền lên hàng đầu.

Tập trung hướng dẫn, cung cấp kịp thời các thông tin để cử tri hiểu đúng, đầy đủ về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính. UBND các xã, phường, thị trấn hoàn thành tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri trước ngày 10/6/2024. UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành tổng hợp báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri gửi UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 15/6/2024.

Thành phố Thanh Hóa được thành lập năm 1993 từ thị xã Thanh Hóa cũ, trở thành đô thị loại hai năm 2003, đến năm 2014 được công nhận đô thị loại I. Hiện, thành phố có diện tích tự nhiên 147km2, 30 phường và 4 xã, quy mô dân số gần 500.000 người. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất cả nước. Theo dự thảo đề án sáp nhập, toàn bộ gần 83km2, dân số hơn 88.000 người của huyện Đông Sơn sẽ nhập vào thành phố Thanh Hóa.

Sau sáp nhập, thành phố sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228km2, dân số gần 594.000, với 37 phường và 11 xã. Có 7 phường dự kiến được lập mới gồm: Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Khê và Đông Thịnh. Sau sáp nhập, tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, còn 2 thành phố (Sầm Sơn, Thanh Hóa), 2 thị xã (Nghi Sơn, Bỉm Sơn) và 22 huyện với 559 đơn vị hành chính cấp xã.

Sáp nhập để phát triển

Ông Đặng Vơn, cán bộ hưu trí, trú tại phố Cao Sơn, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn chia sẻ: “Khi nắm được thông tin huyện Đông Sơn sẽ sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa, cả gia đình tôi đều đồng tình với chủ trương. Tôi thấy chủ trương này của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn. Sau khi sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn sẽ có điều kiện, cơ hội phát triển rất lớn. Tin rằng sau khi sáp nhập sẽ có những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, tổ dân phố chúng tôi vừa tổ chức lấy ý kiến của người dân vào tối 29/5 với sự đồng thuận rất cao”.

Thanh Hóa: Tạo đồng thuận trong sáp nhập đơn vị hành chính
Một góc thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn được nâng cấp sửa chữa tạo cảnh quan.

Nói về Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, ông Lê Trọng Thụ - Bí thư Huyện ủy Đông Sơn cho biết: “Huyện Đông Sơn là địa phương có truyền thống lịch sử, cách mạng của tỉnh Thanh Hóa, gắn liền với nhiều lần điều chỉnh, mở rộng và là cửa ngõ, tiếp giáp về phía Tây thành phố Thanh Hóa. Địa bàn huyện có nhiều yếu tố mang tính chất động lực về giao thông, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, phát triển đô thị, dịch vụ vận tải, logistics...

Hiện nay, huyện Đông Sơn chưa đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định nên nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa là tiền đề mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn, góp phần sắp xếp, tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế”.

“Ngoài ra, nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố Thanh Hóa xứng tầm vị thế, vai trò của đô thị Thanh Hóa với tỉnh Thanh Hóa và với vùng Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Góp phần xây dựng thành phố Thanh Hóa có không gian đô thị rộng, trở thành trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh, thành đô thị thông minh, văn minh, có bản sắc.

Việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa phù hợp với truyền thống lịch sử địa phương, phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn...”, ông Thụ cho biết thêm.

Có thể thấy, việc nhân dân đồng thuận với chủ trương lớn của tỉnh Thanh Hóa sẽ góp phần tạo điều kiện cho việc sáp nhập được triển khai thuận lợi, hiệu quả. Từ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân, tin rằng thành phố sau sáp nhập sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong tương lai.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load