Chủ nhật 22/12/2024 23:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thanh Hóa: Phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Định Tân

11:27 | 30/08/2024

(Xây dựng) – Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3541/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Định Tân, huyện Yên Định đến năm 2045 với quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 757,9ha.

Thanh Hóa: Phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Định Tân
Một góc xã Yên Trường, huyện Yên Định.

Cụ thể, đến năm 2030 Định Tân là đô thị loại V, thuộc vùng 1 của huyện Yên Định, là đô thị công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, nông nghiệp và là đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Đông Bắc của huyện Yên Định. Sau năm 2030 đảm bảo các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật với tiêu chí đô thị loại IV.

Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính của xã Định Tân, huyện Yên Định; phía Bắc giáp sông Mã (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc); phía Nam giáp xã Định Hòa; phía Đông giáp xã Định Tiến; phía Tây giáp xã Định Hưng, Định Hải với quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 757,9ha. Dân số hiện trạng khoảng 5.938 người; dự báo đến năm 2030 khoảng 12.000 người; đến năm 2045 khoảng 15.000 người.

Trên cơ sở không gian phát triển của đô thị, cần xác định hướng phát triển đô thị và phân bổ các khu vực chức năng thuận lợi nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và tạo điều kiện phát triển toàn diện cả ba lĩnh vực: Kinh tế, xã hội và môi trường. Việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phải phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị, bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai thực hiện, đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành (Luật Giao thông; Luật Đê điều; Luật phòng, chống thiên tai; Luật Thủy lợi...).

Giai đoạn sau năm 2030, Quy hoạch chung đô thị Định Tân cần đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đạt và vượt tiêu chuẩn đô thị loại IV và tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng đô thị.

Khu vực được lựa chọn để xây dựng phải đáp ứng các lợi thế về kinh tế - xã hội, hạ tầng, môi trường và cảnh quan, có điều kiện tự nhiên đảm bảo cho các hoạt động xây dựng và đảm bảo an toàn cho cộng đồng và không thuộc phạm vi, khu vực cấm các hoạt động xây dựng.

Xác định các trung tâm chức năng đô thị như trung tâm hành chính, trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm công cộng, công viên cây xanh, quảng trường và không gian mở của đô thị... Định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan cho các trung tâm chức năng và trục không gian đô thị. Không gian đô thị phải khai thác được tối đa các lợi thế và hạn chế các bất lợi về điều kiện tự nhiên, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù về đất đai, hạ tầng của từng đô thị, từng vùng miền, tạo được môi trường sống tốt, an toàn cho dân cư, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.

Cơ quan phê duyệt nhiệm vụ và đồ án: UBND tỉnh Thanh Hóa; cơ quan lấy ý kiến: Bộ Xây dựng; cơ quan thẩm định và trình duyệt: Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa; cơ quan tổ chức lập quy hoạch: UBND huyện Yên Định; đơn vị tư vấn lựa chọn theo quy định của pháp luật; thời gian lập đồ án quy hoạch không quá 9 tháng.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load